Hà Nội

Bí quyết sử dụng vitamin giúp cho làn da trẻ hóa

11-01-2018 13:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Da chúng ta bị lão hóa khi cấu trúc làn da “xuống cấp” dần theo tuổi tác. Đây là quá trình thoái hóa tự nhiên các chức năng tuần hoàn máu và hệ bạch huyết làm suy yếu mao mạch dưới da, hủy hoại cấu trúc nền của da, giảm sự đào thải các độc tố.

Vì sao da bị lão hóa?

Thay đổi ngoài da là một trong những biểu hiện dễ nhận biết nhất của sự lão hóa trong cơ thể. Khi càng lớn tuổi thì làn da càng khô, teo mỏng, có nhiều đốm sắc tố loang lổ và xuất hiện các nếp nhăn; da trở nên chảy xệ; râu, tóc bạc dần... là các dấu hiệu rõ ràng của sự lão hóa.

Dưới góc độ khoa học, da chịu sự tác động của nhiều yếu tố như thời gian, nội tiết, dinh dưỡng, sinh hoạt, sự ô nhiễm môi trường, stress và đặc biệt là ánh nắng mặt trời. Những yếu tố này cộng hưởng tấn công và gây hại cho làn da từ độ tuổi 20 nhưng chưa xuất hiện rõ. Từ sau tuổi 30, các dấu hiệu lão hóa dần dần biểu hiện và dễ nhận thấy bằng mắt thường khiến nhiều người cảm thấy lo ngại, mất tự tin, đặc biệt ở giới nữ. Da lão hóa bắt đâu trở nên sần sùi, khô và teo da do quá trình tái tạo da diễn ra chậm, các lớp tế bào chết tích tụ trên bề mặt da lâu hơn, lớp tế bào da mới kém phát triển. Da mỏng dần và mất độ đàn hồi do giảm tái sinh collagen và elastin, các nếp nhăn và mảng sạm da xuất hiện nhiều, đặc biệt ở khu vực gò má và xung quanh hai mắt.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây lão hóa da. Chúng ta không thể can thiệp vào quá trình lão hóa tự nhiên theo thời gian hay "lão hóa nội tại" như: xơ mỡ mạch máu, tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh gan mật, béo phì, suy dinh dưỡng, mất ngủ, stress... Nhưng chúng ta có thể chủ động làm chậm quá trình lão hóa da do tác động của một số nguyên nhân làm cho da lão hóa sớm hay “lão hóa ngoại lai", như: thường xuyên bảo vệ da tránh ánh nắng mặt trời; không hút thuốc; giảm uống rượu bia; chế độ ăn cân bằng dưỡng chất có lợi cho sức khỏe; thường xuyên tập thể dục; làm sạch da nhẹ nhàng; rửa sạch da sau khi đổ mồ hôi nhiều; dùng kem dưỡng ẩm; Ngừng sử dụng các sản phẩm chăm sóc da gây kích ứng; tránh căng thẳng; Ngủ đủ giấc…

Nhiều sản phẩm được cho là có thể giúp làm giảm nếp nhăn, hồi sinh làn da bị lão hóa... nhưng Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chỉ phê duyệt một vài loại có tác dụng ngăn ngừa ánh nắng mặt trời làm hư hỏng da hoặc gây lão hóa da. Nhiều phương pháp điều trị khác nhau có thể làm dịu làn da khô và giảm sự xuất hiện của các đốm đồi mồi.

Các vitamin giúp ngăn ngừa lão hóa da sớm

Như đã trình bày chúng ta không thể can thiệp vào quá trình lão hóa tự nhiên theo thời gian hay "lão hóa nội tại" nhưng chúng ta có thể chủ động làm chậm quá trình “lão hóa ngoại lai” do tác động của một số yếu tố làm cho da lão hóa sớm bằng các phương pháp phòng tránh, trong đó có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Một số vitamin được xem có vai trò hữu ích góp phần ngăn ngừa tình trạng sớm lão hóa da.

Vitamin A: Vitamin A hay retinol,  có nhiều trong gan, thịt, cá, cà chua, rau dền, cà rốt, súp lơ xanh, bí đỏ, cà chua, đu đủ, gấc, dưa hấu… được coi là loại chất chống lão hóa da tốt nhất. Đây là một vitamin tan trong chất béo được sử dụng để giúp duy trì tuổi thanh xuân cho làn da, hỗ trợ sự phát triển của các tế bào da, giúp giảm sự xuất hiện của nếp nhăn bằng cách tăng sản xuất bã nhờn, tạo làn da tươi mới, mềm mại, trẻ trung. Vitamin A còn có tác dụng kích thích sự liền sẹo và ngừa các bệnh của da.

Vitamin B1: Vitamin B1 hay thiamine, có thể làm sáng da, giúp cơ thể săn chắc, trẻ lâu. Vitamin B1 giúp quá trình chuyển hóa đường thành năng lượng trong cơ thể nhanh hơn, đồng thời làm cân bằng hệ thống thần kinh, tốt cho hoạt động của não, tim và gan. Vitamin B1 có nhiều trong cám gạo, thịt, lòng đỏ trứng, măng tây, ngũ cốc tổng hợp, men bia.

Vitamin B2: Vitamin B2 hay riboflavin, có tác dụng giúp duy tri độ ẩm cho da, chống lão hóa sớm. Thiếu hụt vitamin B2 sẽ gây ra các bệnh về da như môi, lưỡi nứt nẻ, đỏ cánh mũi, da mặt nhăn, mắt kém và móng tay dễ bị gãy. Vitamin B2 có nhiều trong gan động vật, cá, sữa, trứng, bơ, chuối...

