Biến chứng của áp-xe phổi

27-03-2014 13:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bố tôi bị sốt 39oC, kèm theo đau ngực, ho khạc đờm đặc. Gia đình tôi đã đưa đến khám tại bệnh viện và được chẩn đoán áp-xe phổi.

Bố tôi bị sốt 39oC, kèm theo đau ngực, ho khạc đờm đặc. Gia đình tôi đã đưa đến khám tại bệnh viện và được chẩn đoán áp-xe phổi. Xin bác sĩ tư vấn rõ hơn về căn bệnh này.

Lê Văn Hoàn  (Lai Châu)

Áp-xe phổi là một viêm nhiễm cấp tính gây hoại tử ở nhu mô phổi, tạo nên một hay nhiều hang chứa mủ. Bệnh do các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và nhiều tác nhân khác gây nên. Thời tiết chuyển mùa áp-xe phổi dễ xảy ra sau các bệnh nhiễm khuẩn mũi họng và đường hô hấp trên.

Áp-xe phổi là bệnh có thể điều trị khỏi bằng nội khoa hoặc ngoại khoa. Điều trị nội khoa cần sử dụng kháng sinh mạnh, liều cao theo kháng sinh đồ, khi cần phải phối hợp nhiều loại kháng sinh. Thời gian điều trị kháng sinh phải dựa trên lâm sàng và Xquang, thông thường là từ 6 - 8 tuần. Tuy nhiên, nếu được điều trị tốt, sau khoảng 2 tuần, các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho khạc đờm sẽ giảm nhanh chóng rồi hết hẳn. Các triệu chứng Xquang giảm chậm hơn, sau khoảng 4 - 6 tuần, các tổn thương quanh ổ áp-xe sẽ khỏi dần, hình ổ áp-xe thu nhỏ lại, viền mỏng lại rồi liền hẳn. Chỉ khi cả triệu chứng lâm sàng và Xquang (chụp thường và chụp cắt lớp) đều ổn định thì mới xác định là khỏi áp-xe phổi. Ngoài ra cần soi, chụp phế quản để kiểm tra lại và cần tiếp tục theo dõi trong nhiều tháng sau.

Nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị tốt sẽ khỏi hoàn toàn. Trái lại chẩn đoán bệnh muộn, điều trị không tốt, bệnh dễ tái phát hoặc tiến triển thành áp-xe mạn tính. Áp-xe vỡ ra khoang màng phổi, gây viêm mủ màng phổi hoặc tràn khí, tràn mủ màng phổi. Giãn phế quản quanh ổ áp-xe và xơ phổi. Viêm mủ màng ngoài tim, áp-xe não, viêm mủ trung thất, nhiễm khuẩn huyết. Áp - xe phổi có thể gây tử vong, do nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, suy kiệt, hoặc tử vong do trụy tim mạch.

Bác sĩ  Nguyễn Thế


Ý kiến của bạn