Bài viết có sử dụng lại một số thông tin tư vấn của chuyên môn của PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ đã đăng tải trước đó trên Báo Sức khỏe & Đời sống tại đây.
1. Tại sao bạn mắc viêm họng hạt?
Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, viêm họng hay viêm amidan có nhiều nguyên nhân, trong đó 70-80% các trường hợp là do virus, việc điều trị bằng kháng sinh sẽ không hiệu quả và còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc.
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng và đặc biệt là những người có đề kháng yếu. Viêm họng hạt là dạng viêm họng mãn tính, hậu quả của việc niêm mạc cổ họng bị viêm nhiễm kéo dài. Quá trình này khiến các lympho bào với chức năng diệt vi sinh vật phải hoạt động liên tục, to dần và tạo thành các hạt.
Môi trường sống và làm việc của bạn có nhiều bụi bẩn ô nhiễm là tác nhân gây viêm họng hạt. Ngoài ra, người mắc các bệnh lý như trào ngược dịch vị dạ dày, đau dạ dày, viêm loét dạ dày cũng có nguy cơ cao bị viêm họng hạt.
2. Chế độ ăn cho người viêm họng hạt
Cổ họng là đường đi của thức ăn, chính vì vậy lựa chọn đồ ăn phù hợp cho người viêm họng hạt là cần thiết. Nếu lựa chọn đồ ăn không đúng có thể gây thêm tổn thương niêm mạc cổ họng. Từ đó, tình trạng bệnh sẽ tệ đi hoặc tái lại nhiều lần. Đặc biệt, một chế độ ăn phù hợp còn giúp cung cấp lượng dưỡng chất và vitamin, khoáng chất cần thiết giúp tăng sức đề kháng cơ thể, đẩy nhanh quá trình lành bệnh.
Vậy người viêm họng hạt cần kiêng gì, ăn gì sẽ được trả lời dưới đây:
2.1. Kiêng gì khi bị viêm họng hạt?
Thức ăn khô cứng:
Đầu tiên, những người mắc viêm họng hạt cần tránh xa các loại đồ ăn như lương khô, hạt dẻ, kẹo lạc, bánh mì,…vì chúng khô cứng và có góc cạnh. Nguyên nhân, do phần còn lại của các thực phẩm này không được nghiền kĩ qua răng. Vì vậy, khi đi qua cổ họng có thể gây tổn thương vùng niêm mạc, làm nặng tình trạng bệnh, gây khó chịu khi nuốt.
Thức ăn cay nóng, nhiều gia vị:
Các gia vị như tiêu, mù tạc, ớt,… các thực phẩm có nhiều gia vị cay nóng, gây kích thích niêm mạc cổ họng. Người bệnh có thể thấy nóng rát, xót cổ họng. Ngoài ra, các thực phẩm này khó tiêu, không tốt cho hệ tiêu hóa, làm tăng nặng tình trạng bệnh.
Thực phẩm chứa nhiều axit:
Các chuyên gia khuyên rằng, bạn không nên tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều acid khi đang bị viêm họng. Điển hình như chanh, giấm, tắc, me, đồ muối chua…
Lượng acid dồi dào trong các loại thực phẩm này có thể khiến niêm mạc họng bị kích thích và ăn mòn. Từ đó làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng đau rát họng, ho và khàn tiếng.
Thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ:
Đồ ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ tăng nguy cơ gây ung thư. Các loại đồ ăn này gây khó tiêu, khiến dạ dày phải hoạt động nhiều tăng nguy cơ bị các bệnh dạ dày, tiêu hóa, trào ngược dạ dày,…làm ảnh hưởng đến đề kháng cũng như tình trạng viêm họng nặng hơn.
