Bị sốt xuất huyết có điều trị tại nhà được không?

08-09-2023 09:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà được không là thắc mắc của nhiều người - nhất là trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng với hơn 75.700 ca mắc, 18 trường hợp tử vong từ đầu năm đến nay.

Sốt xuất huyết có điều trị tại nhà được không?

Không phải bệnh nhân nào được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết cũng phải nhập viện điều trị. Cần xác định những đối tượng nên nhập viện, tránh trường hợp quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện. Người bị sốt xuất huyết nhẹ có thể điều trị tại nhà hoặc tại các cơ sở tuyến huyện, xã phường.

Trong những ngày đầu, người mắc sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế từ xa. Người bệnh có thể sử dụng các dung dịch bù nước, thuốc hạ sốt theo hướng dẫn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết tuyệt đối lưu ý không dùng kháng sinh, corticoid hoặc truyền những dung dịch như đạm, dung dịch cao phân tử.

PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà.

Sau 5 ngày bệnh nhân có thể hết sốt. Nếu có biểu hiện thoát dịch, cô đặc máu sẽ dẫn tới hiện tượng tụt huyết áp hoặc mệt, đau bụng vùng gan, mệt mỏi tay chân lạnh, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, rong kinh ở phụ nữ. Đây được gọi là những dấu hiệu cảnh báo và cần phải nhập viện, phải được theo dõi bởi nhân viên y tế và tại các cơ sở y tế.

Nếu bệnh nhân rơi vào tình trạng suy đa phủ tạng, sốc, cần truyền tiểu cầu, truyền dung dịch cao phân tử thì nên chuyển lên tuyến trung ương. Lúc này không điều trị tại nhà hoặc các tuyến cơ sở xã phường, huyện.

Điều trị người mắc sốt xuất huyết tại nhà

Người mắc sốt xuất huyết cần lưu ý cần làm xét nghiệm công thức máu hàng ngày để biết số lượng tiểu cầu bao nhiêu. Nếu tiểu cầu xuống dưới 50g/L thì nên nhập viện.

Sốt xuất huyết trong những ngày đầu có thể chăm sóc tại nhà và có thể theo dõi nhiệt độ cũng như dấu hiệu toàn thân khác. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên, tránh không sử dụng các nhóm thuốc có salicylic vì có thể gây chảy máu.

Thêm trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, bị sốt xuất huyết có điều trị tại nhà được không? - Ảnh 2.

Bệnh nhân P.T.H (50 tuổi, Định Công, Hà Nội) điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

Sốt xuất huyết nên ăn gì? Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể uống các loại nước hoa quả, dung dịch oresol để bù đủ nước cho cơ thể. Bên cạnh đó cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Nếu bệnh nhân chán ăn, ăn không ngon miệng có thể chia nhỏ các bữa ăn, lựa chọn đồ ăn mềm, lỏng.

Một số người cứ nghĩ bị sốt xuất huyết phải có xuất huyết mới được xem là nặng. Tuy nhiên nhiều trường hợp máu cô đặc, không xuất huyết cũng được xem là tình trạng nặng.Trong trường hợp máu cô đặc thường dẫn tới tình trạng bệnh nhân bị sốc.

Trong các trường hợp bệnh nhân xuất huyết cần có sự phối hợp giữa các chuyên khoa điều trị. Bệnh nhân chảy máu cam cần phối hợp với chuyên khoa tai mũi họng, xuất huyết tiêu hóa cần nội soi để cầm máu, nếu rong kinh ở phụ nữ cần kết hợp điều trị với bác sĩ sản phụ khoa.

Sai lầm khi chăm sóc người sốt xuất huyết tại nhà

Một số sai lầm khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết đó là chẩn đoán sai. Sốt xuất huyết có thể chẩn đoán nhầm với COVID-19 hoặc một bệnh cúm… Khi đến ngày 4-5 của bệnh, lúc này máu có biểu hiện cô đặc hoặc tiểu cầu giảm nhanh mới nhập viện. Trong trường hợp này bệnh nhân cần truyền tiểu cầu, dung dịch cao phân tử và việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Thậm chí trường hợp nặng có thể dẫn tới suy đa tạng, suy gan, suy thận, men gan tăng… cần phải lọc máu. Ngoài ra còn có một số biến chứng khác có thể gặp trên bệnh nhân mắc bệnh nền, phụ nữ có thai, người già…

Thêm trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, bị sốt xuất huyết có điều trị tại nhà được không? - Ảnh 3.

Bệnh nhân sốt xuất huyết cần làm xét nghiệm công thức máu hàng ngày để theo dõi tiểu cầu.

Người dân thường có tâm lý ngại tới bệnh viện và đến các phòng khám tư nhân để truyền dịch, truyền thuốc bổ, đạm… Đây là những dung dịch không được khuyến cáo trong điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế. Người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết cần đến các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết. Xét nghiệm này đơn giản có thể phát hiện ra sốt xuất huyết từ những ngày đầu.

Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh và hiện nay chưa có vaccine để phòng bệnh. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Thậm chí có những người đã mắc sốt xuất huyết vẫn có khả năng mắc lại type khác.

Hiện nay, để phòng bệnh sốt xuất huyết, chủ yếu là các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu như ngủ màn, thoa kem tránh muỗi đốt. Người dân cần vệ sinh môi trường xung quanh để diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển.

Vừa qua, Hà Nội ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết trong năm nay. Bệnh nhân tử vong là nam (19 tuổi, Hà Đông) có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật và viêm gan C mạn tính. Gần 1 tuần từ khi bệnh nhân có biểu hiện sốt, bệnh tình diễn biến nặng, phải lọc máu liên tục, rửa dạ dày cấp cứu, thở máy. Bệnh nhân tử vong ngày 29/8.

Ngày 2/9, Đắk Lắk cũng ghi nhận một bệnh nhân nhi sinh năm 2010 tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, tính từ đầu năm 2023, Đắk Lắk đã có 3 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Xem thêm video được quan tâm:

2 sai lầm nghiêm trọng khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, chuyên gia chỉ rõ |SKĐS


PGS.TS Đỗ Duy Cường
Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn