Hà Nội

Bị run tay, chân do thuốc?

29-12-2011 11:18 | Dược
google news

Run là một dạng rối loạn vận động có thể liên quan với nhiều loại thuốc. Thuốc có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc chỉ là yếu tố khởi phát tình trạng run đã tiềm tàng từ trước.

Tôi bị rối loạn nhịp tim và được bác sĩ kê đơn thuốc có amiodarone. Sau vài ngày uống thuốc, tôi cảm thấy mình hay bị chóng mặt và run chân tay. Tôi nghe nói triệu chứng tôi gặp phải là do tác dụng phụ của thuốc này. Xin cho biết có phải như vậy không và tôi nên làm như thế nào? Xin cảm ơn!

Triệu Đình Nam (Hà Nội)

Run là một dạng rối loạn vận động có thể liên quan với nhiều loại thuốc. Thuốc có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc chỉ là yếu tố khởi phát tình trạng run đã tiềm tàng từ trước. Trong thực tế, việc xác định chính xác loại thuốc gây run thường gặp nhiều khó khăn, do mỗi người bệnh thường sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc có liên quan với triệu chứng run. Phân biệt giữa run do thuốc với các dạng run khác có vai trò rất quan trọng và đòi hỏi phải có một quá trình thăm khám và hỏi bệnh kỹ càng.
 
 Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Trong hầu hết các trường hợp, run do thuốc thường đối xứng, xảy ra chủ yếu ở những người lớn tuổi, những người có suy giảm chức năng gan thận hoặc các bệnh lý thực thể ở hệ thần kinh trung ương (như nhồi máu não, bệnh xơ cứng rải rác), những người có tâm lý hay lo lắng hoặc những người phải sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc, nhất là những thuốc cùng có khả năng gây run hoặc có nguy cơ tương tác với nhau làm tăng độc tính.

Amiodarone như trong thư bác đề cập là thuốc chống loạn nhịp tim, có thể gây run ở khoảng 1/3 số người dùng thuốc, cơ chế hiện còn chưa được biết rõ. Run do amiodarone thường phụ thuộc vào tư thế và tăng lên khi tập trung làm việc; có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình dùng thuốc, phụ thuộc liều và thường giảm dần sau khi ngưng dùng thuốc khoảng 2 tuần.

Trong xử trí, nếu tình trạng run không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và công việc của người bệnh thì thuốc gây run là thực sự cần thiết cho người bệnh, có thể tiếp tục sử dụng thuốc nhưng cần theo dõi chặt chẽ. Nếu mức độ run nặng dần và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh, thuốc gây run nên được giảm liều hoặc ngưng sử dụng và thay thế bằng một thuốc khác ít gây run hơn. Nếu thuốc gây run không thể thay thế, cần phối hợp điều trị triệu chứng run bằng các thuốc như propranolol, thuốc kháng cholinergic hoặc amantadine. Tuy nhiên, bác cần đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được khám và chỉ định dùng thuốc hợp lý.

ThS. Nguyễn Hữu


Ý kiến của bạn