Vào đây, hơn lúc nào hết, chúng tôi càng thấu hiểu sự quí giá của mỗi phút giây được chợp mắt, để rồi lại lao vào công việc.
Cũng là lúc "tinh, tinh" báo hiệu có tin nhắn. Đây là tin nhắn báo về dòng tâm trạng của một anh bạn học lớn tuổi cùng lớp với tôi tâm sự về việc "Buồn vì phải ở một chỗ" vì giãn cách.
Dân y tế chúng tôi dường như có may mắn là khá nhiều bạn, nhất là bạn học, vì lúc thì phải học lớp này, lúc lại phải bổ sung lớp khác.
Bản thân tôi, ngay lúc này đang căng mình chống dịch nhưng cũng không hoãn được deadline (hạn chót) phải nộp tiểu luận cuối khóa cho một khóa học, nên vẫn phải tranh thủ những phút giây quí giá giữa những ca làm để hoàn thành mà nộp cho đúng hạn.
Thời đại công nghệ số nên qua mỗi lớp học, chúng tôi cũng dễ dàng để kết nối với nhau hơn, thông qua các group, các nhóm trên mạng xã hội.
Anh Dương, một người anh trong lớp chúng tôi, công tác ở một cơ quan nhà nước quan trọng, nhưng không thuộc ngành y tế. Cũng trong group của lớp này, chúng tôi có một người anh khác, anh Biểu, cũng lớn tuổi hơn chúng tôi, cũng là dân "nhà nước".
Có một điểm chung mà tôi nhận thấy là hai anh đều có sự nhiệt tình và đều có sức thu hút đối với mọi người trong nhóm, bằng chứng là các chia sẻ của các anh hay các status, các dòng trạng thái của các anh cũng thường nhận được khá nhiều tương tác.
Anh Biểu có kinh nghiệm sống rất dồi dào, vốn hiểu biết rất rộng và cũng tiếp cận được rất nhiều nguồn thông tin từ các kênh chính thức hoặc từ các bác sĩ nhiều kinh nghiệm là bạn của anh. Anh thường phổ biến cho mọi người trong dịp dịch bệnh này các thông tin đó, từ các phương pháp nâng cao sức khỏe, từ các bài thuốc cổ truyền, và tiềm năng ứng dụng cũng như hiệu quả của các phương pháp đó. Đây có lẽ cũng là những nỗ lực đóng góp giúp nâng cao hiểu biết về sức khỏe cho cộng đồng rất đáng hoan nghênh trong tình hình dịch bệnh lây nhiễm phức tạp như hiện nay.
Sẽ không là đáng kể gì nếu như mọi người đều tích cực như hai người anh trên đây của tôi.
Hàng ngày, khi tiếp nhận, khám chữa bệnh cho những người mắc covid-19 có tình trạng nặng và nguy kịch ở bệnh viện Hồi sức covid - 19, những người có nguy cơ bị đe dọa tính mạng bất kì lúc nào, chúng tôi luôn luôn đau đáu một điều rằng cố gắng hết sức để cứu vãn tình thế, để ngăn chặn bệnh nhân bị tăng độ nặng, để ngăn chặn điều mà chúng tôi biết là đang rất gần rồi.
Trong suốt cuộc hành trình gian nan đó, có rất nhiều lần chúng tôi phải tự nhủ: giá như cái này, giá như cái kia. Giá như người bệnh đến sớm hơn, được chăm sóc tốt hơn, giá như họ được hướng dẫn, theo dõi tích cực hơn và rất nhiều khi là giá như họ chịu tuân thủ những sự hướng dẫn, theo dõi tích cực đó của nhân viên y tế và các cơ quan chức năng. Giá như, giá như..
********
Mới hôm qua, tôi là người trực tiếp nhận điện thoại liên lạc từ khoa Cấp cứu. Ở bệnh viện này, chúng tôi được phân luồng rất nghiêm ngặt để đảm bảo phòng tránh lây nhiễm và đảm bảo hiệu quả cao nhất, phù hợp nhất cho công tác điều trị.
Người bệnh được tiếp nhận, xử trí cấp cứu và phân luồng tại khoa Cấp cứu, sau đó được chuyển đến các khoa tương ứng với tình trạng bệnh.
Khoa chúng tôi đang làm việc là khoa điều trị nội trú. Nhận điện thoại, tôi nghe rõ giọng khẩn thiết và gấp gáp của người bác sĩ cấp cứu: "Khoa em có một bệnh, nữ, 65 tuổi, tiền căn Tăng huyết áp, thở ô xy mask túi 15 lít/phút, SpO2 92-95%. Em đã liên hệ các lầu dưới nhưng không còn giường, anh cố nhận giúp em".