Đồ ngọt, đồ chứa nhiều đường:
Bánh, kẹo, socola,…là các thực phẩm chứa nhiều đường. Lượng đường nạp quá nhiều vào cơ thể gây cản trở hệ miễn dịch hoạt động, giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn của tế bào bạch cầu. Trong đường còn chứa chất arginine, chất này giúp siêu vi phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó, dịch nhầy và đờm khi ăn quá nhiều đồ ngọt cũng tiết ra nhiều gây khó chịu, vướng víu cổ họng. Tránh tình trạng bệnh dai dẳng, lâu khỏi, người bệnh cần hạn chế đường trong khẩu phần ăn.
Đồ ăn, đồ uống lạnh:
Niêm mạc cổ họng khi bị viêm trở nên mong manh, dễ tổn thương. Các loại đồ ăn, đồ uống lạnh như kem, nước đá,…khiến cổ họng tăng cảm giác khó chịu, sưng đau.
Thực phẩm tái sống:
Các thực phẩm thường được chế biến tái hoặc tươi sống như gỏi, sashimi, hàu sống, nem chua, nộm…chứa nhiều vi khuẩn. Đối với người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, các vi khuẩn này có thể bị loại trừ. Tuy nhiên hệ miễn dịch cơ thể của người bị viêm họng hạt suy yếu, không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn từ đó tích tụ vi khuẩn trong cơ thể, nhiễm khuẩn nặng rất nguy hiểm.
Các món ăn có tính chất đặc, tắc:
Các món như lòng đỏ trứng, các loại xốt có bột đao, súp khoai tây,…có tính chất đặc quánh không tốt cho quá trình nuốt của người viêm họng hạt. Niêm mạc cổ họng bị viêm sẽ nổi xù xì, có hạt, gồ ghề và lồi lõm. Khi các món ăn này đi qua cổ họng dễ bị bứ, kẹt lại. Lúc này cổ họng phải co thắt liên tục để đẩy thức ăn, nhưng các thức ăn vẫn có thể vướng lại trên bề mặt niêm mạc gây viêm, kích thích ho liên tục, tằng hắng, làm tình trạng bệnh tồi tệ hơn.
Thực phẩm chứa arginine:
Các thực phẩm chứa arginine là hạnh nhân, socola, lúa mì, bơ, nho,…Arginine là loại axit amin đóng vai trò tổng hợp protein và nitơ trong hầu hết các sinh vật sống. Ngoài ra, chúng có khả năng hỗ trợ virus, vi khuẩn phát triển. Người bị viêm họng hạt với thể trạng suy yếu, khi ăn các thực phẩm chứa arginine sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng.
Đồ uống có ga, rượu, bia, cafe:
Các chất kích thích này khiến niêm mạc cổ họng tổn thương và khiến thể trạng cơ thể trở nên mệt mỏi, suy yếu.
Các chất ethanol và caffeine chứa trong các loại đồ uống này gây mất nước cho cơ thể, tăng thân nhiệt. Đồng thời còn gây kích ứng niêm mạc hô hấp. Từ đó làm nặng các triệu chứng ho, có đờm, khàn tiếng và nuốt khó…
Hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử,…:
Người bị viêm họng không nên hút thuốc và đặc biệt tránh các loại khói thuốc, hút thuốc lá thụ động.
Trong khói thuốc lá có hơn 4.000 chất đã được định dạng, trong đó có 40 chất gây ung thư, có carbon monoxide làm thiếu oxy giao cho mô và có nicotine gây nghiện.
Khi hút thuốc, khói thuốc đi qua cổ họng, lúc này các chất độc hại như nicotin, asen, chì, hắc ín,…ở dạng khí cùng nhiệt độ cao gây kích thích các mô nhạy cảm ở niêm mạc cổ họng, gây sưng viêm kéo dài. Hút thuốc lá còn kích thích cổ họng gây đờm đặc, ho, khản tiếng,… làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Người hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc dễ suy yếu chức năng hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm các bệnh đường hô hấp, cảm lạnh, viêm xoang, ung thư vòm họng,…
2.2. Viêm họng hạt nên ăn, uống gì?
Người mắc viêm họng hạt có sức đề kháng suy yếu, cần có kế hoạch chăm sóc và dinh dưỡng đầy đủ khoa học, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Thực phẩm giàu vitamin:
Trong đó, vitamin C tăng sức đề kháng cho cơ thể, tăng khả năng thải độc cho gan, do đó loại bỏ được các chất có hại của phản ứng viêm họng hạt gây ra. Ngoài ra, vitamin C giúp làm mát, giảm triệu chứng nóng rát ở niêm mạc họng. Các vitamin A, vitamin E đóng vai trò tái tạo và làm lành niêm mạc họng bị tổn thương.
