Hà Nội

Bị ù tai, nghe kém sau mắc COVID-19, cần làm gì?

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào

Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội

SKĐS - Sau nhiễm SARS- CoV-2 một số người bị ù tai và nghe kém một hoặc cả hai bên tai, một số người có thể xuất hiện các cơn chóng mặt dữ dội... Khi bị các triệu chứng này người bệnh cần làm gì?

1. Hệ lụy của ù tai, nghe kém sau mắc COVID-19

Theo thống kê, 7,6% số người nhiễm SARS-CoV-2 bị mất sức nghe, 14,6% bị ù tai và 7,2% bị chóng mặt, 3,9% bị cả ba dấu hiệu trên.

Ù tai và nghe kém tuy không ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh nhưng làm người bệnh rất khó chịu, suy giảm chất lượng cuộc sống.

Các nghiên cứu cho rằng, ù tai và nghe kém sau khi nhiễm SARS-CoV-2 thường do kích thích các tế bào bảo vệ của cơ thể sản xuất ra các yếu tố viêm (cytokines) gây ra các phản ứng tự miễn làm tổn thương phần nội dịch của ốc tai và các ống bán khuyên. 

Đồng thời virus tác động trực tiếp vào các dây thần kinh tiền đình và dây thần kinh nghe qua các đầu mút tiếp nhận gắn trực tiếp làm gián đoạn đường dẫn truyền từ ngoại vi vào trung ương của virus gây viêm.

Bị ù tai, nghe kém sau khi mắc COVID-19 cần làm gì? - Ảnh 2.

Nhiều người sau khi mắc COVID-19 bị ù tai, nghe kém.

Có nhiều khả năng bị ù tai do căng thẳng và trầm cảm liên quan đến cách ly xã hội và tránh lây nhiễm.

Bên cạnh đó việc sử dụng một số thuốc trong điều trị COVID-19 cũng gây độc ốc tai, nhất là các thuốc đường tiêm, truyền.

Ù tai và nghe kém làm cho các triệu chứng thần kinh khác của người bệnh sau mắc COVID- 19 trở nên trầm trọng hơn như tình trạng rối loạn lo âu, mất ngủ, mất vị giác, khứu giác…

2. Cần làm gì khi bị ù tai, nghe kém sau mắc COVID-19?

Với những người nhiễm SARS-CoV-2 xuất hiện ù tai, nghe kém và chóng mặt, họ sẽ phải làm theo các bước sau:

-Thăm khám các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để xác định chính xác tình trạng cũng như mức độ của bệnh.

-Các phương pháp sau được áp dụng, có thể phối hợp các phương pháp với nhau:

+ Thiền, yoga liệu pháp, tắm nước ấm, liệu pháp hương liệu.

Bị ù tai, nghe kém sau khi mắc COVID-19 cần làm gì? - Ảnh 3.

Thiền - một phương pháp giúp làm giảm ù tai, nghe kém sau mắc COVID-19.

+ Tập thở sâu: Mỗi ngày nhiều lần, mỗi lần từ 2- 5 phút.

+ Bài tập thở từng bên mũi: Là bài tập để thư giãn, tập lúc đói.

Cách thực hiện: Bịt từng bên mũi bằng ngón tay trỏ sau thì thở ra, rồi hít vào bằng lỗ mũi còn lại. Động tác lặp lại luân chuyển từng mũi và kéo dài 15 phút. Bài tập này làm giảm nhịp tim đồng thời cũng giảm ù tai.

+ Châm cứu: Là một phương pháp khuyến khích việc chữa lành và hoạt động tự nhiên của cơ thể bằng cách châm những cây kim rất mỏng và tác động nhiệt và xung điện một cách rất chính xác vào các huyệt đạo cụ thể. Nó được cho là có tác dụng kích thích hệ thần kinh, giải phóng các chất hóa học đến các cơ, tủy sống và não. Các hóa chất này kích hoạt giải phóng các hóa chất và hormon khác giúp kích thích khả năng chữa bệnh tự nhiên của cơ thể.

+ Tâm lý liệu pháp: Điều chỉnh hành vi và huấn luyện thói quen với tiếng ù và nghe kém trong cuộc sống.

+ Sử dụng tiếng ù che lấp: Dùng tai nghe bịt từng bên tai, sử dụng những bản nhạc có âm nền cao, du dương, che lấp từng bên tai, lặp lại nhiều lần, kéo dài mỗi lần 5 phút.

+ Tránh tiếp xúc tiếng ồn trong các môi trường: Vũ trường, âm thanh của công trường đang làm việc, tiếng máy móc, xe tăng….

Bị ù tai, nghe kém sau khi mắc COVID-19 cần làm gì? - Ảnh 4.

Tránh tiếp xúc với tiếng ồn nếu bị ù tai, nghe kém sau mắc COVID-19.

+ Sử dụng máy trợ thính nếu có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

+ Thuốc an thần nhóm: Amitriptylin liều thấp, đảm bảo giấc ngủ sâu theo chỉ định của bác sĩ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chuyên gia- Cần 2 điều kiện cơ bản để F0 đi làm an toàn.

PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn