Hà Nội

Biến chứng đáng sợ của cúm nhưng bệnh vẫn có cách phòng ngừa

06-02-2025 09:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh cúm mặc dù có thể nhẹ nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh dễ gây viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, thậm chí tử vong. Vì sao bệnh cúm có thể trở nặng như vậy, làm cách nào để phòng ngừa cúm và các biến chứng của căn bệnh phổ biến này?

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp và nói chung là cảm giác khó chịu. Bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh đơn thuần mặc dù bệnh cũng có thể nhẹ. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng.

Lý giải điều này, TS.BS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Những biểu hiện nghiêm trọng của bệnh cúm có thể là do bản thân virus cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn/virus khác xảy ra sau nhiễm cúm làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể. Bệnh nặng hơn thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào có thể trạng sức khỏe tốt" – TS. Ninh thông tin.

Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí tử vong.

Tại bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp phổi bệnh nhân tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và ứ đọng CO2 nghiêm trọng. Chụp phim phổi cho thấy tổn thương lan rộng khoảng 80-90%, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí, chỉ số CO2 trong máu tăng rất cao.

Biến chứng đáng sợ của cúm nhưng bệnh vẫn có cách phòng ngừa- Ảnh 1.

Một trường hợp nhiễm cúm có bệnh lý nền phải đặt ECMO tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

ThS.BS Võ Đức Linh - Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cảnh báo, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính.

"Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh. Có bệnh nhân suy hô hấp tăng rất nhanh chỉ trong 2-3 ngày, khiến bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản trong thời gian ngắn" – chuyên gia nói.

Cách phòng bệnh cúm hiệu quá

"Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng cúm hàng năm. Vaccine ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng" - TS.BS Trần Thị Hải Ninh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện những biện pháp dưới đây để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh cúm:

- Thường xuyên rửa tay để giảm nguy cơ tiếp xúc với virus cúm trong mùa cúm. Nó cũng bảo vệ chống lại một số bệnh nhiễm trùng khác.

- Đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách: che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Ở nhà nếu không khỏe và bị sốt. Những người bị sốt và nhiễm trùng đường hô hấp nên được khuyên ở nhà. Những người bị nhiễm cúm rất dễ lây cho người khác trong giai đoạn đầu của bệnh.

Biến chứng đáng sợ của cúm nhưng bệnh vẫn có cách phòng ngừa- Ảnh 2.

Nhiều ca mắc cúm A nhập viện trong tình trạng nặng, bác sĩ khuyến cáo những người có hệ miễn dịch suy giảm cần lưu ý vì cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng.

Khi nào nên đeo khẩu trang phòng cúm và nên đeo loại khẩu trang nào?

TS. Hải Ninh cho biết, để phòng bệnh cúm nên đeo khẩu trang ở những không gian công cộng có hạn chế thông khí, như cửa hàng, siêu thị và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cũng như ở môi trường ngoài trời đông đúc, không thể thực hiện giãn cách.

Khẩu trang y tế được đeo đúng cách hoàn toàn có thể hạn chế các giọt bắn lớn có thể chứa virus xâm nhập vào mũi, miệng của bạn.

Khẩu trang chuyên dụng N95 chỉ sử dụng trong các cơ sở y tế khi thực hiện các thủ thuật tạo nhiều giọt bắn dạng khí dung như khi đặt ống nội khí quản.

Bệnh nhân cúm cũng cần đeo khẩu trang để hạn chế phát tán virus sang người khác.

Khẩu trang cần được thay khoảng hai lần một ngày và thay ngay nếu nó bị ướt nước. Lưu ý phải rửa tay bằng xà phòng và nước sát khuẩn tay trước và sau khi chạm vào khẩu trang. Đối với khẩu trang sử dụng một lần thì cần vứt vào thùng rác có nắp đậy sau mỗi lần sử dụng, không nên sử dụng lại.

Mắc cúm A dai dẳng 3 tuần không khỏi, phổi của người đàn ông trắng xóa 2 bên, phải đặt ECMO gấpMắc cúm A dai dẳng 3 tuần không khỏi, phổi của người đàn ông trắng xóa 2 bên, phải đặt ECMO gấp

SKĐS - Phổi bệnh nhân tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ hai bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và ứ đọng CO2 nghiêm trọng...


Dương Hải
Ý kiến của bạn