Tôi hiểu ngay tình huống đặt ra ở đây là có một bệnh nhân mắc covid -19 nặng, nữ, 65 tuổi, tiền sử đã được chẩn đoán và điều trị bệnh lý tăng huyết áp; hiện tại, bệnh nhân đang được áp dụng liệu pháp thở hỗ trợ ô xy bằng mask túi mức cao nhất 15 lít/phút, mức bão hòa ô xy ngoại biên chỉ đạt 92-95%.
Mask thở là một dụng cụ y tế làm bằng nhựa dẻo chất lượng cao, có hình dáng như cái mặt nạ, chụp kín cả phần mũi và miệng của người bệnh, có thể kèm theo túi dự trữ ô xy, để gia tăng khả năng đảm bảo việc cung cấp một môi trường không khí giàu ô xy nhất, liên tục, tạo thuận lợi nhất cho việc hô hấp, giảm thiểu tối đa công sức co kéo cơ hô hấp để thu hút đủ lượng ô xy theo nhu cầu của cơ thể.
Thông thường, đối với người bệnh suy hô hấp, người bệnh sẽ được cung cấp thêm ô xy bằng phương pháp thở cannula. Ống dẫn ô xy sẽ đưa được ô xy từ các phương tiện lưu trữ vào mũi của người bệnh để từ đó khí ô xy sẽ đi vào hệ hô hấp của họ qua động tác hít vào.
Tùy vào mức độ khó thở, người bệnh sẽ được cung cấp tăng cường khí ô xy với mức độ tương ứng, phù hợp với tình trạng bệnh và cơ chế gây bệnh. Với tình trạng khó thở ở mức độ nhẹ đến vừa, có thể người bệnh bệnh chỉ cần tự thở với sự hỗ trợ từ 1 - 3 lít ô xy/phút, nặng hơn nữa thì 5-7 lít/ phút. Và nếu nặng hơn nữa thì cần áp dụng thở mask, rồi thở mask có túi, ...
Và hiện tại, bệnh nhân đang được thở loại mask có túi với dòng ô xy 100%, lưu lượng ở mức tối đa nhất có thể cung cấp, nhưng độ bão hòa ô xy trong máu ngoại biên mới chỉ đạt được 92-95%. Ở người bình thường, với dòng khí trời bình thường, với nồng độ ô xy loãng chỉ bằng ⅕ như trên, không có bất kì dụng cụ hỗ trợ nào thì độ bão hòa ô xy ngoại biên phải đạt ít nhất cũng trên 95% cho đến 100%.
Theo phân độ bệnh tật, với một người bệnh cao tuổi mắc covid, nếu có bất kì yếu tố nguy cơ nào: béo phì, tiền sử bệnh nền, đáp ứng kém với liệu pháp ô xy, thì được xếp loại nhóm bệnh nặng và nguy kịch, tiên lượng nguy cơ phải thực hiện các biện pháp can thiệp hô hấp nhân tạo bằng máy rất cao.
Ngay trước mắt đối với người bệnh này thì nguy cơ cao là phải sử dụng biện pháp thở ô xy dòng cao HFNC, một biện pháp ít can thiệp sâu vào bên trong đường hô hấp của người bệnh nhằm bảo đảm sự toàn vẹn của đường hô hấp, giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm rất nhiều các biến chứng đường hô hấp khác, nhưng phải cần lượng ô xy rất lớn.
Một bệnh nhân nặng nếu phải thở HFNC với mức tối đa thì lượng ô xy mà họ cần có thể tương đương với lượng ô xy mà ít nhất 4 bệnh nhân thở mask ở mức lưu lượng tối đa hoặc hàng chục bệnh nhân khó thở ở mức nhẹ. Chúng tôi có khi nói đùa với một số đồng nghiệp tham gia điều trị covid ở những khoa mà bệnh nhân khó thở ở mức nhẹ là: "một bệnh nhân ở chỗ tôi cần lượng ô xy của tất cả bệnh nhân ở khoa cậu".
Có một điều đặc biệt ở những người bệnh mắc covid -19 nặng mà những bác sĩ nào đã trải qua quá trình điều trị cho họ thì đều chắc chắn không thể nào quên.
