Lời khuyên để mẹ cho con bú đúng cách
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, việc nuôi con bằng sữa mẹ là hết sức cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Do đó, các bà mẹ cần lưu ý để cho con bú đúng và đủ dinh dưỡng.
Nhiều bà mẹ, sau khi sinh thường chỉ cho con bú khi căng sữa (thường quen gọi là xuống sữa"), như vậy là không đúng, vì càng làm sữa xuống chậm và dễ bị mất sữa. Tốt nhất, ngay sau khi sinh, trong vòng nửa giờ đầu, người mẹ nên cho trẻ bú. Bú càng sớm càng tốt. Bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa sớm. Trẻ được bú sữa non sẽ phòng bệnh được tốt.
Số lần cho trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tùy theo yêu cầu của trẻ. Ban đêm vẫn có thể cho trẻ bú nếu trẻ khóc đòi ăn. Ở những bà mẹ ít sữa, nên cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn; Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để trẻ mút được tốt hơn. Thời gian cho bú tùy theo ðứa trẻ. Cho bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú xong một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia.
Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi trẻ bị bệnh, kể cả bệnh tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho bú. Trẻ đẻ non yếu không mút được vú mẹ, hoặc trường hợp mẹ bị ốm nặng, bị một số bệnh không cho trẻ bú được, cần vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng thìa và cốc, không nên sử dụng bình sữa với núm vú cao su. Nên cho trẻ bú kéo dài 18 - 24 tháng hoặc có thể lâu hơn, không cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.
4 yếu tố ảnh hưởng đến sự tiết sữa
PGS.BS. Đào Thị Ngọc Diễn, một số yếu tố ảnh hưởng đến sự tiết sữa gồm: Bú bình đầu vú cao su: Trong thời gian bú mẹ nếu trẻ bú bình (kể cả sữa mẹ trong bình) thì dần dần sẽ bỏ bú mẹ vì bú bình đầu vú cao su thường dài nên trẻ chỉ bú núm vú, mút vú không cần ngậm bắt vú đúng vẫn có thể hút sữa dễ dàng. Bú bình sẽ làm giảm sự tiết sữa của bà mẹ. Tuy nhiên, có thể tập cho trẻ bú mẹ trở lại như trước bằng cách cho trẻ ăn sữa bằng cốc hoặc đổ thìa rồi tập dần cho trẻ bú mẹ đúng cách.
Thiếu dinh dưỡng: Ở những bà mẹ suy dinh dưỡng nặng (thiếu năng lượng trường diễn nặng) thường tiết sữa ít. Vì vậy, trong thời gian cho con bú bà mẹ cần ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài chế độ ăn bình thường, mỗi ngày ăn thêm 2-3 bát cơm, thêm thịt cá, trứng hoặc đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín. Hạn chế ăn các loại gia vị (hành tỏi, ớt, hạt tiêu) vì có thể qua sữa gây mùi vị khó chịu, trẻ bú mẹ ít. Cần lưu ý uống đủ nước 1,5-2 lít/ ngày.
Sang chấn tâm lý: Nếu bà mẹ bị stress, lo lắng, thiếu niềm tin thì sẽ hạn chế hoạt động của phản xạ tống sữa mặc dù sữa vẫn có trong vú. Do vậy cần có sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng giúp đỡ bà mẹ cho con bú, tạo điều kiện để bà mẹ sống thoải mái, tự tin, có sức khỏe, có thời gian chăm sóc trẻ giúp cho sự tiết sữa tốt.
Sử dụng thuốc: Một số thuốc qua sữa có thể gây ngộ độc cho trẻ hoặc làm giảm sự tiết sữa như: thuốc tránh thai tổng hợp, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid... Vì vậy, khi cho con bú nên hạn chế dùng thuốc, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đau mắt đỏ có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống | SKĐS