Bị táo bón có nên uống cà phê?

14-10-2023 06:00 | Dinh dưỡng

SKĐS - Với những người bị táo bón thường xuyên, việc ăn uống rất quan trọng. Cà phê là một thức uống phổ biến và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, vậy cà phê có tốt cho người bị táo bón không?

1. Táo bón là vấn đề khá phổ biến

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan, Chuyên khoa Ngoại tiêu hóa, Giảng viên Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội, táo bón là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất, bất kể ai cũng có nguy cơ mắc táo bón, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi và tỷ lệ mắc táo bón thường tăng theo độ tuổi.

Trong đó, táo bón chức năng chiếm khoảng 50% các trường hợp táo bón, đa số là do chế độ ăn không hợp lý (thiếu nước, thiếu chất xơ…), ít vận động, mất phản xạ đại tiện (do thường xuyên nhịn đại tiện), stress… Ngoài ra, nguyên nhân táo bón còn có thể do đại tràng nhu động yếu, rối loạn chức năng vùng hậu môn - trực tràng hoặc một số bệnh lý như hẹp lòng đại tràng, phình đại tràng, khối u đại tràng...

Khi có các dấu hiệu như đại tiện ít hơn 3 lần/tuần; phải gắng sức rặn mạnh khi đại tiện, phân cứng hoặc thành cục như bi và cảm giác đại tiện xong vẫn không hết phân thì nên đi khám ngay.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan khuyến cáo để phòng ngừa táo bón nên thực hiện chế độ ăn uống tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, các loại rau xanh và trái cây tươi. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo. Không lạm dụng rượu, cà phê, trà đặc…

Tuy nhiên, nhiều người lại dùng cà phê để trị táo bón, điều này có hiệu quả thực sự không, liệu cà phê có phải là phương thuốc tốt cho chứng táo bón?

Bị táo bón có nên uống cà phê? - Ảnh 1.

Cà phê có đặc tính nhuận tràng nhưng không nên coi đó là phương thuốc trị táo bón.

2. Đặc tính nhuận tràng của cà phê

Cà phê được chứng minh là thức uống giúp cải thiện tâm trạng, tăng nhận thức, nâng cao hiệu suất làm việc và thậm chí giúp một số người tiêu hóa tốt.

TS. Trent G. Orfanos, Giám đốc Tim mạch Tích hợp và Chức năng tại Case Integrative Health ở Chicago cho biết, nhiều người sau khi uống cà phê có nhu cầu đi đại tiện ngay. Một nghiên cứu cũ hơn cho thấy 29% số người cho biết họ cảm thấy muốn đi đại tiện nhiều hơn sau khi uống cà phê.

TS. Orfanos nói rằng có một số lý do khiến cà phê gây ra điều đó. Nghiên cứu chỉ ra rằng cà phê có chứa acid làm tăng nồng độ hormone gastrin và cholecystokinin (CCK). Những hormone này bắt đầu một phản ứng gọi là phản xạ dạ dày, kích thích các cơn co thắt của ruột kết và kích hoạt sự di chuyển của chất thải qua trực tràng.

Bị táo bón có nên uống cà phê? - Ảnh 3.

Cà phê có chứa acid làm tăng nồng độ hormone gastrin.

Tác dụng kích thích của việc uống cà phê khi thức dậy vào buổi sáng tác động vào quá trình tiêu hóa tự nhiên của cơ thể. Các cơn co thắt ở ruột kết có xu hướng mạnh nhất vào buổi sáng, cũng là thời điểm nhiều người uống cà phê.

"Cơ chế cà phê kích thích hoạt động vận động (tức là sự co cơ ở ruột kết để đẩy phân ra ngoài) không hoàn toàn rõ ràng nhưng một số bằng chứng về các chất trong cà phê như acid cholinergic và melanoidin, là những gì có thể có tác động lớn nhất đến cơ thể." - TS. Arun Swaminath, Trưởng khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York cho biết.

Chính hàm lượng caffeine trong cà phê giúp tăng cường tác dụng nhuận tràng. Caffeine làm tăng các cơn co thắt cơ ruột và chuyển động của phân, được gọi là nhu động ruột.

Các chuyên gia lý giải tác dụng nhuận tràng phụ thuộc vào quá trình trao đổi chất, sức khỏe đường tiêu hóa nói chung và độ nhạy cảm của mỗi người với caffeine.

Với một số người, tác dụng kích thích có thể phát huy tác dụng nhanh chóng, chỉ khoảng 4 phút sau khi uống cà phê lập tức muốn đi đại tiện. Một số người có thể cảm nhận được tác dụng của cà phê đối với nhu động ruột của họ từ 30 phút đến một giờ sau khi uống; ở những người khác, việc này có thể mất vài giờ - hoặc có thể không xảy ra.

3. Cà phê có giúp trị táo bón không?

Đối với một số người, cà phê có thể hoạt động như thuốc nhuận tràng tự nhiên để giúp bài tiết. Tuy nhiên, theo TS. Orfanos, nó không phải là một lựa chọn lâu dài tốt để giảm táo bón. Táo bón mạn tính còn có thể là dấu hiệu một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như đái tháo đường hoặc suy giáp và thậm chí cả tình trạng thần kinh.

Uống quá nhiều cà phê dễ làm trầm trọng thêm một số tình trạng nhất định, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh tăng nhãn áp hoặc bàng quang hoạt động quá mức. Thực tế có nhiều cách tự nhiên tốt hơn cà phê để giảm táo bón như bổ sung đủ nước và nhiều chất xơ.

Có rất ít nghiên cứu trực tiếp về hiệu quả của cà phê khi điều trị táo bón. Vì vây, cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra mối liên hệ rõ ràng.

Bị táo bón có nên uống cà phê? - Ảnh 5.

Với một số người, cà phê giúp đại tiện dễ nhưng lại gây táo bón với nhiều người khác.

4. Cà phê có thể gây táo bón nặng hơn ở một số người

Như đã nói, tác dụng tiêu hóa của cà phê với mọi người là khác nhau. Trong một số trường hợp, việc tiêu thụ cà phê thậm chí có thể khiến tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn. Trong khi caffeine kích thích đường tiêu hóa của một số người thì những người khác có thể bị táo bón hoặc có những phản ứng xấu khác. Cà phê có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón vì những nguyên nhân sau:

Gây mất nước: Cà phê gây lợi tiểu do đó có thể làm cơ thể mất nước, làm cứng phân và gây táo bón.

Gây kích ứng đường tiêu hóa: Tính acid của cà phê có thể gây kích ứng dạ dày và ruột, làm tăng táo bón hoặc đau dạ dày.

Làm xáo trộn sự cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột: Cà phê có thể làm đảo lộn hệ thực vật đường ruột, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hoạt động đều đặn của ruột, dẫn đến táo bón.

Gây nghiện: Tác dụng nhuận tràng của cà phê có thể gây nghiện và khiến việc đi tiêu trở nên khó khăn hơn nếu không dùng cà phê để kích thích quá trình bài tiết.

Trong trường hợp tình trạng táo bón trầm trọng nên hạn chế hoặc tránh cà phê và thử điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi lối sống.

Bị táo bón có nên uống cà phê? - Ảnh 3.

Không có liều lượng cà phê nào được khuyến cáo dùng để giảm táo bón.

5. Có thể uống bao nhiêu cà phê khi bị táo bón?

Ashley Baumohl, chuyên gia dinh dưỡng tại bệnh viện Lenox Hill của Northwell Health ở New York cho biết, nói chung là an toàn khi uống 400 mg caffeine, tức là khoảng 4 đến 5 tách cà phê mỗi ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế không có liều lượng cà phê nào được khuyến nghị để giảm táo bón. Một số người có thể đi đại tiện sau một hoặc hai tách cà phê, nhưng không có hướng dẫn y tế nào về việc này.

Các chuyên gia cho biết không nên lạm dụng cà phê để kích thích ruột trong việc tiêu hóa, bài tiết. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thường gặp vấn đề khi đi vệ sinh.

Về lý do bị táo bón, nên tự kiểm tra các câu hỏi dưới đây:

  • Có uống đủ nước không?
  • Có đang ăn thực phẩm giàu chất xơ có chứa chất xơ hòa tan và không hòa tan không?
  • Có đang dùng bất kỳ loại thuốc nào có thể làm chậm quá trình tiêu hóa không?
  • Có tham gia đủ hoạt động thể chất không?

Nếu bạn chưa thực hiện tất cả những điều trên, nên thực hiện những thay đổi sau:

  • Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, đậu, các loại hạt để tăng lượng chất xơ, giúp phân thành khuốn và thúc đẩy bài tiết phân đều đặn.
  • Uống nhiều nước trong ngày để giữ cho cơ thể không bị mất nước, cơ thể thiếu nước sẽ làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên để giúp di chuyển ruột và cải thiện sức khỏe đường ruột tổng thể.

Nếu đã thực hiện thay đổi lối sống, chế độ ăn nhưng không cải thiện được tình trạng táo bón nên đến gặp bác sĩ tiêu hóa để chẩn đoán nguyên nhân táo bón. Bác sĩ có thể tư vấn thực hiện các xét nghiệm bổ sung, chẳng hạn như nội soi, đánh giá các vấn đề về nhu động ruột hoặc kê thuốc để điều trị táo bón chức năng nếu táo bón không do các bệnh lý tiềm ẩn.

Ăn nhiều chất xơ mà vẫn bị táo bón, vì sao?Ăn nhiều chất xơ mà vẫn bị táo bón, vì sao?

SKĐS - Chất xơ trong thực phẩm có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là với hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, một số người dù đã bổ sung nhiều chất xơ nhưng vẫn bị táo bón, vì sao?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những loại rau củ trợ giúp người bị táo bón.

Hoàng Nam
Ý kiến của bạn