Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Birmingham và Đại học Hoàng gia London vừa công bố kết quả nghiên cứu của họ khi so sánh nhóm người cao tuổi suốt đời tập luyện và những người cùng tuổi phần nhiều né tránh lối sống tích cực vận động. Kết quả thật đáng ngạc nhiên: Những người chăm vận động kìm chân có hiệu quả quá trình lão hóa, thí dụ, họ không bị teo cơ và duy trì nồng độ cholesterol bình thường, có hệ miễn dịch khoẻ mạnh, phòng ngừa bệnh tật… hơn những người lười vận động.
Trẻ hóa khả năng miễn dịch
Nhóm nghiên cứu đã mời 125 người (nhóm 1) tuổi 55-80 (84 đàn ông, 41 phụ nữ) tham gia thí nghiệm. Tất cả đều là những người hâm mộ xe đạp, thường xuyên tổ chức các chuyến đạp xe đường trường. Tiêu chuẩn chính để được nhận vào chương trình nghiên cứu là: Nam giới vượt 100km bằng xe đạp trong thời gian dưới 6,5 giờ, phụ nữ - 60km trong thời gian dưới 5,5 giờ. Những người này không được nghiện thuốc lá, nghiện rượu hay bị tăng huyết áp…
Tất cả tình nguyện viên đều trải qua những trắc nghiệm rất chi tiết trong phòng thí nghiệm. Kết quả được so sánh với (nhóm 2) là 75 người khỏe mạnh, nhóm tuổi 57-80, nhưng không tập luyện thường xuyên - không đi xe đạp, không tham gia hoạt động thể thao khác và (nhóm 3) là 55 người trẻ khỏe, tuổi 20-36.
Kết quả cho thấy, những người nhóm 1 có hệ miễn dịch tốt hơn hẳn nhóm 2 và tương đương với nhóm 3.
Đi xe đạp, một trong nhiều dạng hoạt động thể chất giúp tăng cường thể lực, phòng tránh bệnh tật, đẩy lùi lão hóa.
Lý giải khoa học
Để lý giải thực tế thường xuyên tập thể dục bằng đi xe đạp duy trì phong độ người cao tuổi, các nhà khoa học Anh tập trung nghiên cứu tế bào bạch huyết T (Lymphocyte T). Tế bào bạch huyết T là thành phần chính của hệ miễn dịch. Chúng được tạo ra trong tuyến ức - cơ quan nằm bên trong vòm ngực, sau xương ức, bắt đầu dần thoái hóa, sau tuổi 30.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, tuyến ức của những người thường xuyên vận động (đi xe đạp), cho dù teo dần vì lý do tuổi tác nhưng thực tế vẫn sản xuất một số lượng tế bào bạch huyết T. Số lượng tế bào này có sự khác biệt rõ rệt giữa các tình nguyện viên nhóm 1 và những người cùng tuổi lười vận động (nhóm 2). Ở nhóm 2, các nhà khoa học thấy số lượng tế bào bạch huyết T. ít hơn hẳn.
Thực tế cho thấy, những người cao tuổi thường xuyên tập luyện không ghi nhận hiện tượng teo cơ hoặc giảm lực cơ bắp. Đối với các cụ ông, nhóm nghiên cứu còn phát hiện nồng độ testosteron được tạo ra trong cơ thể họ không giảm. Hormon giới tính này vẫn duy trì ở mức tương đối cao. Điều này có nghĩa, nhờ hoạt động thể chất tích cực, các cụ ông không gặp phần lớn hậu quả và triệu chứng khó chịu của mãn dục nam.
GS. Janet Lord (Đại học Birmingham) đồng tác giả công trình nghiên cứu cho biết: Khi bước vào thập niên thứ 3 cuộc đời, hệ miễn dịch của chúng ta đạt mức hoàn thiện tối đa. Tuy nhiên, sau tuổi 30 năng lực của nó bắt đầu suy giảm, xấp xỉ với tốc độ 2-3%/năm. Chính vì thế, người cao tuổi dễ bị mắc các bệnh lây nhiễm cũng như một số bệnh khác như viêm khớp và ung thư. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, các cụ “nghiện” xe đạp sở hữu hệ miễn dịch khá tốt. Điều đó có nghĩa, họ có thêm lá chắn tuyệt vời bảo vệ cơ thể trước nhiều chứng bệnh.
Thực ra kết quả nghiên cứu không mới. Ngay 400 năm trước CN, Hipocrates - ông tổ Tây y đã khẳng định “hoạt động thể chất tích cực là thần dược tốt nhất cho sức khỏe”. Tiếc rằng, nhiều người quên lời tiên tri và thực hành lối sống lười vận động, hại sức khỏe.
Nhân dịp này các nhà khoa học Anh lưu ý, để đạt được phong độ như ý, hoàn toàn không cần thực hành chương trình tập luyện nặng nhọc và mỗi ngày đạp xe chinh phục hàng chục, hoặc hàng trăm kilomet… Quan trọng là mỗi người tự tìm dạng vận động thích hợp, khả dĩ mang lại cho bản thân cảm giác thoải mái, thú vị, đều đặn vài lần/tuần và dành khoảng thời gian nhất định cho sở thích này.