Ngày 11/6, ông Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP tại huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.
Theo ông Bí thư Thành ủy, Hà Nội là địa phương có đàn lợn lớn, đến nay số lợn mắc bệnh và tiêu hủy đã chiếm gần 19% tổng đàn, điều đó chứng tỏ tính chất của bệnh DTLCP rất nguy hiểm và lây lan nhanh. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng thời gian qua công tác tuyên truyền của thành phố chưa được rộng khắp, các chốt kiểm dịch chưa kiểm soát được hết, chưa kiểm soát được các lò giết mổ nhỏ lẻ.
Nhiều nơi chưa nhận thức tốt về công tác phòng chống bệnh DTLCP, một số nơi người dân còn tự đi chôn, vứt lợn chết ra sông, suối... Cơ chế, chính sách bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia phòng chống dịch chưa phù hợp...
Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng nỗ lực thời gian qua của thành phố đang có dấu hiệu tích cực, tốc độ lây lan dịch bệnh đã giảm (có 9 xã/7 quận huyện sau 30 ngày ko phát sinh dịch bệnh). Do đó yêu cầu các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc đồng bộ để ngăn chặn bệnh DTLCP, bảo vệ đàn lợn 1,6 triệu con còn lại, không được buông lỏng.
Cần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó cần phân công kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bệnh DTLCP, tập trung vào những khu vực có đàn lợn lớn. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân về mức độ nguy hiểm, tốc độ lây lan cũng như cách phòng chống dịch bệnh. Kiểm tra chặt chẽ các chốt kiểm dịch; trong đó Công an Thành phố cần huy động lực lượng CSGT kiểm tra các cửa ngõ của TP, lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt các lò giết mổ tập trung... Sở Y tế chỉ đạo các trạm y tế quận, huyện tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, đặc biệt là các nơi có lượng tiêu hủy lớn.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra tại một hộ gia đình chăn nuôi lợn.
Ông Hải cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành bố trí đầy đủ kinh phí cho các địa phương để hỗ trợ những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu hủy kịp thời. Đồng thời, ngay từ bây giờ cần nghiên cứu nguồn thị trường thịt lợn để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Quốc Oai là huyện có công tác phòng, chống dịch bệnh có sáng tạo, có nhiều biện pháp hay nên mặc dù là một trong 3 huyện có dịch bệnh nhiều nhất nhưng huyện vẫn kiểm soát tốt tình hình.
Xu hướng dịch bệnh trên địa bàn TP đang có xu hướng giảm dần, vì vậy ông Sửu đề nghị các quận huyện tiếp tục vào cuộc quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện khi ra vào các trang trại cũng như các nguồn thực phẩm, khi tiêu hủy phải đảm bảo quy trình, an toàn sinh học, tránh để ô nhiễm, phát sinh nguồn bệnh,...
* Trước đó, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra công tác phòng dịch tại một số hộ gia đình tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai. Tới thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Trường tại thôn Yên Thái có đàn lợn 72 con, Bí thư Thành ủy mong muốn gia đình phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là trong các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Tập trung diệt ruồi, động vật trung gian,... hạn chế lây lan dịch bệnh giữa các hộ chăn nuôi.
Tới thăm và kiểm tra hộ gia đình ông Kiều Văn Xuân, thôn Yên Thái đã tiêu hủy đàn lợn 28 con (1.913kg), tổng số tiền hỗ trợ đã nhận là 78.886.000 đồng. Chia sẻ với những mất mát của gia đình, Bí thư Thành ủy mong muốn gia đình tiếp tục nỗ lực vươn lên, chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi sang các vật nuôi khác cho phù hợp.
Tới kiểm tra chốt kiểm dịch tại Ngã 3 đi Yên Thái - Thôn Cố Thổ và Đường đi quốc lộ 21A (xã Đông Yên), đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị các cán bộ ở đây cần bố trí trực 24/24h, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua lại, cần phải phun sát trùng thật kỹ khi tham gia giao thông, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trên địa bàn TP tính đến ngày 9/6, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 21.286 hộ chăn nuôi (chiếm 26,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.093 thôn, tổ dân phố/435 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã làm mắc bệnh và tiêu hủy 353.777 con (chiếm 18,9% tổng đàn) với trọng lượng 24.292 tấn. Tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 45.117 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố.
Một số địa phương phải tiêu hủy số lượng lợn mắc bệnh lớn như: Sóc Sơn 63.976 con (chiếm 52,2% tổng đàn); Đông Anh 34.210 con (chiếm 43,2% tổng đàn); Quốc Oai 27.037 con (chiếm 42,2% tổng đàn); Chương Mỹ 24.336 con (chiếm 10% tổng đàn),... Đến nay, đã có 9 xã, phường thuộc 7 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.
Từ ngày 7/6 đến nay, giá lợn lên cao (khoảng 40.000-45.000 đồng/kg) nên người chăn nuôi đã tích cực chăm sóc, phòng bệnh cho đàn lợn; số lượng lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy đã giảm nhiều, cụ thể ngày 9/6 trên địa bàn TP tiêu hủy 3.813 con. Kinh phí hỗ trợ lợn phải tiêu hủy khoảng 620 tỷ đồng, kinh phí các quận, huyện chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh khoảng trên 200 tỷ đồng.