- Thực phẩm chứa Vitamin C: cam, dâu tây, bông cải xanh, súp lơ trắng, đu đủ,…
- Thực phẩm chứa vitamin A: cà rốt, xoài, thịt bò, gan, bí đỏ,…
- Thực phẩm chứa vitamin E: kiwi, quả bơ, cải bó xôi, măng tây,…
Ăn nhiều rau xanh, món trơn mát:
Lượng nước, vitamin và khoáng chất dồi dào có trong rau xanh giúp tiêu viêm, dịu niêm mạc họng, loãng đờm, đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Người mắc viêm họng hạt thương kèm theo sốt cao, mất nước, khó nuốt, đau rát cổ,…bổ sung rau xanh giúp bù lại lượng nước đã mất trong cơ thể, cân bằng điện giải, giảm mệt mỏi, giảm khó chịu trong quá trình ăn nuốt.
Đặc biệt chúng ta cần chú trọng những loại rau xanh có đặc tính trơn, mát, dễ ăn, giảm cọ xát cơ học với niêm mạc cổ họng. Những món rau này rất dễ ăn, dễ nuốt, không làm bạn khó chịu khi ăn hoặc khi nhai. Món ăn trơn nên không làm tổn thương cơ học bề mặt, giúp họng bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Những món canh rau trơn mát thích hợp như canh mồng tơi mướp, canh rau đay mùng tơi, canh bí, rau lang,…
Khi bị viêm họng, nên ăn các món canh thanh mát như mồng tơi, rau đay, rau lang, bầu bí, mướp,...
Thực phẩm giàu Protein (đạm):
Bạn cần bổ sung các thực phẩm giàu protein và mềm, dễ nuốt như thịt lợn băm, sữa, cá hồi, trứng, thịt gà xé,….
Protein giữ chức năng tăng trưởng và sửa chữa các mô trong cơ thể. Đặc biệt protein hữu ích trong việc hình thành kháng thể, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các loại vi khuẩn, virus. Vai trò của protein trong vận chuyển lưu trữ dinh dưỡng và cung cấp năng lượng cho cơ thể là vô cùng quan trọng.
Đối với người mắc viêm họng, việc bổ sung protein giúp cải thiện đề kháng cơ thể, khiến cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn và làm nhanh quá trình lành bệnh.
Thực phẩm chứa kẽm:
Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm: sò, ngao, củ cải trắng, nước cốt dừa, hạt bí đỏ, thịt cừu, gan động vật,…
Kẽm là nguyên tố vi lượng đa tác dụng trong đó có tác dụng làm tăng cao sức khỏe đề kháng, tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể, nhất là những trường hợp nhiễm virus. Sự có mặt của yếu tố kẽm giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, thúc đẩy sự hàn gắn vết thương. Kẽm hoạt động bằng cách thúc đẩy các tế bào lympho T tạo ra khoáng chất để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các tác nhân gây hại. Đặc biệt đối với người bị viêm họng, viêm amidan, cảm cúm, cảm lạnh, kẽm giúp ức chế viêm và cải thiện chức năng đề kháng.
Một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy: bổ sung kẽm cho cơ thể có thể giúp hệ miễn dịch được tăng cường chống lại khoảng 200 loại virus gây ra chứng cảm cúm và cảm lạnh thông thường.
