Hà Nội

Bí quyết ngăn ngừa bệnh lậu ở chị em

22-10-2018 15:01 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh do Neisseria gonorrhoeae gây ra, đó là một loại vi khuẩn có thể phát triển và sinh sôi dễ dàng ở nơi ấm, ẩm của đường sinh dục, bao gồm cổ tử cung, tử cung và ống dẫn trứng ở phụ nữ và ở niệu đạo cả nữ và nam. Vi khuẩn cũng có thể phát triển trong miệng, họng, mắt và hậu môn.

Các triệu chứng của bệnh lậu

Lậu lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dương vật, âm đạo, miệng và hậu môn. Sự phóng tinh dịch sẽ không làm lây truyền vi khuẩn lậu. Lậu cũng có thể lây từ mẹ qua con trong lúc sinh thường. Người bệnh lậu đã được điều trị vẫn có thể bị tái nhiễm nếu họ quan hệ tình dục với người đang bị bệnh lậu. Bất kỳ người nào có hoạt động tình dục đều có thể bị bệnh lậu.

Một số nam giới bị nhiễm lậu không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, một số người có các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện 1 - 14 ngày sau nhiễm bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng đó là: cảm giác nóng rát ở đường tiểu, hoặc dịch  tiết ở dương vật có màu trắng, vàng hoặc xanh lá. Một vài người bị đau, sưng tinh hoàn. Ở phụ nữ, triệu chứng nhiễm bệnh thường nhẹ nhàng hơn, nhưng đa số họ không có triệu chứng. Ngay cả khi người phụ nữ có triệu chứng, thì họ thường hiểu nhầm đó là triệu chứng của nhiễm khuẩn bàng quang, âm đạo. Triệu chứng và dấu hiệu đầu tiên bao gồm cảm giác đau rát khi đi tiểu, tăng tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu giữa chu kỳ. Phụ nữ bệnh lậu có nguy cơ làm tăng các biến chứng nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Các triệu chứng nhiễm khuẩn hậu môn ở cả nữ và nam gồm tiết dịch, đau hậu môn, chảy máu hoặc đau khi có nhu động ruột. Nhiễm khuẩn họng như đau họng nhưng thường không có triệu chứng.

Một số hình ảnh bệnh lậu giang mai ở các bộ phận.

Một số hình ảnh bệnh lậu giang mai ở các bộ phận.

Nhiều biến chứng nghiêm trọng

Bệnh lậu nếu không điều trị sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho cả nam  lẫn nữ. Ở phụ nữ, bệnh lậu là một nguyên nhân phổ biến gây viêm vùng chậu. Các triệu chứng có thể lặng lẽ, nhẹ hoặc cũng có thể rất trầm trọng, gồm đau bụng và sốt. Viêm vùng  chậu có thể dẫn đến áp-xe cơ quan bên trong hoặc khi kéo dài sẽ dẫn đến đau vùng chậu mạn tính. Viêm vùng chậu có thể phá hủy ống dẫn trứng dẫn đến hiếm muộn hoặc tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung là một tình trạng  đe dọa cuộc sống khi trứng thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung, thường gặp ở ống dẫn trứng. Ở nam, bệnh lậu có thể gây viêm mào tinh dẫn đến hiếm muộn nếu không điều trị. Lậu cũng có thể vào máu và các khớp, lúc này điều kiện sống thật sự bị đe dọa. Thêm vào đó, người bệnh lậu cũng có thể dễ dàng bị nhiễm HIV-virut gây bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Người bệnh HIV bị bệnh lậu có thể lây truyền HIV cho người khác dễ hơn nhiều so với những người không bệnh lậu.

Đối với phụ nữ mang thai  khi bị nhiễm bệnh lậu, có thể lây nhiễm cho con trong quá trình sinh ngả âm đạo. Em bé sinh ra có thể bị mù, nhiễm khuẩn khớp hoặc nhiễm khuẩn máu. Điều trị lậu càng sớm cho thai phụ càng giảm nguy cơ  bị các biến chứng này. Thai phụ nên tham khảo ý kiến chuyên gia qua việc khám bệnh, xét nghiệm, điều trị.

Chẩn đoán và điều trị

Có rất nhiều xét nghiệm thích hợp để chẩn đoán lậu. Mẫu xét nghiệm được lấy từ cơ quan bị nhiễm như: cổ tử cung, niệu đạo, hậu môn hoặc họng, sau đó gửi đến phòng xét nghiệm phân tích. Lậu hiện diện ở cổ tử cung hoặc niệu đạo có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu. Nhuộm gram là một xét nghiệm nhanh tìm vi khuẩn lậu.

Kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn lậu ở vị thành niên và thanh niên. Tuy nhiên, lậu kháng thuốc đã xuất hiện và ngày càng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Mỹ. Vì thế vấn đề điều trị lậu thành công trở nên ngày càng khó khăn. Người bệnh lậu nên được xét nghiệm thêm các bệnh lây truyền qua đường sinh dục khác. Rất quan trọng trong việc uống tất cả các thuốc được kê toa để tiêu diệt lậu. Mặc dù việc điều trị sẽ làm ngừng nhiễm khuẩn, tuy nhiên không thể phục hồi lại sự phá hủy mà bệnh gây ra. Người bệnh nhiễm lậu và đã được điều trị vẫn có thể nhiễm bệnh trở lại nếu họ quan hệ tình dục với người bị bệnh lậu. Nếu vẫn còn triệu chứng sau khi đã được điều trị, người bệnh nên trở lại bác sĩ để khám.

Làm cách nào ngăn ngừa bệnh lậu?

Cách chắc chắn nhất để tránh bị truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục là không quan hệ tình dục, hoặc quan hệ một vợ một chồng với điều kiện người vợ (hoặc chồng) đã được xét nghiệm không nhiễm bệnh. Dùng bao cao su đúng cách có thể làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh lậu. Bất kỳ triệu chứng nào ở đường sinh dục như tiết dịch hoặc đau khi đi tiểu hoặc đau họng đều được nên xem là một dấu hiệu để ngừng quan hệ tình dục và đến bác sĩ khám ngay lập tức. Khi một người được chẩn đoán và điều trị lậu, người bệnh nên thông báo cho tất cả những người quan hệ tình dục gần đây để họ cũng đi bác sĩ khám và điều trị. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng cho họ và cũng sẽ giảm nguy cơ bị tái nhiễm bệnh. Người bệnh và những người quan hệ tình dục với họ cũng nên tránh quan hệ tình dục cho tới khi việc điều trị bệnh hoàn tất và tất cả họ đều không còn triệu chứng nữa.

Ths.BS. Nguyễn Thị Lan
Ý kiến của bạn