Công nghệ cao và bản sắc văn hóa
Từ xa xưa, Tết Trung thu – ngày Tết của thiếu nhi với đèn ông sao và điệu múa sư tử đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ. Nhưng từ hai thập kỷ nay, Tết Trung thu đã bị biến dạng đi với sự chiếm lĩnh của trò chơi điện tử, đồ chơi Trung Quốc và các chương trình trên màn ảnh nhỏ. Hầu như không còn thấy các đám rước đèn và phá cỗ, nhất là ở các thành phố.
Những người cực đoan và bi quan đã đổ lỗi cho đổi mới và phát triển, kỳ thị với hội nhập và công nghệ cao. Họ không thấy rằng hội nhập văn hóa và phát triển công nghệ cao cũng đem đến phương tiện và cơ hội cho việc giáo dục truyền thống cho lớp trẻ, truyền bá văn hóa dân tộc, tạo ra bản sắc xuyên quốc gia. Nhờ hội nhập văn hóa mà Nhật Bản đã đưa hình ảnh Doremon tới các dân tộc có bản sắc khác nhau, ở mỗi dân tộc, Doremon lại có một sự cộng sinh văn hóa tạo nên sự gần gũi của bản sắc Nhật với dân tộc ấy. Cũng nhờ hội nhập văn hóa mà Hàn Quốc đã tạo ra ảnh hưởng văn hóa toàn cầu.
Cùng với sự phát triển công nghệ cao, Hàn Quốc đã tạo ra các sân chơi đậm màu sắc truyền thống cho trẻ em để các em tiếp xúc và hấp thụ văn hóa truyền thống qua lăng kính hấp dẫn.
Trong bối cảnh hôm nay, khi chúng ta chủ trương phát triển công nghệ thông tin như nền tảng phát triển xã hội thì công nghệ cao trở nên một mảnh đất đắc địa. Nếu có đủ bản lĩnh, đủ hiểu biết và sáng tạo thì chúng ta sẽ là chủ nhân của mảnh đất ấy. Chúng ta sẽ gieo trồng những hạt giống truyền thống trên mảnh đất công nghệ cao để chúng mọc lên những vườn cây cổ tích trĩu quả hấp dẫn tuổi thơ. Còn nếu chúng ta thiếu kiến thức và thiếu nội lực thì mảnh đất ấy sẽ trở thành cánh rừng ngoại lai mọc đầy những loài cây xa lạ, nhiều khi độc hại.
Từ định hướng mục tiêu đến thực tế
Ý tưởng sử dụng công nghệ hiện đại vào trưng bày và xây dựng bảo tàng thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, phục vụ việc tham quan học tập, nghiên cứu khoa học phổ biến tri thức về lịch sử văn hóa cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ đã được TP. Hà Nội thể hiện trong văn bản phê duyệt đề án xây dựng và trưng bày Bảo tàng Hà Nội. Đây là một định hướng rất đúng đắn và cập nhật. Nhưng sau khi được UBND Thành phố phê duyệt "bơm" thêm gần 800 tỷ cho công tác đầu tư, đã 2 năm trôi qua, các mục tiêu trên vẫn chưa được cụ thể hóa. Bảo tàng vẫn vắng như chùa Bà Đanh, không có nhiều khách đến tham quan nghiên cứu như nhiều bảo tàng khác.
Kiến trúc kỳ dị của Bảo tàng Hà Nội lẽ ra có thể được kiến giải bằng ý tưởng mô phỏng Chùa Một Cột vừa đặc trưng cho Hà Nội, vừa thể hiện ý thức hướng về cội nguồn thì lại được kiến giải là Kim tự tháp ngược. Bê nguyên xi ý tưởng của nhà thiết kế ngoại quốc, không có sự chỉ đạo đã là sự lệ thuộc ban đầu. Vì thế, việc biến bảo tàng thành "trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng" có vẻ như viễn tưởng.
Siêu cây ở Singapore. |
Bảo tàng có thể là sân chơi hấp dẫn tuổi thơ?
Tháng 6/2012, một hãng phim đã trình lên UBND Hà Nội dự án "Ứng dụng công nghệ cao để nâng cấp và mở rộng hoạt động của Bảo tàng Hà Nội" với ý tưởng sử dụng chủ yếu các nguồn vốn xã hội hóa để biến Bảo tàng Hà Nội thành sân chơi văn hóa hấp dẫn của cộng đồng nói chung và tuổi thơ nói riêng.
Để tạo sự hấp dẫn và tiện lợi cho du khách, dự án đã đề xuất các hạng mục không có trong đề án trưng bày đã được UBND Thành phố phê duyệt như: Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động, xây dựng các phòng trưng bày ảo, các phòng chiếu 3D, 4D, phòng chiếu hình ảnh nổ để chiếu các clip về lịch sử và văn hóa Thủ đô, xây dựng sân khấu Hologram ngoài trời để tổ chức sự kiện với sự xuất hiện của các nhân vật lịch sử khổng lồ...
Để biến bảo tàng thành sân chơi của tuổi thơ, dự án này đã đề xuất xây dựng Công viên lịch sử hay còn gọi là Vườn cổ tích ở diện tích bên ngoài bảo tàng. Khu Công viên lịch sử ôm quanh bảo tàng một cách thoáng đãng sẽ tạo sự lộng lẫy, tươi trẻ với ánh sáng, với các gia đình đưa con đến vui chơi tấp nập. Công viên sẽ có hệ thống siêu cây giống như hệ thống siêu cây ở Singapore, nhưng gắn với các truyện cổ tích tiêu biểu của Việt Nam với cây đa, cây tre, cây thị, cây cau... Hệ thống cây cổ tích này vừa là đèn quảng cáo lộng lẫy, vừa là những không gian cho trẻ em leo lên vui chơi các trò chơi hấp dẫn gắn liền với lịch sử và văn hóa Thủ đô.
Dự án đã được Bảo tàng Hà Nội, Sở văn hóa Hà Nội đánh giá là mới mẻ, sáng tạo và hấp dẫn, có thể biến bảo tàng thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa sôi động của Thủ đô. Sở cũng đã trình lên UBND Thành phố đề nghị cho chủ trương. Nhưng đã 1 năm trôi qua, TP chưa có hồi âm.
Diệu Yến