Trẻ biếng ăn, chậm lớn do thiếu kẽm
Ngoài nguyên nhân do trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh hô hấp, tiêu hóa… thì thiếu kẽm là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn.
Kẽm là vi chất dinh dưỡng quan trọng cho sự tăng trưởng và phân chia tế bào, kích hoạt tăng trưởng chiều cao, cân nặng và phát triển xương ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Kẽm cũng đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại nhiễm trùng. Đặc biệt, kẽm có tác dụng điều hoà vị giác và cảm giác ngon miệng…
Ngoài ra, kẽm còn giúp hấp thu và chuyển hóa các nguyên tố vi lượng khác như: magnesium (Mg), mangan(Mn), đồng (Cu)...
Trẻ bị thiếu kẽm thường có biểu hiện suy giảm tiêu thụ năng lượng như chán ăn, giảm ăn, giảm bú, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn; khó ngủ, mất ngủ, quấy khóc; hay mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa… Trẻ chậm tăng cân và chiều cao, dễ bị suy dinh dưỡng…
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn, chậm lớn
Bổ sung thực phẩm giàu kẽm
Trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi nếu bú mẹ hoàn toàn thì cơ thể bé có đủ lượng kẽm cần thiết. Khi trẻ trên 6 tháng tuổi, bắt đầu chế độ ăn dặm, cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ nên bổ sung kẽm cho bé bằng những thực phẩm tự nhiên như tôm, cua, rau bina, nấm… với lượng phù hợp hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ. Nhu cầu kẽm ở trẻ dưới 1 tuổi vào khoảng 5mg/ngày còn ở trẻ từ 1 đến 10 tuổi khoảng 10mg/ngày.
Để phát triển thể chất tốt, trẻ cần được bú mẹ đầy đủ và ăn dặm đúng cách. Chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và đa dạng thực phẩm. Bổ sung nguồn thực phẩm giàu kẽm trong bữa ăn như: tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành…
Tham khảo một số thực phẩm giàu kẽm
Tên thực phẩm ( 100mg) | Kẽm (mg) | Tên thực phẩm ( 100mg) | Kẽm (mg) |
Tôm đồng | 200 | Củ cải | 11 |
Lươn | 142 | Đậu Hà Lan (hạt) | 4 |
Cá chép | 70 | Đậu nành | 3.8 |
Hàu | 110 | Bột mì | 2.5 |
Sò | 13.4 | Khoai lang | 2.0 |
Lòng đỏ trứng gà | 3.7 | Sữa bột tách béo | 4.7 |
Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C cho trẻ biếng ăn
Vitamin C là chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch. Ngoài ra, vitamin C còn có công dụng hấp thu và phát huy tác dụng của kẽm trong cơ thể.
Vì vậy, để trẻ hấp thụ kẽm tốt nhất nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ các loại trái cây tươi giàu vitamin C như cam, chanh, quýt, bưởi, táo, dâu tây…
Lưu ý: Nếu trẻ có biểu hiện biếng ăn kéo dài, có dấu hiệu suy dinh dưỡng cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn, hướng dẫn bổ sung kẽm và có chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí lực.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội