Các đại biểu sẽ thảo luận ở Đoàn trước khi tiến hành bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia vào sáng mai (31/3).
Theo quy định, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp sau khi được Quốc hội bầu.
Ông Vương Đình Huệ được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội
Ông Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, quê quán: xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Học hàm, học vị: Giáo sư, Tiến sỹ Kinh tế. Uỷ viên Trung ương Đảng Khoá X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội Khoá XIII, XIV.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Vương Đình Huệ công tác 22 năm ở Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) với nhiều cương vị khác nhau, từ giảng viên, Trưởng khoa Kế toán, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo. Trong khoảng thời gian này, ông có 4 năm (1986 - 1990) nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia.
Tháng 7/2001, ông Vương Đình Huệ được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; 5 năm sau, ông làm Tổng kiểm toán Nhà nước.
Ông là Bộ Trưởng Tài chính từ tháng 8/2011, đến tháng 12/2012 được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương (kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính đến tháng 5/2013).
Ông Vương Đình Huệ giữ cương vị Phó Thủ tướng từ tháng 4/2016 đến khi Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm ngày 11/6/2020 sau khi Bộ Chính trị quyết định phân công điều động thôi giữ chức Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ để chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội (tháng 2/2020).
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội, ông Vương Đình Huệ tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tuyệt đối.
Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội khoá XIV đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Sau khi thảo luận tại Đoàn, Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Nghị quyết về việc miễn nhiệm cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua với 429/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,38% tổng số đại biểu Quốc hội).
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tiếp tục điều hành phiên làm việc cho đến khi Quốc hội bầu được tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Sau khi chính thức trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng là lãnh đạo nhà nước đầu tiên thực hiện nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức tại Quốc hội theo quy định mới của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014.
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội khóa XIV được đánh giá là một nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với những thành tựu và dấu ấn nổi bật; tiếp tục gần dân, sát dân, có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, lập pháp giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước cũng như hoạt động ngoại giao Nghị viện.
Trong thành công chung của hoạt động nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thể hiện ấn tượng với vai trò chủ trì, điều hành, nhất là những phiên chất vấn, để cùng tập thể không ngừng đưa hoạt động Quốc hội đổi mới, hiệu quả.