Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Theo thông tin mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017 toàn thế giới có 424, 9 triệu người bị bệnh đái tháo đường và mỗi ngày có ít nhất 80 người tử vong vì các biến chứng liên quan. Trong đó, 63% mỗi người mắc bệnh chưa được chẩn đoán và 70% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Đái tháo đường típ 2 chưa đạt mục tiêu điều trị…
Số liệu trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra buổi ký kết biên bản ghi nhớ Chương Trình Hợp tác Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn điều trị bệnh đái tháo đường (iSTEP-D PLUS) và Chương trình giáo dục bệnh nhân đái tháo đường (iCARE) ngày 23/4.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đái tháo đường là căn bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau tim mạch và ung thư.
Thông tin tại chương trình các chuyên gia về nội tiết đái tháo đường cho biết,độ tuổi của người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ, đặc biệt là tuýp 2.
“Trước đây, bệnh thường xảy ra ở người trung và cao tuổi (40 tuổi trở lên), nhưng hiện nhiều người mắc bệnh khi mới 25-30 tuổi, thậm chí ở tuổi vị thành niên. Đến gần 70% không biết mình bị bệnh. 85% bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân...”- GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch hội nội tiết và đái tháo đường Việt Nam cho biết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đại diện các đơn vị của Bộ Y tế, Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam và đối tác chứng kiến lễ ký kết hợp tác
Nguyên nhân chủ yếu của sự bùng nổ bệnh này là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý của lối sống xã hội hiện đại, bên cạnh các yếu tố về di truyền. Tình hình gia tăng nhanh số lượng người mắc bệnh cùng những tác động của bệnh đối với sức khỏe và tuổi thọ đã gây hao tốn không ít cho nguồn lực điều trị. Năm 2017, nước ta đã tiêu tốn khoảng 765,6 triệu USD cho việc điều trị bệnh đái tháo đường.
GS.TS Thái Hồng Quang cũng cho biết đái tháo đường tuýp 2 là một bệnh lý mạn tính và diễn tiến suốt cuộc đời. Bệnh nhân cần được điều trị thích hợp ở từng giai đoạn, theo tiến triển tự nhiên của bệnh nhằm giảm thiểu các biến chứng nặng nề, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
Do đó, GS.TS Thái Hồng Quang nêu rõ, cùng với tiến bộ y học, việc phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường trên thế giới đã tương đối phát triển. Tuy nhiên với những chuyển biến phức tạp của căn bệnh mãn tính này, việc cập nhật kiến thức, phương thức điều trị để tối ưu hóa phác đồ điều trị đái tháo đường cho các chuyên gia y tế tại Việt Nam là điều cấp thiết.
Chương trình đào tạo nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị của các chuyên gia y tế trong việc chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam - iSTEP trong lộ trình 2019-2020, sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn.
Trong giai đoạn một, 10 chuyên gia Nội tiết từ Hội nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam và các bệnh viện lớn tại Việt nam sẽ sang tập huấn tại Trung tâm đái tháo đường hàng đầu thế giới, bệnh viện Park Nicollet Mỹ.
Sau đó, các khóa tập huấn nâng cao về tối ưu hóa kiểm soát bệnh đái tháo đường và điều trị bằng insulin sẽ được triển khai tại 5 trung tâm đào tạo cho 200 bác sĩ nội tiết từ các bệnh viện tuyến cơ sở ở giai đoạn 2.
Trong giai đoạn 3, chương trình đào tạo trực tuyến về quản lý và điều trị đái tháo đường dành cho hơn 2,000 bác sĩ đa khoa toàn quốc có nhu cầu nâng cao kiến thức tổng quát về điều trị đái tháo đường sẽ được triển khai, cùng với việc tổ chức các khóa huấn luyện thực tế tại các bệnh viện tỉnh với sự hổ trợ của 5 trung tâm đào tạo cho 1.000 bác sĩ đa khoa.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị liên quan triển khai đào tạo theo nhóm làm việc đa chuyên khoa, vì người bệnh đái tháo đường thường có những biến chứng mạch máu, mắt, thận…
Đặc biệt theo chương trình Sức khỏe Việt Nam thì trong thời gian tới ngành y tế sẽ đẩy mạng các giải pháp để y tế cơ sở hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, cho nên cần tăng cường đào tạo cho cán bộ y tế đang làm việc tại cơ sở đểcó thể phát hiện sớm, quản lý, điều trị người bệnh ngay tại cơ sở.