Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính(COPD: Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là một dạngbệnhlýxẩy ra ở phổi, làm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra thường xuyên dẫn đến suy giảm thông khí mạn tính. Bệnh thường có diễn tiến xấu dần theo thời gian, ngày một nặng thêm và khó hồi phục.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh COPD chủ yếu là do hút thuốc lá (có khoảng 5 người nghiện thuốc lá thì sẽ có một người mắc COPD) và có khoảng 80 - 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Bên cạnh đó các chất kích thích khác có thể gây COPD bao gồm cả khói xì gà, khói thuốc lào, khói ống của nhà máy, ô nhiễm không khí (khói bếp than) và khói trong sử dụng hóa chất do các phản ứng hóa học xảy ra. Một số bệnh về phổi mạn tính kéo dài (viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, giãn phế nang, hen suyễn, khí phế thũng) cũng gây nên COPD. Một số trường hợp trào ngược dạ dày thực quản làm gia tăng bệnh COPD hoặc tạo điều kiện cho COPD xuất hiện. Đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, nhất là mùa lạnh hoặc lạnh đột ngột, gió mùa đông bắc tràn về, áp thấp nhiệt đới đều có tác động làm cho bệnh COPD xuất hiện, tái diễn và nặng thêm.
Triệu chứng
Triệu chứng của COPD phát triển chậm. Những triệu chứng đầu tiên có vẻ nhẹ, vì vậy, bệnh nhân thường cho rằng đây là chuyện không đáng quan tâm cho nên càng ngày bệnh càng nặng dần. Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhầy và đờm (tương tự như hen suyễn). Khó thở lúc đầu chỉ thỉnh thoảng. Khi bệnh nặng, người bệnh luôn luôn thấy khó thở và đôi khi phải dùng mặt nạ để thở oxy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị sưng nề và xuất tiết nhiều (đờm) làm nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng, sau đó dần dần ho nhiều lên suốt ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng. Người bệnh luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, môi thâm, chán ăn do thiếu dưỡng khí.
Khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong một năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng hai năm trở lên, đồng thời khó thở càng ngày càng tăng, thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển được gọi là bệnh COPD.
Hầu hết những người bị COPD có cả bệnh khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính do sự gia tăng các thiệt hại ở những túi khí trong phổi và viêm đường hô hấp ở phổi. COPD dễ nhầm với bệnh hen suyễn ở người lớn. Bệnh hen suyễn sẽ lên cơn hen cấp tính mỗi khi gặp phải chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) hoặc chất kích thích, trong khi đó COPD không nhất thiết như vậy. Tuy vậy, bệnh hen suyễn dẫn đến suy hô hấp chậm hơn COPD (trừ trường hợp hen suyễn cấp tính).
Đối với bệnh COPD khi đã có ho nhiều, khó thở nặng và tăng tiết chất nhày nhiều thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Biến chứng do bệnh COPD
COPD là căn bệnh phải chịu đựng gần như suốt đời từ khi mắc bệnh. Vì vậy, trung bình mỗi người bệnh phải chịu đựng căn bệnh này khoảng từ mười năm đến hai ba chục năm.Trong quá trinhg mắc COPD, tình trạng giảm oxy và tăng carbonic kéo dài có thể dẫn đến suy hô hấpcấp tính (đặc biệt trong mùa lạnh, rét) từ đó gây rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, COPD có thể dẫn đến bệnh động mạch vành, là bệnh lý mà các mạch máu cung cấp máu mang theo chất dinh dưỡng, oxy cho tim sẽ trở nên cứng lại và bị thu hẹp. Thiếu dưỡng khí cũng ảnh hưởng đến các mạch máu trong phổi (động mạch phổi) khiến chúng nhỏ lại. Vô hình trung, có thể gây tăng huyết áp động mạch phổi, huyết áp cao trong phổi. Bởi vì, tâm thất phải của tim bơm máu vào phổi qua động mạch phổi, tăng huyết áp động mạch phổi sẽ làm cho tâm thất phải bị căng thẳng, liên tục nở rộng và cuối cùng có thể làm cho tim bị suy.
Nguyên tắc điều trị
Dùng thuốc anticholinnergic dạng bơm đem lại hiệu quả khá cao trong COPD, vì vậy, nhiều tác giả khuyến nghị nên dùng các thuốc anticholinergic là thuốc điều trị duy trì đối với COPD và khi bệnh tiến triển xấu cần kết hợp với các thuốc chủ vận bêta hoặc một số thuốc khác. Khi bệnh tái phát nặng, nên dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn (nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn) từ 10 - 14 ngày. Đồng thời dùng thuốc giãn phế quản (Atrovent, Diaphylin…) khí dung hoặc uống hoặc tiêm theo chỉ định của bác sỹ điều trị và thuốc long đờm. Trong trường hợp cần thiết và có điều kiện nên cho thở oxy.
Để phòng COPD điều quan trọng nhất là bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với khí, khói độc hại, bụi. Cần có bảo hộ lao động tốt cho những người làm việc trong môi trường có hóa chất, khói, bụi bặm.
Nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy, tuy vậy, những lúc thời tiết chuyển mùa, nhất là mưa, lạnh chỉ nên tập thể dục trong nhà.
Khi mưa nhiều, lạnh cần mặc ấm, không để nhiễm lạnh đột ngột. Khi ra đường cần mặc đủ ấm, cổ quàng khăn ấm, tay, chân cần đi tất. Luôn luôn có đủ thuốc để dự phòng mà bác sĩ đã kê đơn trong các lần khám bệnh, đặc biệt là lúc chuyển mùa.