Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã không may mắn có được các chức danh khoa học như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ, vậy nhưng kiến thức của ông, sự hiểu biết của ông và nhất là thái độ cùng lời lẽ thẳng thắn đến quyết liệt về nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt về văn hoá hay lịch sử thì khiến rất nhiều người phải kính nể, kể cả những người được coi là chuyên gia hàng đầu. Ông được Bộ Văn hoá, Hội Nhà văn, Hội đồng Lí luận, phê bình về văn học - nghệ thuật, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam… luôn mời tham luận tại các hội nghị, hội thảo khoa học. Hẳn đây là một sự đánh giá cao thực lực học vấn của ông.
Lí do gì mà dù là người không hề có bằng cấp cao nhưng Hoàng Quốc Hải lại được quan tâm, trân trọng? Chỉ có thể cắt nghĩa, ông là người thực sự có kiến thức về những vấn đề mà các cơ quan lí luận và thực hành về văn hoá, nghệ thuật, về lịch sử và các vấn đề của xã hội… đang rất quan tâm chờ đợi ở ông những đóng góp cụ thể và giải pháp khắc phục.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải tại một hội thảo về lịch sử năm 2012.
Hoàng Quốc Hải được sinh ra trong một gia đình nền nếp. Cụ thân sinh vốn là nhà nho nên ảnh hưởng nhiều đến ông, không chỉ học vấn mà còn là đạo đức, nhân cách. Để có được sự am hiểu sâu sắc, tường tận nhiều lĩnh vực, bản thân ông đã phải trải qua biết bao nhiêu năm phấn đấu tự học, học trong gia đình, trong sách vở, qua kinh nghiệm ở người này, người khác và hơn nữa, ông luôn chịu khó miệt mài đi về những vùng đất từng xảy ra các sự kiện để cập nhật thông tin, kiểm chứng sách vở, nâng cao kiến thức. Với Hoàng Quốc Hải, sự học là biển lớn, cần phải được bổ sung không ngừng. Bởi như ông quan niệm, cái tưởng đúng hôm qua chưa hẳn đã là khuôn vàng thước ngọc cho hôm nay. Đi tìm cái mới, sự thật thì không bao giờ ông quan ngại. Mấy ngày trước đây, nghe tin ông đau khớp nặng, đi lại rất khó khăn, phải người dắt hoặc chống gậy mới tự lết được mấy bước, chưa kịp thăm, điện hỏi thì ông cười bảo, đang trên Hà Giang. Thắc mắc, tuổi cao rồi, vừa ốm đau lại đang gió mùa đông bắc, trên cao nguyên đá càng rét đậm, rét hại thế, lên làm gì. Ông nói ngay, ông yên tâm đi. Tôi là người luôn biết lắng nghe cơ thể mình. Có thế nào tôi biết. Lần này đi tôi cũng đã lo đầy đủ thuốc men. Có cơ quan mời lên Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc để tìm hiểu về văn hoá người Lô Lô và Pu Péo. Thấy bệnh đã qua, lại là chuyến đi tới vùng đầy mơ ước, cơ hội không phải lúc nào cũng đến nên ông không ngần ngại. Ông còn muốn tận mắt xem trống đồng của người Lô Lô khác những gì so với trống đồng các nơi vì trước đó có nhà nghiên cứu khẳng định trống đồng nơi đây tiếng vang cũng chỉ nhỏ như tiếng đâm đuống. Ông nghe nhưng chưa vội tin nên ông đi. Với ông, khi phát biểu khẳng định điều gì thì đó đều phải là những gì chính từ kiến thức ông, mắt thấy tai nghe, không hồ đồ, võ đoán hoặc nghe lỏm. Ví như cách đây ít năm, khi đi tìm di tích đích thực về Ngoạ Vân, nơi Thượng hoàng, Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, thấy có nhiều ý kiến rất trái ngược chỉ ra địa danh này, mà ý kiến khẳng định lại đều là những nhà sử học tên tuổi hàng đầu. Kết hợp khi tìm tài liệu để viết tiểu thuyết về nhà Trần, ông đã hơn 10 lần đi về Quảng Ninh trong quãng thời gian nhiều năm, rồi với những tư liệu từ người xưa để lại trong sách Trúc Lâm tam tổ, Tam tổ hành trạng…, thận trọng hơn, ông còn tìm hiểu, tham khảo thêm cả những ý kiến qua những người dân quanh vùng rồi mới dám đi đến kết luận địa điểm chính xác của nó. Sau việc đó, ông thẳng thắn nếu ý kiến, mong sao nước ta có một đội ngũ các nhà khoa học lịch sử nghiêm túc và trung thực.
Hoàng Quốc Hải cũng là người đầu tiên dám phê phán Ngô Sĩ Liên không công tâm và dũng cảm nêu sự thật một số vấn đề của lịch sử. Trong Đại Việt sử kí toàn thư, sử gia này đã “vô luân” (chữ của Hoàng Quốc Hải) khi kết luận Nguyễn Thị Lộ là người giết vua Lê Thái Tông vào năm 1442, khi bà cùng nhà vua đi tuần thú miền Đông để rồi cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng ba đời đã bị giết hại. Trong bài tham luận tại hội thảo khoa học về Nguyễn Thị Lộ do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì, Hoàng Quốc Hải đã có nhiều lập luận khúc triết, đầy lí lẽ thuyết phục để chứng minh ngược lại, rằng có những thế lực khác đã âm mưu bày đặt để hãm hại vợ chồng quan hành khiển Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ qua vụ Lê Thái Tông với những toan tính quyền lực.