Vì thế, tranh thủ ăn các thực phẩm có kẽm khi bị viêm họng hạt, bạn sẽ thấy rất có lợi.
Thực phẩm có tính kháng viêm:
Các thực phẩm, gia vị như gừng, tỏi, bạc hà, kinh giới, hành, hẹ, tía tô,…hữu ích cho người bị viêm họng hạt.
Khi chế biến các món ăn, bạn nên cho thêm một ít gia vị kháng viêm, vừa giúp tăng hương vị cho món ăn lại hỗ trợ chữa bệnh. Một số loại gia vị có đặc tính sát trùng và ức chế vi khuẩn mạnh mẽ, đặc biệt không gây nóng rát, giảm ho, tăng miễn dịch khi ăn như nghệ, đinh hương,…
Trứng:
Trứng đặc biệt chứa hàm lượng protein cao, giúp tăng cường sức khỏe và miễn dịch cho cơ thể. Người bị viêm họng hạt nên bổ sung trứng trong khẩu phần ăn để tăng hiệu quả chữa bệnh. Nên chế biến các dạng như trứng hấp, trứng chưng, canh trứng,… để không gây khó chịu trong quá trình nhai nuốt.
Mật ong:
Trong thành phần của mật ong có các chất chống oxy hóa, sát khuẩn, chống viêm như chrysin, catalase và pinocembrin có tác dụng làm sạch nhanh vùng họng, làm dịu cảm giác khó chịu, ngứa rát. Trong mật ong chứa các vitamin C, E giúp tăng đề kháng cho cơ thể.
Việc sử dụng mật ong để làm giảm các triệu chứng của viêm họng hạt là hiệu quả. Đối với trẻ em cần lưu ý không nên dùng mật ong quá nhiều.
Gan bò:
Gan chứa nhiều dưỡng chất như protein, kẽm, lysine,…có tác dụng cải thiện tình trạng cơ thể, tăng đề kháng, tiêu diệt virus, vi khuẩn và các tác nhân tăng nặng tình trạng viêm họng hạt.
Giấm táo:
Những người bị viêm họng hạt, viêm họng mãn tính nên sử dụng giấm táo bởi tác dụng tiêu diệt và ức chế vi khuẩn. Ngoài ra, giấm táo kích thích tăng sinh miễn dịch, nên có lợi để ngừa bội nhiễm.
Đối với người viêm họng nên thực hiện 2 thìa giấm táo 1 thìa mật ong. Chia 2 lần, ăn sáng 1 lần và ăn tối 1 lần để cải thiện tình trạng bệnh.
Đồ ăn mềm ấm:
Cổ họng bị viêm sưng dễ tổn thương và đau rát, quá trình ăn uống sẽ gây nhiều khó chịu cho người bệnh, việc lựa chọn những đồ ăn mềm ấm giúp giảm sự khó chịu, cũng như giảm những tổn thương cơ học khi thức ăn đi qua cổ họng. Người bệnh có thể tham khảo các món ăn chứa dưỡng chất tốt cho tình trạng bệnh sau đó chế biến phù hợp để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể mà không gây tổn thương cổ họng.
Bổ sung nước cho cơ thể: nước lọc, nước trái cây, trà thảo dược,…:
Người bị viêm họng hạt hay kèm theo các triệu chứng sốt, mệt mỏi, khô rát cổ họng do mất nước. Việc bổ sung nước khi bị viêm họng hạt là rất cần thiết để cung cấp đủ lượng nước mà cơ thể cần, đồng thời nạp được nhiều loại vitamin và khoáng chất. Đối với nước lọc, người bệnh cần uống đủ từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Ngoài ra có thể bổ sung một vài loại nước ép hoa quả, sinh tố để vừa tăng dưỡng chất, tránh ngán. Một số loại trà thảo dược có công dụng hạn chế triệu chứng viêm họng cũng nên sử dụng như trà gừng, trà hoa cúc, trà chanh,…
2.3. Lưu ý trong chế độ ăn uống của người mắc viêm họng hạt
Qua danh sách những thứ nên ăn và kiêng khi bị viêm họng hạt, ta tổng hợp được những lưu ý cần thiết khi xây dựng thực đơn ăn uống cho người bệnh. Từ đó, giúp người bệnh nhận được đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, cải thiện đề kháng và nhanh khỏi bệnh.
Tính chất thức ăn: loại thức ăn có tính chất mềm, ấm, trơn, mát, dễ nuốt như các món canh rau, món hầm,…được khuyến khích khi chế biến cho người mắc viêm họng hạt.
Dưỡng chất trong thức ăn: các loại thức ăn giàu vitamin, kẽm, protein,…là cần thiết để tăng đề kháng, giảm tình trạng bệnh, rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Cần thay đổi thực đơn đa dạng để không nhàm chán mà vẫn đủ dinh dưỡng.
Gia vị trong thức ăn: bổ sung các loại gia vị có tính kháng viêm giúp thức ăn thơm ngon mà vẫn có lợi cho điều trị bệnh. Tránh xa các gia vị cay, nóng,…
Chú ý các thực phẩm dễ gây dị ứng: cơ thể người viêm họng hạt suy yếu về chức năng miễn dịch, việc tiếp nhận các thực phẩm lạ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dị ứng và nhiễm khuẩn cho cơ thể. Nên tránh sử dụng các thực phẩm này khi bị bệnh.
Cấp đủ nước cho cơ thể: chú ý lượng nước cho cơ thể là từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày qua các đường cung cấp như nước lọc, nước hoa quả, trà, canh rau,…
Các thực phẩm kích thích niêm mạc cổ họng: kem lạnh, nước đá, bia, rượu, cafe, thuốc lá,…không tốt cho người viêm họng cần tránh xa.
2.4. Lưu ý trong sinh hoạt đối với người viêm họng hạt
Tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn uống, kiêng khem đối với người viêm họng hạt:
Trong cuộc sống hằng ngày, người mắc viêm họng hạt cần tuân thủ nghiêm túc những chế độ ăn uống để an toàn trong điều trị và nhanh khỏi bệnh.
Luyện tập thể dục thể thao
Duy trì thể dục thể thao hằng ngày giúp cơ thể dẻo dai, đẩy mạnh trao đổi chất, giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm đau nhức, mệt mỏi.Giữ vệ sinh môi trường sống và làm việc
Nên vệ sinh môi trường sống và làm việc hằng ngày để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và tấn công cơ thể.Vệ sinh răng miệng và cổ họng hằng ngày:
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày, ít nhất 2 phút mỗi lần.
- Thay bàn chải đánh răng 3 tháng/ lần.
- Xúc miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý (0,9%) vào buổi sáng và tối.
Giữ ấm cơ thể, và cổ họng vào thời tiết lạnh, giao mùa:
- Tắm bằng nước ấm ở phòng kín, tránh gió lùa.
- Tránh gió lạnh vào phòng khi đêm ngủ.
- Không để điều hòa hoặc quạt phả gió thằng vào người.
- Giữ ấm cổ, bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu…
Đeo khẩu trang khi ra đường và trong môi trường ô nhiễm, bụi bẩn
Nên đeo khẩu trang mỗi khi ra đường hay làm việc trong môi trường có nhiều bụi, ô nhiễm không khí. Đeo khẩu trang đúng cách và vệ sinh khẩu trang thường xuyên để bảo vệ đường hô hấp, tránh hít phải các chất độc hại, bụi bẩn.Không thức khuya, nghỉ ngơi hợp lý
Cơ thể cần được nghỉ ngơi để quá trình hồi phục diễn ra tốt hơn. Người viêm họng hạt không nên thức quá khuya, ngủ giờ giấc không đúng quy định sẽ khiến cơ thể mệt mỏi. Một ngày nên ngủ đủ 6-8 tiếng và nghỉ trưa khoảng 30 phút.