1. Lựa chọn nguyên liệu
Trong các bữa ăn chay, do nguyên liệu thường thiếu nhóm thực phẩm từ động vật nên để đảm bảo đầy đủ dưỡng chất, cần phối hợp nhiều loại thực phẩm khi chế biến. Ví dụ nấu nước dùng cần sử dụng đa dạng các loại củ quả như cà rốt (củ đậu), su su, mía lau, củ cải muối, lê… sẽ ngon và đảm bảo dinh dưỡng hơn là chỉ dùng một loại, hay các món xào cần kết hợp nấm, đậu, vài thứ rau hoặc củ.
Thịt là thực phẩm làm tăng cảm giác ngon miệng và giúp món ăn thêm đậm đà. Vì vậy khi nấu món chay, bạn hãy lựa chọn nhiều thực phẩm thay thế thịt để món chay không nhạt nhẽo, đảm bảo sự ngon miệng. Vị ngọt thịt có nhiều trong măng tây, cà chua, tảo biển, đậu, bắp và hành tây - hãy chú ý sử dụng chúng trong các món chay nhé!
Sử dụng những thực phẩm hơi dai vừa no lâu, vừa tạo cảm giác như nhai thịt làm nguyên liệu cho các món chay sẽ làm người ăn hứng thú hơn. Ví dụ: mỳ căn, đậu hũ chiên hoặc nướng, các loại đậu, măng khô, ngũ cốc nguyên hạt, đặc biệt là các loại nấm…
Ăn chay khiến nhiều người e ngại vì cho rằng thiếu một số khoáng chất như: kẽm, canxi, sắt… Vì vậy khi chế biến các món chay, các bạn nên lựa chọn những thực phẩm chứa nhiều khoáng chất như kẽm trong đậu, hạt (hạt dẻ, hạt điều); canxi trong bông cải xanh, cải thìa; i-ốt trong muối, tảo biển, sắt trong ngũ cốc thô, trái cây khô, các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen), đậu hũ; B12 trong sữa đậu nành, ngũ cốc.
2. Gia vị và nêm nếm
Đối với món chay, gia vị như muối, đường, nước tương, hạt nêm… chỉ là phần nền cho món ăn, nếu chỉ sử dụng những loại gia vị này thì món ăn rất đơn điệu. Vì vậy, cần sử dụng thêm gia vị tạo mùi và tạo màu để món ăn thêm đặc sắc.
Bạn có thể lựa chọn gia vị tạo mùi có nguồn gốc thực vật từ thiên nhiên như bột cà ri, bột ngũ vị hương, bột quế, tương bần, chao, dầu mè, sả, ớt, tiêu, rau thơm… giúp người ăn thêm ngon miệng, có cảm giác như đang ăn món mặn. Khi nêm nếm món chay nên sử dụng gia vị có liều lượng vừa phải, không quá gắt, nhất là các vị cay và chua.
Nguyên liệu của món chay từ đậu, bột vốn có màu sắc trắng nhạt nhẽo, vì vậy sử dụng gia vị tạo màu từ thực vật như bột nghệ, gấc, lá dứa, màu điều, cà rốt, củ dền… sẽ giúp món ăn phong phú về màu sắc và thêm hấp dẫn.
3. Cách nấu
Với nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ thực vật, việc nấu các món chay tưởng chừng đơn giản nhưng lại đòi hỏi một số bí quyết khác với cách nấu các món mặn để món ăn ngon miệng, hấp dẫn.
Khi ướp nguyên liệu để nấu, các bạn có thể ướp gia vị để món ăn thêm đậm đà, nhưng thời gian ướp không quá lâu, vì sẽ khiến thực phẩm dễ bị “ê” và giảm mất độ tươi ngon.
Trong món chay thường sử dụng rau củ quả là chính nên để đảm bảo vitamin và khoáng chất trong rau củ không bị hao hụt nhiều, cần nấu thức ăn vừa chín tới, nhất là các món rau xào, tránh nấu quá chín. Với những món hầm, kho, sau khi sôi, nhanh chóng hạ lửa để thức ăn được chín đều và không bị khô, không nên nấu thức ăn quá lâu trên lửa quá lớn.
Khi nấu các món chay, nhiều người lạm dụng việc chiên, xào. Việc sử dụng chất béo nhiều không những làm mất cân đối về dinh dưỡng, mà còn làm thực phẩm mất đi hương vị thơm ngon vốn có. Vì vậy, bạn nên hạn chế việc sử dụng chất béo khi làm các món chay.
4. Sáng tạo để chế biến món chay ngon, đẹp mắt
Nguyên liệu của món chay là từ thực vật. Nhưng với sự khéo léo của mình, các bạn có thể chế biến để món ăn hấp dẫn như những món mặn, ví dụ bạn có thể làm nem chay, thịt gà chay, giò chay... từ tàu hũ ky, các món nem từ đậu phụ, mộc nhĩ, nấm… Đặc biệt việc trang trí cho món ăn hấp dẫn với các loại rau củ sẽ giúp cho món chay của bạn trở nên ngon miệng hơn.
Mimi tổng hợp