Hà Nội

Bị sốt xuất huyết, cần thực hiện nguyên tắc sau để tránh tử vong

29-10-2022 08:27 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo ghi nhận đến nay cả nước có 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 108 ca tử vong, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tại Hà Nội, sốt xuất huyết đang tăng rất mạnh, có 12 ca tử vong.

Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao do đang là cao điểm mùa dịch diễn ra từ nay đến tháng 11 hằng năm.

Vì vậy, để tránh biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong dưới đây là những nguyên tắc cần biết.

1.Tránh hiểu sai về bệnh sốt xuất huyết

Các biểu hiện ban đầu của sốt xuất huyết có thể gây nhầm lẫn với sốt virus thông thường, điều này khiến bệnh nhân chủ quan, không điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ tử vong.

Khi mắc sốt xuất huyết giai đoạn khởi phát thường có biểu hiện sốt cao liên tục, sốt đột ngột trên 40oC. Ngoài ra, ở trẻ nhỏ còn có các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết điển hình như: mệt mỏi, chán ăn, xuất hiện những cơn đau bụng, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau đầu, nhức hai hố mắt... Chính các biểu hiện đau cơ, đau đầu mà nhiều người lầm tưởng là cảm sốt nên  đánh cảm.

Có trường hợp thấy sốt, đau nóng họng đã tự uống kháng sinh để chữa viêm họng. Khi trẻ sốt cao, nhiều cha mẹ cho rằng do thay đổi thời tiết hoặc sốt virus.

Quan niệm vừa mắc sốt xuất huyết sẽ không mắc lại cũng là hiểu biết chưa đúng về căn bệnh này. Trên thực tế, virus gây sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch với chủng virus đó. Chính vì lẽ đó, kể cả vừa mắc xong nhưng ở chủng khác và nếu nhiễm chủng mới thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Cần thực hiện nguyên tắc sau để tránh tử vong do sốt xuất huyết   - Ảnh 2.

Khi mắc sốt xuất huyết người bệnh cần một chế độ dinh dưỡng đủ chất

2. Nhận biết sớm dấu hiệu nhập viện

Ở tình trạng nhẹ, người bệnh sốt xuất huyết được cấp đơn thuốc và điều trị ngoại trú. Nếu ở thể nặng như: đau đầu, sốt cao, tiểu cầu giảm, bạch cầu giảm, có nhiều nốt xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng... sẽ được chỉ định nhập viện theo dõi.

Với những người bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ được điều trị theo dõi ngoại trú cũng cần phải sát sao theo dõi các biểu hiện trầm trọng của bệnh. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu để nhập viện tránh nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh là vô cùng quan trọng.

Các biểu hiện nặng khiến người bệnh nhập viện là: Người bệnh đau bụng nhiều, đau liên tục, đau nhiều vùng gan, đôi khi bệnh nhân có thể lơ mơ, rối loạn tri giác. Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện nôn ói, khó thở, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu miệng, nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc máu, tiểu máu, xuất huyết âm đạo bất thường… cần nhập viện ngay lập tức để được các bác sĩ điều trị. Thông thường, các biểu hiện nguy hiểm này thường từ diễn biến ở ngày 3 đến ngày 7 của bệnh sốt xuất huyết.

3. Tránh những sai lầm trong chăm sóc, điều trị sốt xuất huyết

Nhiều người có thói quen dùng thuốc tùy tiện, nên khi sốt xuất huyết thường nghe theo mách bảo áp dụng những phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng khoa học. Do quan niệm loại bỏ máu độc có virus gây bệnh sẽ khỏi sốt xuất huyết nên một số người thường cắt lể, nặn máu… Vì vậy tuyệt đối không làm việc này.

Với quan niệm sốt nhiễm khuẩn, mất nước, phòng sốc sốt xuất huyết nên nhiều người tự ý dùng thuốc kháng sinh, tự ý truyền dịch tại nhà… điều này đã đem lại nhiều hệ lụy. Những hiểu lầm này thực sự nguy hiểm, vì sốt xuất huyết là một diễn tiến tự nhiên, không ngăn ngừa được tình trạng sốc của người bệnh. Người bệnh sốt xuất huyết chỉ truyền dịch khi có chỉ định, thường các bác sĩ xem xét người bệnh nôn ói, tiêu chảy nhiều hay ít, không ăn uống được, mất nước ... Còn với người bệnh chỉ có sốt nếu tự ý truyền dịch không chỉ nguy hại mà còn gây khó khăn cho vấn đề điều trị tiếp theo của bệnh nhân.

Tương tự việc dùng kháng sinh không đúng không chỉ làm người bệnh mệt mỏi do tác dụng phụ (dễ bị rối loạn tiêu hóa, gây độc thận, gan và kháng thuốc khi sử dụng nhiều lần). Vì vậy, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh, không truyền dịch tại nhà…

4. Cần có chế độ ăn đúng để người bệnh sốt xuất huyết hồi phục nhanh

Khi mắc sốt xuất huyết người bệnh cần một chế độ dinh dưỡng đủ chất, đặc biệt là bổ sung nhiều nước để cơ thể nhanh khỏe. Nhiều người khi mắc bệnh thường kiêng khem, tuy nhiên việc kiêng khem tuyệt đối nhiều loại thực phẩm khiến cho người bệnh ăn không ngon, thiếu hụt vitamin, khoáng chất dẫn đến lâu bình phục.

Một chế độ ăn khoa học cho người bệnh sốt xuất huyết bao gồm: Đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm chất cơ bản như tinh bột (gạo, ngô, khoai...), chất đạm (thịt, trứng, cá...), chất béo (dầu, mỡ) và khoáng chất (rau, củ, quả...).

Người bệnh mắc sốt xuất huyết khi bị sốt cao nên bổ sung các loại nước để bù nước, chất điện giải. Có thể uống oresol, nước cam, chanh, bưởi, dừa, nước ép rau củ quả... để tiêu hóa tốt, tăng cường kháng thể giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Người bệnh cần ăn nhiều trái cây, rau xanh và chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, đảm bảo môi trường sạch sẽ và thoáng.

Người bệnh cần kiêng uống các loại coca, trà, cà phê (nước uống màu sẫm), các loại thực phẩm chiên xào, chua cay vì dễ gây tình trạng khó tiêu.

Tóm lại: Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong cho người bệnh. Hiện vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy, mỗi người cần chủ động tự giác phòng ngừa bệnh, vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị bệnh kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12 - SKĐS


BS. Nguyễn Văn Quang
Ý kiến của bạn