Bí quyết nuôi dưỡng con thành thần đồng

26-11-2014 14:36 | Đời sống
google news

Quan điểm đứa trẻ thông minh là có chỉ số IQ cao, luôn đạt điểm cao, dẫn đầu các môn logic, toán học, theo Thomas Amstrong là phiến diện.

Chuyên gia này cho rằng chỉ số IQ không nói lên được tất cả khả năng của con người, mà trí thông minh chính là khả năng tạo ra sản phẩm cho một nền văn hóa nào đó. Theo ông, con người có 8 dạng trí thông minh khác nhau.

Thomas Amstrong - tác giả của 15 đầu sách về trí thông minh, thần kinh và giáo dục (trong đó 3 cuốn 7 loại hình thông minh, Bạn thông minh hơn bạn nghĩ và Hành trình của cuộc đời đã được xuất bản tại Việt Nam).

Giới thiệu học thuyết 8 loại hình trí thông minh tại TP HCM chiều 24/11, tiến sĩ Thomas Amstrong với tư cách là Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và Phát triển con người Mỹ, dẫn trường hợp nhà vật lý Albert Einstein vốn chậm nói, kình ngư Micheal Phelps bị rối loạn tăng động, kém tập trung. Họ là hai trong nhiều tấm gương thuở nhỏ đều là học sinh kém ở trường nhưng tài năng của họ sau này được cả thế giới công nhận.

Học thuyết 8 loại hình thông minh ra đời từ năm 1983 tại Mỹ, do nhà tâm lý Howard Gardner nghiên cứu ban đầu. Nhiều năm sau, Thomas Armstrong đã phát triển và phổ biến ra cộng đồng. Ông cho biết, con người từ khi sinh ra đã có thể sở hữu một hay nhiều các loại hình trí thông minh, bao gồm ngôn ngữ, logic toán học, không gian, âm nhạc, khả năng vận động cơ thể, năng lực tương tác, năng lực tự nhận thức bản thân, tự nhiên.

Thông minh ngôn ngữ là năng lực sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt, tranh luận, thuyết phục, hướng dẫn có hiệu quả. Đây là tố chất không thể thiếu của các MC, biên tập viên, nhà báo, nhà văn, luật sư, các diễn giả, giáo viên…

Thông minh logic toán học là năng lực xác định nguyên nhân chuỗi các sự kiện, cách tư duy theo dạng nguyên nhân - kết quả, khả năng sáng tạo các giả thuyết. Đây là phẩm chất cần có của các nhà kinh doanh, luật sư…

Thông minh không gian là sự nhạy cảm sắc bén với những chi tiết cụ thể trực quan, suy nghĩ bằng hình ảnh, hình tượng, có khả năng cảm nhận, chuyển đổi và tái tạo những góc độ khác nhau của thế giới không gian bằng hình ảnh đồ họa. Đây là phẩm chất của những họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, phi công, nhà nhiếp ảnh…

Thông minh về âm nhạc là khả năng cảm nhận, thưởng thức và tạo ra các nhịp điệu. Những người có năng khiếu này sẽ dễ dàng trở thành nhạc sĩ, ca sĩ…

Khả năng vận động cơ thể là loại thông minh của chính năng lực cơ thể, điều khiển các hoạt động thân thể của con người và thao tác cầm nắm các vật thể một cách khéo léo. Đây là tố chất cần có của các vận động viên thể thao, bác sĩ phẫu thuật, thợ cơ khí…

Năng lực tương tác là khả năng hiểu, cảm nhận, làm việc và tương tác tốt với người xung quanh. Có khả năng nhìn sự việc dưới góc độ, quan điểm của người khác. Những người có trí thông minh này sẽ thành công trong công việc bác sĩ tâm lý, nhà kinh doanh, giám đốc điều hành, người quản lý….

Thông minh tự nhiên là trí tuệ nhạy bén, tinh thông việc nhận dạng và phân loại vô số chủng loại động thực vật trong môi trường. Đây là đặc tính không thể thiếu ở những nhà nông lâm nghiệp, những nhà sinh học, nhà môi trường…

Đặc biệt, năng lực tự nhận thức bản thân còn gọi là trí thông minh nội tâm, có thể dễ dàng hiểu rõ những cảm xúc của bản thân. Theo Amstrong, đây là loại hình thông minh quan trọng nhất, bởi nếu có các trí thông minh kia nhưng không biết mình là ai thì cũng khó có thể thành công.

