Hà Nội

Bí quyết giữ hôn nhân tuổi trung niên

02-12-2014 20:30 | Giới tính
google news

Tuổi trung niên là quãng thời gian khó khăn nhất đối với hôn nhân. Đây là thời điểm đem tới những gì tốt nhất và xấu nhất cho cuộc hôn nhân của mỗi người.

Những bất ổn về sức khỏe bắt đầu ghi dấu ấn lên hai vợ chồng, từ chứng thấp khớp đến bệnh tuyến tiền liệt, từ thời kỳ mãn kinh của phụ nữ đến mãn dục của nam giới.

Cộng thêm đó là sự thân quen lẫn nhàm chán lâu ngày của cuộc sống chung, những bất đồng bị tích tụ lâu năm chưa giải quyết… Mối quan hệ đã không còn những đam mê thuở trước, khiến người trong cuộc (đặc biệt là đàn ông) cảm thấy vô vị. Đây chính là lúc cần có những động thái khôn ngoan để giữ vững mái ấm của mình.

Đừng nghĩ đến hai từ “bất diệt”

Khi yêu, và nhất là khi kết hôn, chúng ta thường nghĩ đến cụm từ quen thuộc “bên nhau trọn đời”. Khi kết hôn, bạn thường nghĩ mình sở hữu người kia, cả hai sẽ sống với nhau hạnh phúc, bình yên suốt đời.

Nhưng đời không như là mơ. Trong xã hội tỷ lệ ly hôn đang ngày càng tăng lên. Việc giữ được một cuộc hôn nhân bền vững là việc rất khó khăn.

Để thích ứng với các giá trị đã thay đổi, bạn nên thay đổi ý niệm “hạnh phúc mãi mãi” thành “hạnh phúc là niềm vui mỗi ngày”. Như vậy, cuộc hôn nhân của bạn không còn là sự trói buộc trọn đời mà là nỗ lực sống hạnh phúc bên nhau của hai người yêu thương nhau.

Bạn cần hiểu là ngay cả các cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất cũng có một quãng thời gian tồi tệ.

Là bạn tốt của nhau

Khi mới bắt đầu yêu, chúng ta ngây ngất, đam mê, gắn bó, mơ mộng. Đáng tiếc cảm giác này không giữ được lâu dù chúng ta luôn muốn như thế.

Tuy vậy, tình yêu không phải là một ảo tưởng, chỉ có chúng ta là ảo tưởng. Khi yêu, chúng ta bỏ qua những lỗi lầm, khuyết điểm của người kia, nghĩ rằng vì tình yêu mà mình có thể chịu đựng tất cả. Nhưng theo thời gian, chúng ta đã cạn kiên nhẫn.

Có những người đối phó với điều này bằng cách lờ nó đi, người khác chỉ trích và hy vọng bạn đời thay đổi. Nhưng hãy tập trung vào những gì bạn thích thay vì những gì bạn không thích.

Tiêu cực sẽ sản sinh ra tiêu cực. Bạn nên tìm cách giao tiếp, khuyến khích và tạo những quãng thời gian vui vẻ chung với nhau. Hãy là những người bạn tốt để có cuộc hôn nhân tốt.

Yêu bạn đời như yêu một đứa con

Các bà vợ hay phàn nàn rằng “như thể tôi có thêm một đứa con to xác trong nhà”. Các nghiên cứu đã chỉ ra là chúng ta đều cần ở người bạn đời tình thương mà cha mẹ dành cho con cái.

Nhà tâm lý học xã hội Phil Shaver và Cindy Hazan ở đại học Denver (Mỹ) đã phát hiện ra rằng tình yêu nam nữ bao gồm cả những sắc thái và nhu cầu khi ta còn nhỏ, đó là sự gắn bó và dựa dẫm.

Mỗi một người đều có nguyện vọng được gần gũi, yêu thương, mong chờ nhận được thái độ đồng tình, ủng hộ và an ủi của người bạn đời trong mọi vấp ngã, buồn vui, đau khổ. Không ai phụ lòng một người luôn luôn đứng ở phía sau, ủng hộ mình hết lòng.

Cần một người chủ động

Ai cũng biết là để duy trì hôn nhân hạnh phúc cần sự nỗ lực của cả hai. Tuy nhiên, trước đó thì luôn cần một người chủ động chèo chống khi bão xảy ra.

Mọi cuộc hôn nhân khi mới bắt đầu đều có cảm giác tốt đẹp rồi xấu đi vì nhiều lý do. Lúc đó người ta dễ bị buông xuôi vì chán nản, thất vọng và nghĩ rằng lỗi của người kia, người kia phải thay đổi.

Tuy nhiên, chưa xét đến lỗi của ai song nếu có một người chủ động thay đổi thái độ nhằm mục đích cải thiện cuộc sống chung để nó tốt đẹp hơn thì người còn lại sẽ được tác động theo.

Tuy điều này không phải lúc nào cũng đúng nhưng luôn luôn hữu ích hơn là những lời oán trách và sự chờ đợi. Nhà nhân chủng học Margaret Mead nói: “Một người bạn đời biết suy nghĩ và chủ động sẽ làm cuộc hôn nhân tốt hơn”.

Theo PLO/Menalive

 


Ý kiến của bạn