Tăng huyết áp và những biến chứng nguy hiểm
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tai biến mạch não với tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao. Bên cạnh đó, tăng huyết áp còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm như phình tách động mạch chủ, biến chứng về mắt, biến chứng suy thận, nhồi máu cơ tim… Do đó, kiểm soát huyết áp là mục tiêu phải đạt được ở người bệnh tăng huyết áp.
Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ và thay đổi lối sống thì việc rất quan trọng là bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Bí quyết dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp
Tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng của người bệnh tăng huyết áp cần đảm bảo đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm. Cần chú ý tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng như ngũ cốc, thịt lợn nạc, thịt gà, cá, tôm, cua, sữa (sữa tách bơ, sữa đậu nành, sữa chua)...
Lựa chọn thực phẩm giúp kiểm soát huyết áp
Trong chế độ dinh dưỡng của người bệnh tăng huyết áp nên bổ sung các loại thực phẩm giúp duy trì huyết áp ổn định. Trong đó rau xanh và trái cây tươi là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và các yếu tố vi lượng cần thiết như: kali, magiê, phốt pho, chất chống oxy hóa… giúp giảm cholesterol, làm chậm sự tiến triển của xơ vữa động mạch, kiểm soát huyết áp và bảo vệ sức khỏe tim mạch, rất có lợi cho người bệnh tăng huyết áp.
Đó là các loại rau như: cà chua, cần tây, rau cải, rau bí, khoai tây, nấm, mộc nhĩ… Các loại quả bao gồm: cam, chanh, quýt, bưởi, chuối, dưa hấu…
Hạn chế các loại thực phẩm sau:
Không nên dùng thức ăn chứa nhiều muối như các món rim, kho, xào, nướng. Thức ăn chế biến sẵn như dưa cà muối, xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, thịt nguội… cũng không tốt cho người bệnh vì nhóm thực phẩm này chứa nhiều đạm, chất béo, đặc biệt là chứa tỷ lệ muối cao. Đây là yếu tố nguy cơ cao gây tăng huyết áp, có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác.
Nên hạn chế thức ăn nhiều chất béo, đường vì chúng gây thừa cân, béo phì, tăng cholesterol trong máu, gây vữa xơ động mạch.
Cần hạn chế tối đa uống rượu, bia. Nếu lạm dụng loại đồ uống này sẽ làm tăng nguy cơ gây khởi phát cơn tăng huyết áp cũng như các biến chứng của bệnh, đặc biệt là đột quỵ, nhồi máu cơ tim…
Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, chúng ta cần lưu ý thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học như chỉ nên dùng không quá 5g muối/ngày; Tăng cường ăn rau xanh, quả tươi; Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; Đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Ngoài ra cần duy trì cân nặng hợp lý. Hạn chế uống bia rượu. Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Tăng cường hoạt động thể lực. Tránh lo âu, căng thẳng, sống tích cực. Thường xuyên kiểm tra huyết áp để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Đối với những người bệnh tăng huyết áp đã được bác sĩ kê đơn thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt, tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc điều trị bệnh.
Tại sao bữa sáng lại là bữa ăn quan trọng nhất?