Là một nhà văn đã dành cả cuộc đời gắn bó và thành công với đề tài lịch sử khi liên tiếp cho ra mắt bạn đọc hai bộ tiểu thuyết trường thiên về hai triều đại mà ông cho là huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc, đó là các bộ Bão táp triều Trần và bộ Tám triều vua Lý. Mỗi bộ có độ dày gần 3.000 trang được ông đeo đuổi và cặm cụi tìm hiểu qua sách vở, thư tịch, cả trong các câu đối, hoành phi và qua nhiều chuyến điền dã trong suốt mấy chục năm trời. Năm 2014, ông lại cho ra mắt cuốn sách Kẻ sĩ trước thời cuộc dày 600 trang cũng dành viết về các vấn đề cùng những nhân vật lịch sử như: Thành nhà Hồ và nhân vật lịch sử Hồ Quí Li, Vũ Lâm, nơi Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật, Thuận theo lòng dân thì giữ được nước, Thái độ kẻ sĩ trước thời cuộc, Nhân cách bậc quốc sĩ…
Không chỉ viết về đề tài lịch sử, Hoàng Quốc Hải còn là người luôn quan tâm đến các vấn đề lịch sử. Mới rất gần đây, khi trả lời phỏng vấn của báo Văn Nghệ, ông đã không né tránh, không ngần ngại nêu ra sự vô trách nhiệm, thiếu thận trọng của ngành giáo dục khi định tích hợp môn lịch sử vào những bộ môn khác. Ông khẳng định: Nền giáo dục chệch hướng sẽ dẫn con tàu dân tộc trật khỏi đường ray (Báo Văn Nghệ số 51 năm 2015). Hoặc trong bài tham luận viết cho hội đồng lí luận Văn học- Nghệ thuật TW ngày 3-4/10/2015 họp tại TP. Hồ Chí Minh và được tạp chí Văn hiến Việt Nam in lại, Hoàng Quốc Hải đã kết thúc bài viết bằng những lời lẽ thẳng thắn, tâm huyết: “Sự suy thoái đạo đức và nhân cách con người và xã hội dường như đã tới giới hạn chót. Nếu không tạo ra được các giải pháp mềm góp phần ngăn chặn đà suy thoái này thì đất nước sẽ rơi vào tình thế hết sức khó khăn. Chúng tôi nhận thức rằng, cai trị đất nước cần phải có luật pháp, một thứ luật pháp phù hợp với lòng dân và được thực thi đúng đắn. Ngay điều đó dù có thực hiện được đầy đủ vẫn cần có sự hỗ trợ tối đa của các hoạt động xã hội khác mà văn học - nghệ thuật là một trợ thủ đắc lực nhất”.
Không như các nhà văn thường đã làm quen với các phương tiện hiện đại thuận lợi rất nhiều cho người viết, trước là máy chữ - nay là vi tính, Hoàng Quốc Hải gần như trong suốt hơn 60 năm cầm bút vẫn chỉ gắn bó duy nhất với cây bút máy Parker cổ điển. Dù viết ở nhà hay khi đi các trại viết Tam Đảo, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, dù có đường xa vạn dặm thì ông vẫn lỉnh kỉnh với lọ mực, cây bút máy và những thếp giấy trắng. Một ngày làm việc của ông thường kéo dài hơn 8 tiếng miệt mài đọc, viết, rồi xoá, rồi bổ sung liên tục cho đến khi hoàn toàn yên tâm về những gì mình viết ông mới dám công bố. Mà ông đâu có khoẻ. Cách đây hơn 20 năm, khi đang miệt mài những trang đầu tiên về thiên tiểu thuyết Bão táp cung đình, Huyền Trân công chúa, ông đã gặp sự cố. Đôi mắt đang yên lành của ông bỗng như mờ đi, hàng chữ viết cứ như nhảy múa trước mặt. Đi khám, đôi mắt của ông một bên chỉ còn 2/10, mắt còn lại thảm hại hơn - còn có 1/10. Ông phải nằm chữa trị trong Bệnh viện Hữu nghị hàng tháng ròng. Sau đó, ông lại phải sang Viện Mắt TW điều trị. Sau khi từ bệnh viện về, ông ý thức giữ gìn đôi mắt rất cẩn thận. Không thấy biến chứng gì, ông lại lao vào làm việc. Người khác dễ buông xuôi nhưng ông nói đang viết dở tiểu thuyết, không thể bỏ.
Hoàng Quốc Hải xác định, có bệnh thì phải cẩn thận giữ gìn, thuốc thang đầy đủ, nhưng không phải quá lo lắng vì nó. Lo nghĩ về bệnh tật mãi cũng chẳng để làm gì, thấy khoẻ thì làm việc, thấy trong cơ thể có vấn đề thì đi khám, đi chữa. Ở tuổi 80, nhiều người lụ khụ, chậm chạp nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Hàng ngày vẫn viết, vẫn đọc và có dịp cơ quan nào mời đi địa phương vẫn rất hăng hái. Ông đang chuẩn bị cho ra đời thêm tiểu thuyết mới nữa, cũng vẫn đề tài lịch sử. Bí quyết giữ gìn sức khỏe ở ông là luôn phải vận động, làm việc, nghỉ ngơi hợp lí, chăm chỉ tập thiền để giữ cho mình một tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ.