Hà Nội

Bí thư Hà Nội “vi hành” xe buýt

13-03-2014 11:17 | Thời sự
google news

Sáng qua Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị đứng chờ xe buýt dưới mưa. Đúng giờ cao điểm, nên xe đến chậm, trên xe hết chỗ ngồi, vị Bí thư đành đứng suốt hành trình từ cầu Vĩnh Tuy đến gần cầu Chương Dương.

 Sáng qua Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị đứng chờ xe buýt dưới mưa. Đúng giờ cao điểm, nên xe đến chậm, trên xe hết chỗ ngồi, vị Bí thư đành đứng suốt hành trình từ cầu Vĩnh Tuy đến gần cầu Chương Dương.

Vị lãnh đạo cao nhất của thành phố vừa có chuyến “vi hành” trên xe buýt mà không hề có sự sắp đặt.

Bí thư cũng phải đứng

Khu đề-pô sửa chữa của xí nghiệp xe buýt Hà Nội tại số 29 Lạc Trung với hàng trăm xe buýt vào bảo dưỡng mỗi ngày là địa điểm đầu tiên Bí thư thành ủy Hà Nội đến thăm. Tại đây, Bí thư Phạm Quang Nghị lưu ý, trước khi ra đường hằng ngày xe đều phải qua các trạm bảo dưỡng như thế này, do vậy xe vận hành có an toàn, hành khách có yên tâm đi trên những xe buýt hay không khâu bảo dưỡng, kiểm tra là rất quan trọng.

Rời xí nghiệp xe buýt Hà Nội, ông Nghị và đoàn công tác của Thành ủy - UBND TP Hà Nội đã ra bến xe buýt trên đường Nguyễn Khoái đón một xe buýt bất kỳ. Do là giờ cao điểm sáng nên trên xe buýt 48 khá đông người và hết ghế ngồi, nên Bí thư Hà Nội cũng rất vất vả mới tìm được một chỗ đứng có tay vịn gần cửa xuống. Sau khi ổn định chỗ đứng, trong tư thế tay phải nắm tay vịn, tay trái bám vào cửa kính xe để giữ thăng bằng, ông Nghị bắt đầu trò chuyện với hành khách đứng bên.

Qua hỏi han một nữ hành khách trạc khoảng ngoài 30 tuổi, chị cho biết đi xe buýt từ thời còn đi học và đến nay đi làm hằng ngày vẫn bằng xe buýt, tính thời gian chị đã có 8 năm đi xe buýt. “Trong 8 năm qua, tôi chưa mất cắp hay bị va chạm với ai” - hành khách nữ cho biết khi được ông Nghị hỏi.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trên xe buýt số 48 sáng 12/3. Ảnh: Trọng Đảng

Taxi cũng phải quản như xe buýt

Trước khi vào phòng làm việc với lãnh đạo Tổng Cty Vận tải, ông Nghị đã ghé thăm trung tâm điều hành xe buýt, tại đây ông đã thực tế hệ thống quản lý, giám sát mạng lưới hơn 1.000 xe buýt của Transerco. Tất cả đều được ứng dụng cộng nghệ hiện đại trong điều hành, quản lý.

Giới thiệu với Bí thư thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Thủy, trưởng Trung tâm điều hành cho biết, nhờ việc áp dụng công nghệ mới trong quản lý, giám sát hoạt động của tất cả các tuyến, xe buýt của Transerco hoạt động hằng ngày trên địa bàn TP đều được theo dõi chặt qua các bảng điện tử hiển thị tại trung tâm. Từ đó giúp trung tâm biết được xe nào đang hoạt động, xe nào đang gặp sự cố; với các xe đi vào khu vực ùn tắc, xe đóng mở cửa, dừng đỗ không đúng quy định hoặc vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ quy định… đều được báo về trung tâm.

Với hệ thống quản lý như trên, ông Nghị cho rằng, rất tiện dụng, hiệu quả và văn minh; đây là hình thức cần nhân rộng trong quản lý vận tải công cộng. Nói rồi ông quay sang phía ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở GTVT nhắc nhở: Hệ thống taxi Hà Nội nếu được cũng phải quản lý như thế này.

