Do cấu trúc giải phẫu, bí tiểu thường hay gặp ở đàn ông trong khi són tiểu lại rất hay gặp ở phụ nữ. Tỷ lệ bí tiểu giữa nam và nữ là 9/1. Khoảng 3% nam giới bị bí tiểu ở mức độ từ nặng đến nhẹ.
Bí tiểu cấp tính thường gây đau dữ dội, lăn lộn với phần bụng dưới căng đầy, trong khi đó lại có thể rất khó nhận biết ở dạng mạn tính.
Trong số các yếu tố dẫn tới nguy cơ bí tiểu, hay gặp nhất là phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt, rối loạn vận hành bàng quang - cơ thắt niệu đạo do yếu tố thần kinh, sau gây mê và đặc biệt là sau gây tê tuỷ sống, tê ngoài màng cứng.
Bí tiểu cấp tính
Bí tiểu cấp tính gây đau dữ dội vùng tiểu khung đồng thời không thể tiểu tiện được. Thường xuất hiện sau 1 chuyến đi xa, sau thời gian phải nhịn tiểu kéo dài, sau bữa rượu no say, sau khi dùng thuốc như atropin, sau táo bón hay sau phẫu thuật.
Chẩn đoán bí tiểu cấp tính dễ dàng nhờ sờ thấy bàng quang căng to, đau. Tuy nhiên, chẩn đoán khó hơn ở người già, lú lẫn.
Giải phẫu bàng quang.
Bí tiểu mạn tính
Ở dạng mạn tính, bí tiểu không gây đau, chỉ biểu hiện với dòng nước tiểu yếu. Khả năng tống xuất hết nước tiểu của bàng quang ngày một kém đi dẫn đến lượng nước tiểu tồn đọng trong bàng quang ngày 1 nhiều hơn gây nhiễm trùng nước tiểu, tạo sỏi bàng quang hay són tiểu do ứa tràn nước tiểu. Trong trường hợp bí tiểu mạn tính không được điều trị, bàng quang giãn to mất hết khả năng co bóp dẫn đến nguy cơ không thể có lại khả năng tiểu tiện cho dù đã điều trị nguyên nhân gây tắc. Nặng hơn là giãn thận niệu quản 2 bên gây suy thận.
Bí tiểu mạn tính ít triệu chứng do tiến triển từ từ, âm thầm, thường chỉ thể hiện với số lần tiểu tiện ngày một nhiều lên, đái khó hoặc són tiểu. Bí tiểu mạn tính thể hiện với 1 khối hình cầu ở bụng dưới gây cảm giác tức nặng vùng hạ vị.
Siêu âm hệ tiết niệu rất hữu ích cho chẩn đoán. Các thăm dò cận lâm sàng khác cho phép xác định tình trạng toàn thân, các bệnh phối hợp đặc biệt là chức năng thận và tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu.
Điều trị thế nào?
Tùy theo dạng bí tiểu mà cần được điều trị thích hợp:
Bí tiểu cấp tính phải được xử lý cấp cứu bằng dẫn lưu bàng quang trên xương mu hoặc đặt ống thông bàng quang qua niệu đạo. Bệnh nhân sẽ hết căng tức và đau ngay.
Bí tiểu mạn tính cũng cần đặt ống thông bàng quang, thường phải lưu ống thông lâu hơn.
Cả 2 trường hợp đều phải được lên kế hoạch điều trị nguyên nhân trước khi rút ống thông bàng quang.
Theo dõi sau đặt ống thông bàng quang
Lượng nước tiểu thoát ra sau khi đặt ống thông cho biết phần nào mức độ nặng nhẹ của bí tiểu. Ống thông luôn gây nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất là khi để lâu ngày, do vậy phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc vô khuẩn. Cần phải cấy nước tiểu để chọn kháng sinh thích hợp, nhất là khi có sốt hoặc đau; Ống thông có thể gây chảy máu, nhất là với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông. Bệnh nhân cần uống nhiều nước.