Bị suy giãn tĩnh mạch chi, có nên hành hương đầu xuân?

05-02-2019 08:07 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Ths.BS Khâu Minh Tuấn – Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115 cho rằng, hành hương đầu xuân là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt, tuy nhiên với những người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, cần thận trọng tránh để bệnh nặng thêm.

Hành hương đầu xuân là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Bên cạnh các phong tục mang tính tâm linh như lễ chùa đầu năm , hành hương đầu  xuân như một cách để con người hướng tới các chốn linh thiêng, cầu mong một năm mới  may mắn, vạn sự như ý. Đây là  một nét đẹp trong văn hóa của người Việt.

Ths. BS Khâu Minh Tuấn, Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115

Trong những ngày đầu năm mới, tại các địa điểm như đền chùa, rất đông các bà, các mẹ trong những bộ trang phục đẹp nhất thành tâm lễ Phật.  Tuy nhiên với những người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, việc đi hành hương, lễ Phật đầu năm có nên được khuyến cáo?

Hành hương lễ Phật đầu năm – một nét đẹp trong văn hóa của người Việt

Suy giãn tĩnh mạch chi là gì?

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới  là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi nhưng nay đang có xu hướng trẻ hóa, người béo phì, ít vận động hoặc người làm công việc phải đứng nhiều…

Ths BS Khâu Minh Tuấn – Phó khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115 Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.

Giãn tĩnh mạch là biến chứng của suy van tĩnh mạch. Tức là sau một thời gian bị suy van tĩnh mạch, hiện tượng viêm và ứ trệ tuần hoàn trong lòng tĩnh mạch sẽ làm cho thành của các tĩnh mạch bị yếu đi và giãn lớn ra, có 3 loại giãn tĩnh mạch: giãn tĩnh mạch nông, giãn tĩnh mạch sâu và giãn tĩnh mạch xuyên. Trong đó, giãn tĩnh mạch nông là hay gặp nhất.

Các triệu chứng điển hình của bệnh suy giãn tĩnh mạch:


-Triệu chứng ban đầu của suy giãn tĩnh mạch là tê chân có cảm giác như kiến bò.

-Có cảm giác bồn chồn ở chân, nặng chân.

-Phù chân khi đi hay đứng nhiều.

-Chuột rút về đêm, đau nhức chân.

- Giãn tĩnh mạch nông nổi thành từng búi hay giãn toàn bộ trông như những con giun trên bắp chân và đùi.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi gây suy giảm chất lượng cuộc sống .

Nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch chi


Theo Ths Tuấn, nguyên nhân của bệnh đến nay chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh được xác định có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do:

Tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

Ngoài ra suy giãn tĩnh mạch còn có thể do chế độ làm việc. Ngoài việc phải đứng nhiều thì làm việc trong môi trường ẩm thấp cũng là tác nhân gây bệnh trầm trọng hơn, người mang thai nhiều lần, béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin cũng làm cho bệnh trở nên nặng hơn.

Có nên đi du xuân khi bị suy giãn tĩnh mạch?


Ths Tuấn  khuyên, để ngăn chặn tiến triển của bệnh suy giãn tĩnh mạch, bệnh nhân cần:

-Gác chân cao khi nằm nghỉ, tránh đứng hay ngồi lâu, mang tất thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật.

-Tránh để thừa cân, béo phì, tập hít thở sâu.

-Hạn chế ăn nhiều thịt, chất bột đường.

-Có chế độ ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón, tăng cường vitamin C có tác dụng làm bền thành tĩnh mạch.

-Tuân thủ điều trị bằng thuốc.

Do đó, với người đang mang trong mình căn bệnh suy giãn tĩnh mạch chi, trong lúc đi hành hương nên chú ý  không ngồi lâu một chỗ, thay đổi tư thế thường xuyên và mang vớ y khoa vẫn có thể vi hành đầu xuân mới.


Hải Yến
Ý kiến của bạn