Đó là diễn biến của bệnh nhân có thể thay đổi cực kì đột biến, đột ngột và bất ngờ. Nghĩa là bệnh nhân có thể phút trước phút sau hoàn toàn khác nhau. Nhân viên y tế chúng tôi trong phòng điều trị lúc nào cũng căng như giây đàn bởi câu chuyện phản ứng kịp thời với những tình huống đó là hết sức quyết định.
Và chúng tôi đã tổ chức ê kíp ra đón bệnh nhân ngay từ cửa khoa chỉ trong vòng vài phút, vì từ khoa Cấp cứu, bấm thang máy là lên đến nơi ngay. Trong lúc bác sĩ đang khám, đánh giá sơ bộ tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân, các bạn điều dưỡng đã kịp thời kiểm tra mức bão hòa ô xy ngoại biên và báo: "anh ơi, SpO2 81%".
Ngay lập tức, chúng tôi không cần ai bảo ai, cứ mỗi người một việc cùng xúm vào, người thì chỉnh lại mask thở cho người bệnh, người thì chỉnh lại tư thế nằm nghiêng cho người bệnh, người đổi nguồn ô xy từ bình di động có thể tích nhỏ, áp lực thấp, sang hệ thống ô xy trung tâm gắn tường có áp lực đảm bảo và ổn định hơn, người thì lắp các thiết bị giám sát cho người bệnh, người tiếp tục đo các dấu hiệu chức năng sống còn khác, người thì hô to để chỉ dẫn cho người bệnh bình tĩnh, tập trung vào việc giữ nhịp thở và động tác thở theo sự hướng dẫn của bác sĩ, …
Tất cả tập trung cao độ, phối hợp nhịp nhàng, nhanh mà chính xác, trong yên lặng, chỉ có tiếng ra y lệnh dứt khoát của bác sĩ và tiếng hướng dẫn người bệnh thở cho đúng cách.
********
Sau khi tình trạng ổn định trở lại, bệnh nhân kể: "Tui bị ho, đau họng 1 tuần rồi".
Bác sĩ: "Cô có đi khám bệnh ở đâu không?"
Bệnh nhân:" Mới đầu, tui nghĩ là mình bị viêm họng bình thường nên không đi khám …. mà tự uống thuốc ở nhà thôi …..Hôm sau thấy đỡ ngay nên cứ tưởng khỏi rồi .... Mấy hôm nay thấy mệt nhiều, khó thở …. thì tui mới đến trạm y tế khám và được …. chuyển luôn lên bệnh viện Dã chiến". Bệnh nhân vừa kể vừa phải nghỉ ngắt quãng xen giữa những câu nói để thở.
Bác sĩ: "Cô nằm ở bệnh viện Dã chiến mấy ngày?"
Bệnh nhân: "Không. … Họ chuyển lên đây luôn…"
Như vậy là khi bệnh nhân đến khám đã được các bác sĩ nhận định tình trạng bệnh nặng nên chuyển ngay lên tuyến trên và cuối cùng là vào thẳng bệnh viện hồi sức. "Giá như. Cô ơi, giá như cô đến khám ngay hoặc liên hệ ngay với nhân viên y tế ở cơ sở từ những ngày đầu?", tôi thầm tiếc nuối.
*********
"Tinh, tinh". Điện thoại lại vang lên biểu tượng đồng cảm của mọi người với dòng status của anh Dương. Tôi cũng hiếm có dịp tham gia với nhóm lắm, nhưng hôm nay tự cảm thấy cần thiết:
"Buồn vì phải ở một chỗ thì dĩ nhiên rồi. Nhưng dịch bệnh là có thể phòng tránh được. Phải làm sao ư? Câu trả lời không kém phần đơn giản là:
Ai ở đâu ở yên đấy
Ai có lịch thì đi tiêm"
Rất mong là anh Dương và các anh chị sẽ không phật ý vì phần nhắn tin có đôi phần cụt lủn của em.
Đó là "bí quyết chiến thắng covid" mà những người trong tâm dịch như chúng em rất mong được các anh, chị với tầm ảnh hưởng của mình, hãy lan tỏa cho cộng đồng, hãy "share" rộng rãi hơn nữa những năng lượng tích cực của các anh chị nhé ạ.
Em không thể nói nhiều vì phải đi giao ca, đồng nghiệp em đang mong chờ! "Cầu mong sức khỏe cho tất cả mọi người, ai có vấn đề sức khỏe gì hãy liên hệ ngay với nhân viên y tế hoặc đến bệnh viện sớm nhất khi có thể nhé ạ".