1. Điều trị viêm amidan như thế nào?
Amidan nằm ở phía sau cổ họng hoạt động như bộ lọc, ngăn chặn các vi sinh vật có thể xâm nhập vào cơ thể qua hệ hô hấp. Amidan cũng tạo ra kháng thể khi cần thiết phải chống lại nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, amidan có thể bị nhiễm trùng do nhiều loại virus hoặc vi khuẩn gây nên.
Phương pháp điều trị viêm amidan tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành ngoáy họng để kiểm tra vi khuẩn liên cầu, hoặc xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp:
- Nếu viêm amidan do virus thường sẽ thuyên giảm mà không cần điều trị. Việc bù nước và kiểm soát cơn đau là rất quan trọng. Tuy nhiên cũng có thể phải nhập viện trong những trường hợp nặng, đặc biệt khi bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở.
- Nếu viêm amidan do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, giúp bệnh nhanh khỏi hơn và ngăn ngừa các biến chứng. Các nhóm thuốc kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm amidan bao gồm penicillin, cephalosporin, và macrolid...
- Trong một số tình huống nhất định, phẫu thuật cắt amiđan có thể được khuyến nghị nếu bị viêm amidan tái phát và không đáp ứng với các lựa chọn điều trị khác.
Để bệnh mau khỏi, người bệnh cũng cần đặc biệt lưu ý đến chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, trong đó có việc tăng cường bổ sung các vi chất dinh dưỡng như vitamin C.
2. Có cần bổ sung vitamin C khi viêm amidan?
Vitamin C (axit ascorbic) là một loại vitamin tan trong nước được tìm thấy trong trái cây và rau quả, đặc biệt là trong trái cây họ cam quýt. Vitamin C đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thụ sắt, chữa lành vết thương, hình thành collagen, sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và cải thiện chuyển hóa glucose.
Lượng vitamin C được khuyến nghị trong chế độ ăn uống cho người lớn (trên 18 tuổi) là 90 mg đối với nam và 75 mg đối với nữ mỗi ngày.
Vitamin C được hấp thụ thông qua chế độ ăn uống lành mạnh.
Từ lâu, người ta đã biết rằng vitamin C là một đồng yếu tố quan trọng giúp điều chỉnh chức năng của hệ thống miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi thiếu vitamin C, cơ thể chúng ta dễ bị nhiễm trùng hơn.
Vitamin C có đặc tính chống oxy hóa và bảo vệ hệ thống miễn dịch chống lại stress oxy hóa sinh ra trong quá trình nhiễm trùng. Nồng độ cao của vitamin C trong huyết thanh có liên quan đến việc tăng cường phản ứng kháng thể, chức năng bạch cầu trung tính và phản ứng phân bào.
Việc giảm nồng độ vitamin C được quan sát thấy trong quá trình nhiễm trùng cho thấy rằng việc bổ sung vitamin C có thể có tác động tích cực trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng.
Do vậy, việc uống bổ sung vitamin C có thể làm giảm nhẹ thời gian của các triệu chứng viêm đường hô hấp như viêm amidan. Tuy nhiên, không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bổ sung vitamin C có thể giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng hạt hay viêm thanh quản...
Việc tăng cường vitamin C có thể hữu ích như một chất tăng cường miễn dịch tạm thời, nhưng không nên được sử dụng lâu dài. Thay vào đó, hãy thiết lập thông qua chế độ ăn uống cân bằng.
Vitamin C được tìm thấy trong các loại hoa quả như cam quýt, hành tây hoặc ớt chuông, cũng như trong các loại quả mọng khác.
Việc bổ sung vitamin C cũng cần phải được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng để có hiệu quả cao nhất.
Mời xem thêm video đang được quan tâm:
Hàng loạt người hoại tử xương có phải do di chứng hậu Covid-19?