Thời kỳ sau đẻ có thể nói là giai đoạn cuối cùng của thời kỳ mang thai, sinh nở. Trong thời gian này, sự yếu ớt của cơ thể người mẹ không chỉ biểu hiện ở chỗ các tổ chức cơ quan trong cơ thể có sự biến đổi lớn, tốn nhiều sức lực trong lúc sinh nở làm cho sức đề kháng của cơ thể mẹ giảm sút nhiều, dễ mắc bệnh cảm nhiễm, đồng thời cổ tử cung vẫn còn hé mở làm vi khuẩn dễ xâm nhập và sinh sôi nảy nở trong môi trường thuận lợi là sản dịch nên rất dễ viêm nhiễm. Do vậy, biết về các kiến thức vệ sinh khoa học, phòng ngừa bệnh tật phát sinh chính là mấu chốt để vượt qua thời kỳ sau đẻ một cách thuận lợi.
Sau khi sinh con, cần phải chăm sóc bầu vú như thế nào?
Để đảm bảo việc nuôi con bằng sữa mẹ, sau khi sinh, người mẹ phải chú ý giữ vệ sinh và chăm sóc bầu vú. Trước và sau khi cho con bú phải làm vệ sinh bầu vú và đầu vú sạch sẽ. Do sữa và mồ hôi tiết ra, có lúc trên đầu vú sẽ có cáu bẩn tích lại, nên dùng nước ấm rửa nhẹ nhàng cho đến khi sạch. Trước khi cho con bú, người mẹ phải rửa tay sạch sẽ rồi dùng khăn thấm nước đun sôi để nguội lau đầu vú, quầng vú và cả bầu vú. Nên cho con bú hết sữa, nếu trẻ không bú hết thì ấn nhẹ vào bầu vú để lượng sữa còn lại được vắt hết. Người mẹ cho con bú phải mặc áo lót phù hợp để tránh vú không bị xệ, bảo đảm lưu thông tuần hoàn máu trong bầu vú.
Cần phải đề phòng đầu vú bị nứt hay nhiễm khuẩn. Da trên đầu vú, quầng vú của người mới sinh con rất mềm và mỏng, dễ bị nứt. Khi cho con bú phải cho cả đầu vú và quầng vú vào miệng con, không nên cho con ngậm đầu vú trong miệng quá lâu. Nếu đầu vú bị nứt cần phải điều trị kịp thời để tránh bị nhiễm khuẩn, đồng thời tạm dừng cho trẻ bú cho đến khi vết nứt lành hẳn.
Bà mẹ cần vệ sinh bầu vú và đầu vú sạch sẽ trước và sau khi cho con bú. |
Vì sao phải mát-xa bầu vú?
Mát-xa bầu vú trong thời kỳ sau sinh có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và cung cấp dinh dưỡng cho bầu vú, giảm bớt hoặc loại trừ sự sưng vú. Vú bị sưng là hiện tượng rất thường gặp vào thời kỳ này, thường 3-5 ngày sau sinh, biểu hiện là vú căng cứng, da sáng bóng, đau hoặc sờ vào thấy đau, thậm chí phát sốt. Nguyên nhân của hiện tượng này là sữa tiết tốt nhưng việc thoát ra ngoài không thuận lợi. Lúc này cần phải làm cho tuyến sữa thông suốt, nếu không sẽ dễ bị nhiễm khuẩn và dẫn đến viêm tuyến vú. Phương pháp mát-xa cụ thể như sau: rửa sạch hai tay, dùng khăn mặt đã được khử khuẩn (bằng cách hấp) và vẫn còn hơi nóng đắp lên toàn bộ bầu vú, xoa bóp và ấn nhè nhẹ vào bầu vú theo hướng từ ngoài vào trong để cho sữa tiết ra, cũng có thể phối hợp dùng dụng cụ hút sữa. Có thể tự mình làm hoặc nhờ người thân làm giúp, phải chú ý không được dùng lực quá mạnh.
Làm thế nào để giữ cho tầng sinh môn sạch sẽ?
Sau khi sinh con, tầng sinh môn của phần lớn các bà mẹ đều bị rách và phải khâu. Do tầng sinh môn ở khá gần niệu đạo và hậu môn nên rất dễ bị nhiễm khuẩn và kích thích khi đi đại tiện, vì vậy, chăm sóc giữ gìn tầng sinh môn sạch sẽ là một việc làm rất quan trọng. Mỗi ngày phải dùng dung dịch phụ nữ hoặc nếu không có thì dùng nước ấm pha chút muối loãng rửa tầng sinh môn hai lần, chăm thay băng vệ sinh, sau khi đại tiện phải rửa sạch bên ngoài bằng xà phòng và nước ấm. Trước tiên là rửa âm hộ và hai âm môi, sau đó mới đến hậu môn. Không nên rửa từ hậu môn rồi mới đến âm hộ để tránh đưa những chất bẩn từ hậu môn sang âm hộ. Trong vòng 42 ngày sau khi sinh cần tránh không sinh hoạt vợ chồng. Những người bị đau nhức phần tầng sinh môn cần phải đi khám để phát hiện và điều trị sớm viêm nhiễm.
Cơ thể người mẹ sau đẻ và sự thay đổi thời tiết theo mùa
Vào mùa đông, khi người phụ nữ sinh con, nhiệt năng cơ thể bị tiêu hao rất lớn, tất cả cơ thể đều vận động, mồ hôi ra nhiều, các lỗ chân lông trên da giãn rộng, sản dịch ra nhiều, do vậy sức đề kháng của cơ thể giảm xuống rõ rệt, không thể chịu được các kích thích của gió lạnh, ẩm ướt. Lúc này, nếu không chú ý giữ ấm, tránh gió rét, các cơ quan trong cơ thể rất dễ bị đau nhức mang tính thần kinh như đau nửa đầu, đau lưng, đau chân, đau bụng. Bị lạnh còn có thể làm cho máu đẻ không thoát ra được hoặc bị cảm lạnh. Cho dù là mùa hè, người mẹ cũng không nên tắm nước lạnh, càng không nên ăn hoặc uống đồ lạnh.
Về mùa hè, nhiệt độ và độ ẩm đều cao, thời tiết nóng bức, người mẹ sau khi sinh con nếu ở trong phòng kín không thông thoáng khí, cộng thêm với quan niệm cũ truyền thống, sản phụ sinh xong phải mặc kín, người mẹ sẽ bị ra nhiều mồ hôi, thể chất yếu ớt, phòng kín sẽ khiến nhiệt lượng trong cơ thể người mẹ không có cách gì có thể tản ra được, như vậy dễ làm người mẹ bị cảm nóng.
Thời gian người mẹ phát bệnh cảm nóng rất nhanh, bắt đầu có các biểu hiện khát nước, ra mồ hôi nhiều, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, tim đập nhanh, chân tay rã rời. Lúc này, nếu không kịp thời điều trị thì nhiệt độ cơ thể người mẹ sẽ tăng cao, không ra mồ hôi nữa, đi tiểu ít, mạch đập nhanh, lơ mơ nếu nặng có thể hôn mê.
Khi người nhà phát hiện thấy người mẹ có xuất hiện một vài dấu hiệu của chứng cảm nóng, cần phải lập tức đưa người bệnh đến nơi thoáng gió, dùng các biện pháp hạ nhiệt vật lý, đắp khăn lạnh lên đầu, cho uống oresol (ORS) hoặc nước đường pha một chút muối, nếu nặng phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Để người mẹ có thể trải qua một thời kỳ sau đẻ trong mùa hè một cách thuận lợi, phòng ở cần phải thông thoáng. Khi trời quá nóng, nếu có điều kiện thì dùng điều hòa ở nhiệt độ 25-260C, nếu dùng quạt máy không nên để thổi thẳng vào người. Nhiệt độ thích hợp có lợi cho việc nghỉ ngơi, cho con bú và phục hồi sức khỏe của người mẹ.
BS. Lê Thu Hương