Bệnh chàm (hay còn gọi viêm da cơ địa hoặc eczema) là một tình trạng viêm da tương đối phổ biến.
Bệnh chàm thường gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh cho tới người già và hay tái phát, nhất là vào mùa đông khi thời tiết khô hanh nên khiến da càng bị mất nước và khô hơn.
Bệnh có tính chất tự miễn, bao gồm một số tình trạng viêm da khiến da rất khô, ngứa và phát ban trên các bộ phận khác nhau của cơ thể. Những người mắc bệnh chàm thường trải qua các giai đoạn triệu chứng tăng cao (bùng phát), sau đó là thuyên giảm, khi các triệu chứng cải thiện hoặc hết hẳn.
Các nhà khoa học không biết nguyên nhân chính xác của bệnh chàm, nhưng họ tin rằng di truyền đóng một vai trò, làm tăng độ nhạy cảm với các chất kích thích, chất gây dị ứng và các yếu tố môi trường.
Các tác nhân gây bùng phát bệnh chàm có thể bao gồm dầu gội đầu, sữa tắm, bột giặt, thức ăn, nước hoa, phấn hoa, mạt bụi, vẩy da thú cưng, cũng như sự thay đổi thời tiết, hormone và thậm chí là căng thẳng.
1. Điều trị bệnh chàm cách nào?
Các phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh chàm bao gồm các chất làm mềm da để giữ ẩm, bảo vệ và giảm ngứa da; kem corticosteroid để kiểm soát và giảm thiểu viêm nhiễm; và nếu da không phản ứng, bác sĩ có thể cho dùng corticosteroid uống hoặc tiêm. Nhưng các liệu pháp truyền thống có thể không phải là cách duy nhất để kiểm soát các đợt bùng phát bệnh chàm: Chế độ ăn uống cũng có thể hữu ích.
Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh chàm, nhưng các đợt bùng phát bệnh chàm đôi khi được kích hoạt do phản ứng dị ứng với các loại thực phẩm cụ thể, cho thấy một số người mắc bệnh chàm có thể hưởng lợi từ việc tuân theo chế độ ăn kiêng phù hợp với tình trạng dị ứng của họ.
Hiệp hội Eczema Quốc gia (Mỹ) thống kê một số biện pháp tự nhiên có thể giúp người bệnh chàm cảm thấy dễ chịu hơn, bao gồm: thoa dầu dừa hoặc dầu hoa hướng dương, châm cứu hoặc bấm huyệt, massage... Vào mùa lạnh, da thường bị khô và việc mặc nhiều quần áo khiến người bệnh rất khó chịu. Người bị bệnh chàm nên chọn trang phục có chất liệu mềm mại, thoáng khí để tránh gây đổ mồ hôi hoặc kích thích da, tuyệt đối không gãi khi cảm thấy ngứa…
Các biện pháp can thiệp bằng chế độ ăn uống khác, chẳng hạn như uống nước thường xuyên để giữ cho cơ thể và da đủ nước, cũng có thể làm giảm các triệu chứng và cơn bùng phát bệnh chàm.
2. Chế độ ăn kiêng có thể giúp điều trị bệnh chàm?
Nghiên cứu cho thấy rằng những người bị dị ứng thực phẩm cụ thể có thể tìm thấy một số lợi ích đối với bệnh chàm bằng cách tránh những thực phẩm đó. Chế độ ăn kiêng bao gồm việc loại bỏ một số loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống của bạn để giúp xác định nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng hoặc các triệu chứng bệnh chàm liên quan đến thực phẩm.
Bạn sẽ tránh một loại thực phẩm hoặc thành phần cụ thể trong vài tuần, sau đó theo dõi làn da của mình xem có bất kỳ thay đổi nào không. Nếu các triệu chứng được cải thiện, hãy từ từ đưa lại thực phẩm vào chế độ ăn uống của bạn trong vài ngày. Nếu các triệu chứng quay trở lại, rất có thể bạn đã tìm thấy nguyên nhân khiến bệnh khởi phát.
Chế độ ăn uống có thể cải thiện các triệu chứng ở những người bị bệnh chàm ở tay và bệnh chàm da, còn được gọi là bệnh chàm ở bàn chân và bàn tay.
Chế độ ăn kiêng không chỉ hiệu quả đối với bệnh chàm. Nó cũng hữu ích để xác định các loại thực phẩm có thể gây ra các tình trạng khác, như bệnh celiac, không dung nạp gluten, không dung nạp đường sữa và hội chứng ruột kích thích.
Vì bệnh chàm là một tình trạng viêm da nên tuân theo chế độ ăn uống chống viêm có thể giúp giảm các triệu chứng. Chế độ ăn kiêng này liên quan đến việc ăn ít thực phẩm có thể gây viêm trong cơ thể và tăng cường các thực phẩm giúp chống viêm.
Đối với chế độ ăn kiêng này, điều quan trọng là phải chú ý đến chất béo trong chế độ ăn uống, có thể ảnh hưởng đến tổng lượng viêm nhiễm trong cơ thể. Đặc biệt, cần tránh chất béo chuyển hóa, bao gồm dầu hydro hóa, một số nhãn hiệu bơ thực vật, khoai tây chiên và các thực phẩm chiên khác. Cũng nên kiêng chất béo bão hòa, thường có trong thịt đỏ, thực phẩm từ sữa nguyên chất béo, bơ và da gia cầm.
Những loại chất béo này thúc đẩy chứng viêm và do đó có khả năng làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh chàm. Một lượng lớn thực phẩm giàu axit béo omega-6, bao gồm cả dầu thực vật, cũng có thể thúc đẩy quá trình viêm.
Hạn chế uống rượu ở mức 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày đối với nam giới. Cà phê và trà, đặc biệt là trà xanh (chứa polyphenol, một chất chống oxy hóa) có chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm hiệu quả.
3. Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người bệnh chàm nên ăn các thực phẩm chứa chất chống viêm, chống oxy hóa, giàu vitamin C, vitamin A, kẽm,… để tăng cường cấu trúc da, giúp da khỏe mạnh, làm giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh chàm.
Cần tránh bất kỳ thực phẩm nào dễ gây dị ứng như sữa bò, đậu nành, trứng, đậu phộng, hạt, động vật có vỏ…
Cân nhắc khi sử dụng các loại thực phẩm thông thường như đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ và chiên rán, thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều đường, ngũ cốc tinh chế như bột mỳ trắng và mỳ ống, thực phẩm chứa gluten như bánh mỳ, bánh quy giòn,…
Đối với chế độ ăn uống chống viêm, hãy đảm bảo tránh carbohydrate và đường tinh chế, có thể kích thích viêm. Carbohydrate tinh chế đã bị loại bỏ hầu hết giá trị dinh dưỡng. Chúng bao gồm gạo trắng, bánh mì trắng và mì ống trắng. Ngoài ra, hãy cảnh giác với đường ẩn trong ngũ cốc, nước sốt cà chua và các loại gia vị khác, nước sốt, thanh granola và sữa chua.Xem thêm video đang được quan tâm
Món ăn, thực phẩm tốt cho người bệnh dạ dày.