Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, đến nay người dân ở làng hương Thủy Xuân (TP. Huế) vẫn tiếp tục duy trì và lưu giữ nghề truyền thống. Với nhiều gia đình, nghề làm hương trầm được truyền từ đời này sang đời khác để làm ra những cây hương trầm thơm ngát, phục vụ cho đời sống tâm linh của người dân.
Nằm trên trục đường Huyền Trân Công Chúa, nơi có nhiều địa điểm tham quan như lăng vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, làng hương Thủy Xuân giờ đây không chỉ là một làng nghề truyền thống, mà còn là địa điểm thu hút đông đảo du khách.
Thay vì nguồn thu nhập chỉ có từ việc làm nên những cây hương, đem bán cho thương lái, những năm gần đây, các “nghệ nhân” làm hương có những thay đổi trong cách làm, kinh doanh thể nâng cao thu nhập. Họ bắt tay vào xây dựng, trang trí hàng quán cũng như trưng bày sản phẩm để làm du lịch, thu hút khách tới trải nghiệm thực tế, vừa tham quan.
Chị Nguyễn Thị Nhàn (33 tuổi) cùng gia đình từ tỉnh Hà Tĩnh vào TP. Huế du lịch. Tìm đến làng hương Thủy Xuân, chị Nhàn được thoải mái chụp ảnh cùng những “rừng hương” đầy màu sắc ở đây.
Chị Nhàn cho biết, ban đầu cứ nghĩ muốn chụp ảnh phải vào gặp chủ quán để mua vé. Thật không ngờ công sức làm hương, trưng bày cầu kỳ bắt mắt để cho mọi du khách chụp ảnh miễn phí.
"Vào thưởng ngoạn và chụp ảnh không mất một khoản tiền nào cả. Thay vì phải mua vé vào cổng, mọi người được thỏa sức tạo dáng, chụp ảnh. Trừ khi mình thuê trang phục áo dài, hoặc mua đồ lưu niệm mới phải mất tiền. Quả thực đây là một cách làm du lịch rất hay, hiệu quả khác với những nơi khác", chị Nhàn chia sẻ.
Vừa tiếp quản công việc của người mẹ chồng giao lại, chị Đỗ Lê Tú Nhi (32 tuổi, chủ cửa hàng hương Minh Trang) mạnh dạn chỉnh trang hàng quán, tạo dựng những điểm nhấn để ngoài phục vụ người dân đến trải nghiệm còn giúp họ có những góc check-in lý tưởng, ưng ý trước lúc ra về.
Chị Nhi cho biết, thời gian trước, quán chủ yếu phục vụ khách nước ngoài. Nhưng những năm gần đây, khi thấy bó chân hương đẹp mắt nên du khách trong nước tìm về làng hương nhiều hơn.
“Để thu hút du khách, quán được chỉnh trang nhiều thứ như sơn vàng các bức tường, trang trí chân hương cao hơn, treo nhiều lồng đèn, sắp xếp chân hương thành các bông hoa bắt mắt. Sau này, tôi dự định sửa sang quán khang trang hơn để có nhiều khách ghé thăm hơn”, chị Nhi nói.
Khi được hỏi về “bí quyết” thu hút khách đến với làng hương Thủy Xuân, chị Nhi chia sẻ, tới đây, du khách được trải nghiệm làm hương cũng như chụp hình hoàn toàn miễn phí.
“Việc phải vào mua vé, trả tiền để được tham quan như vậy sẽ mang tính kinh doanh nhiều hơn và ít tạo được thiện cảm với du khách. Để trả lời cho câu hỏi nếu làm như vậy, nguồn thu nhập lấy từ đâu. Đó là việc mọi người bày bán các đồ lưu niệm, cũng như dịch vụ cho thuê các trang phục đi kèm (phục vụ chụp ảnh). Nguồn thu là ở đó. Cũng vì cách làm này mà nhiều du khách khi tới đây cảm thấy ấn tượng, bất ngờ vì khác với nhiều nơi”, chị Nhi chia sẻ.
Người già, người trẻ trong những bộ cổ phục, áo dài, check-in tại làng hương.
Lãnh đạo UBND phường Thủy Xuân cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 25-30 hộ sản xuất và kinh doanh hương trầm vừa làm hương kinh doanh, vừa quảng bá sản phẩm, tạo điểm nhấn cho du khách. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận nghề làm hương trầm Thủy Xuân là nghề truyền thống của tỉnh. Việc công nhận nghề truyền thống ngoài việc bảo tồn, tôn vinh một nghề thủ công truyền thống còn nhằm khuyến khích người dân làm du lịch, tạo thêm một điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch của tỉnh.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, người dân làng hương Thủy Xuân rất sáng tạo trong việc thu hút du khách. "Lúc đầu, chỉ đơn giản là du khách vào xem làm hương, tự tay trải nghiệm làm hương. Sau này, việc sắp xếp, trưng bày các bó chân hương thành những hình bông hoa rực rỡ đã thu hút nhiều du khách, nhất là giới trẻ đến chụp ảnh. Làng hương Thủy Xuân bây giờ được xem là địa điểm du lịch hấp dẫn ở Huế, nhất là đối với giới trẻ…", ông Nguyễn Văn Phúc nói
Video: Du khách thích thú check-in làng hương nổi tiếng xứ Huế.