Vitamin B3: Vitamin B3 hay niacinamide, là một dưỡng chất vô cùng quan trọng, đặc biệt là với làn da khô và nhạy cảm, giúp tăng cường độ ẩm của da, chống dị ứng, giảm các vết mẩn đỏ trên da. Vitamin B3 được chứng minh là tăng cường sự sản xuất ceramide và axit béo, hai hợp chất quan trọng đóng vai trò bảo vệ da. Khi có lớp màng bảo vệ da tốt hơn, da sẽ có khả năng hút ẩm và đẩy chất thải trên da tốt hơn.

Vitamin B5: Vitamin B5 hay axit pantothenic có tác dụng chống da khô, lão hóa. Ngoài ra, vitamin B5 còn tác dụng phòng tránh bệnh rụng tóc. Vitamin B5 phục hồi độ pH cho da, điều này làm cho làn da mềm mại, dẻo dai và giữ ẩm. Các nếp nhăn và khô sạm da sẽ bị mờ đi sau vài tuần dùng vitamin B5 bổ sung. Vitamin B5 có nhiều trong tôm, các loại hải sản, rau xanh, nấm.

Vitamin B12: Vitamin B12 hay cyanocobalamin giúp da ngậm nước, giữ ẩm cho da và giúp da tránh khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, chống lão hóa sớm... Vitamin B12 có nhiều trong các sản phẩm sữa, cá biển và đậu nành.

Vitamin C: Vitamin C hay axit ascorbic, có tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất các gốc tự do, bảo vệ acid béo không no của màng tế bào, đồng thời giúp tái sử dụng vitamin E là chất chống ôxy hóa chính của màng tế bào. Vitamin C có thể ngăn sự hình thành và giúp làm mờ sắc tố melanin, làm tăng sự sản xuất collagen cho da, kích hoạt quá trình làm mới làn da và làm tăng độ đàn hồi bị mất, chữa lành sẹo lõm hoặc tái tạo da sau quá trình bị mụn.

Vitamin C không chỉ mang lại lợi ích làm sáng da mà còn là một chất chống oxy hóa rất mạnh, làm giảm sự xuất hiện của nếp nhăn. Thiếu vitamin C có thể gây xuất huyết, da khô và sần sùi, tăng sừng hóa ở nang lông. Vitamin C giúp điều trị da bị tổn thương do tác hại của ánh nắng, duy trì vẻ đẹp, gia tăng tuần hoàn máu, lấy đi oxygen hoạt hóa vá ngăn chặn tình trạng lão hóa da.

Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây tươi như cam, chanh, quít, sơ ri, cóc, ổi, bưởi, táo, xoài, dưa hấu, đu đủ… và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, rau cải, cà chua, khoai tây…

Vitamin E: Vitamin E hay tocopherol, có vai trò chống ôxy hóa bằng cách ngăn ngừa hay làm gián đoạn những phản ứng tạo ra các gốc tự do, được xem là “thần dược” giúp chị em giữ gìn sắc đẹp và duy trì nét thanh xuân của mình. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất này sẽ mau chóng có được một làn da tươi trẻ, mịn màng.

Vitamin E được kết hợp với vitamin C sẽ có tác dụng như một chiếc áo giáp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.  Ngoài ra, vitamin E có tác dụng ổn định các màng sinh học, tái tạo và phục hồi các tế bào da bị hư tổn, giúp làm sạch và kháng viêm hiệu quả. Vitamin E được sử dụng trong rất nhiều loại mỹ phẩm làm đẹp da , chống lão hóa .

Vitamin H: Vitamin H, hay biotin – vitamin B7, thuộc nhóm vitamin tan trong nước, có nhiều trong gan bò, sữa, cá, lòng đỏ trứng, chuối, khoai tây….giúp cho làn da khỏe mạnh và rạng rỡ. Thiếu hụt biotin có thể dẫn đến da khô và tróc vảy.

Vitamin K: Vitamin K hay phylloquinone (Vitamin K1); menaquinone (Vvitamin K2),là loại vitamin tan trong chất béo, có thể giúp xóa mờ quầng thâm dưới mắt. Các mao mạch dễ vỡ làm máu thoát ra dưới da là một trong những nguyên nhân gây mắt thâm quầng và vitamin K giúp giảm hiện tượng này bằng cách kiểm soát sự đông máu. Một nghiên cứu cho thấy dùng kem chứa vitamin K và A liên tục trong vòng 4 thángcó thể giúp quầng thâm trên da giảm đi. Có thể bổ sung vitamin K thông qua các loại dầu thực vật, xà lách, hành, cần tây, thì là…

Selenium: Vai trò quan trọng nhất của selenium là chống oxy hóa. Chức năng chủ yếu của chất khoáng vi lượng này là tham gia vào thành phần của men glutathione peroxidase, men này hoạt động cùng với vitamin E nhằm ngăn ngừa và bảo vệ sự tổn thương màng tế bào bởi các gốc tự do. Nồng độ selenium thấp là yếu tố nguy cơ cao của bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh viêm nhiễm và nhiều tình trạng bệnh lý khác có liên quan đến các tổn thương do tăng gốc tự do oxy hóa, gồm cả lão hóa sớm và hình thành đục thủy tinh thể.

Selenium không được sản sinh trong cơ thể, nhưng rất cần thiết cho họat động của tuyến giáp và chức năng của hệ miễn dịch. Selenium được tìm thấy trong đất và có tự nhiên trong các loại thực phẩm  như ngũ cốc nguyên hạt, hạt hướng dương hải sản.


BS.Lê Đức Thọ
Ý kiến của bạn