Sau chuyến hành trình trên xe buýt số 48, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, lộ trình đi chỉ vài ki lô mét nhưng ông đã ghi nhận được nhiều điều, thứ nhất người dân vẫn rất yêu mến và dành tình cảm cho xe buýt, điều đó được chứng minh qua các tuyến buýt luôn đông khách.

Tuy nhiên số lượng hành khách đứng ôm cột, thậm chí đứng chắn cửa lên xuống vẫn còn nhiều. “Khi hành khách lên xe, phụ xe thường phải đến hỏi vé rất mất thời gian, công sức. Làm sao khách lên xe chỉ việc giơ vé lên hoặc có hành động nào đó giúp phụ xe phân biệt được vé tháng hay vé ngày. Có như thế người dân mới thấy được sự thuận tiện của xe buýt”, ông Nghị nói.

Phải chia sẻ với người nghèo

Sau khi đề nghị nâng cao dịch vụ xe buýt, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói: Ngoài lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Transerco, ở đây còn có đại diện 6 sở ngành, ông rất muốn nghe báo cáo về phương án đổi mới phát triển xe buýt; đặc biệt so với các nước trong khu vực, xe buýt Hà Nội đang đứng vị trí nào, hơn kém ra sao, nguyên nhân?

Thay mặt Tổng Cty Vận tải Hà Nội, Tổng giám đốc Nguyễn Phi Thường cho biết: “Nhờ có các biện pháp quản lý, điều hành hợp lý mà Transerco từng bước vượt qua ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nếu năm 2013 Transerco được nhà nước trợ giá 750 tỷ đồng thì năm 2014 số tiền này chỉ còn 689 tỷ đồng”.

Theo ông Thường, trong những lần tham quan xe buýt Hà Nội, lãnh đạo TPHCM đánh giá cao mô hình tổ chức hoạt động cũng như việc đầu tư trang thiết bị công nghệ cho hoạt động xe buýt.

“Số lượng lượt, tuyến của TP HCM lớn hơn Hà Nội và được trợ giá mỗi năm khoảng 1.400 tỷ nhưng sản lượng hành khách lại thấp hơn Hà Nội”. Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, so với các nước trong khu vực xe buýt Hà Nội được xếp ở thứ hạng trên trung bình.

“Đây là kết quả đánh giá của tổ chức JICA (Nhật Bản) trong dự án Trahud 2 về hỗ trợ kỹ thuật “Cải thiện giao thông công cộng tại Hà Nội” vừa được thực hiện”, ông Hùng thông tin. Cũng theo ông Hùng, trong tháng 5 tới Sở GTVT sẽ đưa thêm 5 tuyến buýt mới đi vào hoạt động.

Nói về tình hình an ninh trật tự trên xe buýt, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó giám đốc CATP Hà Nội cho biết, so với các năm trước năm 2013 số vụ TNGT liên quan đến xe buýt giảm và chỉ xảy ra 4 vụ. Hiện Transerco đang phối hợp tốt với CATP và đã lập 10 tổ công tác theo chuyên đề 142 để đảm bảo an ninh và xử lý nghiêm các đối tượng móc túi trên xe buýt.

Kết luận buổi làm việc Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của Transerco trong việc đưa hoạt động xe buýt ngày một chuyên nghiệp, hiệu quả.

Theo ông, hành khách đi xe buýt đa số là người thu nhập thấp, tuy nhiên mạng lưới xe buýt phải tiến tới ngày càng thuận lợi để phục vụ đa dạng nhu cầu của hành khách.

Trong các chính sách liên quan đến xe buýt, trong đó có giá vé cần quan tâm chia sẻ với người dân và tăng có lộ trình. Xe buýt đã phát triển gần đến bão hòa, cần phát triển theo quy hoạch và phải sớm đưa thêm các loại hình vận tải khác nhằm giảm áp lực cho phương tiện này.

Năm 2013 Transerco vận chuyển trên 410 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt trên 4.100 tỷ, đảm bảo việc làm cho gần 10.000 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/tháng.

Hiện Transerco có trên 1.000 đầu xe, phục vụ 52/65 tuyến buýt của TP với sản lượng trên 1,1 triệu lượt hành khách/ngày, chiếm khoảng 90% thì phần xe buýt Thủ đô.

 

 


Ý kiến của bạn