Mỗi người khi sinh ra đều có 8 dạng trí thông minh nhưng có thể nổi trội ở một vài dạng. Một số dạng trí thông minh có thể phát triển trước, một số có thể phát triển sau, do đó việc nuôi dưỡng hàng ngày, có giáo viên tốt, có môi trường khích lệ là rất quan trọng. Các loại hình trí thông minh thường tương tác với nhau, dù trong cuộc sống có thể ta sử dụng từng dạng. Khuyến khích phát triển trí thông minh chính là làm giàu khả năng của bộ não, được tương tác với môi trường thích hợp sẽ giúp não bộ phát triển.

Bác sĩ Thái Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM cho biết, trí thông minh của một người chịu ảnh hưởng của ba yếu tố: di truyền, dinh dưỡng và giáo dục. Mỗi một yếu tố đều quan trọng như nhau, rất khó để phân định tỷ lệ là bao nhiêu phần trăm. Trong khi di truyền là không thể can thiệp thì yếu tố môi trường như dinh dưỡng và giáo dục là phần mà cha mẹ có thể can thiệp nhiều nhất.

Từ đó, tiến sĩ Amstrong cũng như bác sĩ Thủy khuyên cha mẹ nên có cách giúp con mình phát triển trí thông minh hiệu quả nhất.

Để nhận ra tiềm năng của con, cha mẹ cần chú ý quan sát con và trả lời 2 câu hỏi: "Điều gì làm bé hứng thú, đam mê nhất?" và "Điều gì bé thường chọn làm khi không có sự can thiệp nào của người lớn?".

Từ 1-3 tuổi trẻ sẽ có những biểu hiện đầu tiên về tố chất, loại thông minh để cha mẹ có thể nhận ra và phát triển. Việc phát triển các dạng trí thông minh trong ba năm đầu đời là rất quan trọng, vì đây là giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất. Cha mẹ cần chú ý quan sát, theo dõi trẻ để không bỏ lỡ những dấu hiệu ban đầu này.

Cha mẹ có thể phát hiện và phát triển trí thông minh của con qua các loại hình đơn giản: Đọc sách nói chuyện cùng con để phát triển ngôn ngữ, chơi các đồ chơi đo đếm, phân loại, lựa chọn để phát triển logic, hoạt động ngoài trời để phát triển vận động, học nhạc không chỉ phát triển âm nhạc mà còn phát triển cả ngôn ngữ, số học.

Dưới 6 tuổi, trẻ cần được chơi để phát triển vận động. Sau đó, trẻ cần được học các kỹ năng để phát triển. Dưới 10 tuổi, khả năng học ngôn ngữ của trẻ sẽ tốt nhất. Đến tuổi vị thành niên, trẻ học phát triển thông qua xã hội, cảm xúc. Ở giai đoạn tiền trưởng thành, trẻ cần được học kỹ năng sống độc lập.

Quan sát trẻ chơi, cha mẹ có thể phát hiện được khả năng của con - Ảnh: Kim Kim.

Mỗi đứa trẻ có thể nổi trội ở một vài trí thông minh nào đó. Vì thế cha mẹ không nên ép con phải thông minh theo mong muốn của mình, hãy để con được phát triển tự nhiên. Khi được làm đúng với thiên hướng và niềm đam mê của mình, người ta sẽ thành công hơn rất nhiều.

Khi phát hiện trẻ có một vài trí thông minh đặc biệt, bên cạnh việc hỗ trợ bé phát huy những khả năng đó, cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện. Càng có nhiều khả năng, trẻ càng có nhiều cơ hội thành công trong tương lai hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần cung cấp đủ dưỡng chất để trẻ luôn sẵn sàng phát huy tốt các loại hình thông minh của mình. Không chỉ phát triển về trí não, trẻ cũng cần phát triển tầm vóc, tiêu hóa và miễn dịch. Để trẻ vượt trội và dẫn đầu, tập trung phát triển trí não là chưa đủ. Dinh dưỡng cho trẻ cần có sự kết hợp của tất cả các yếu tố này.

Phát triển hệ miễn dịch giúp bé khỏe mạnh hơn, gia tăng khả năng có thể tiếp xúc, cơ hội học hỏi với môi trường bên ngoài. Chú trọng hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ cho bé hấp thụ tốt, quá trình tiêu hóa được cải thiện, tối ưu chất dinh dưỡng có lợi cho sự phát triển trí thông minh ở trẻ. Người ta vẫn nói, khi khỏe mạnh ta có hàng trăm ước mơ, nhưng lúc bệnh tật chỉ có một ước mơ duy nhất là khỏe mạnh.

 

 


Ý kiến của bạn