Bí quyết để khỏe và an toàn trong kỳ nghỉ lễ

02-09-2019 18:11 | Tin nóng y tế

SKĐS - Nghỉ lễ Độc lập 2/9 là dịp để sum vầy và nghỉ ngơi, tuy vậy giữ gìn sức khỏe là vấn đề không thể lơ là. Các chuyên gia khuyến cáo người dân những điều cần lưu ý sau đây để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Cẩn trọng với uống rượu, bia

- Không lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Nếu uống rượu bia chỉ nên uống dưới 02 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 01 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.

- Không điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc sau khi đã uống rượu, bia.

- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên thì tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

(Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén  rượu mạnh 30 ml (40%).

Túi thuốc sơ cấp cứu cần dự phòng

BS Huỳnh Bá Tản, Trung tâm Cấp cứu 115, TPHCM gợi ý giúp các bạn chuẩn bị khi đi xa.

1. Buscopan 10mg: thuốc giảm co thắt đường tiêu hóa dành cho người lớn và trẻ trên 5 tuổi.

2. Imodium: thuốc cầm tiêu chảy dành cho người lớn và trẻ trên 5 tuổi.

3. Smecta: thuốc cầm tiêu chảy và bù dịch dành cho trẻ dưới 5 tuổi và cả người lớn.

4. Efferalgan viên sủi 500mg, gói bột 250mg, gói bột 150mg, gói bột 80mg, viên tọa dược 300mg, viên tọa dược 150mg, viên tọa dược 80mg: thuốc hạ sốt giảm đau dành cho người lớn, trẻ nhỏ và em bé.

5. Captopril 25mg: thuốc hạ huyết áp dành cho người lớn có tiền sử hoặc đang điều trị bệnh tăng huyết áp.

6. Nitromint ống xịt dưới lưỡi: dành cho những người có tiền sử cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, bệnh tăng huyết áp.

7. Ventolin ống xịt họng: dành cho những người có tiền sử hen suyễn, viêm phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD.

8. Clarityne (hoặc Cezil): thuốc chống dị ứng.

9. Calci Sandoz 500mg: viên thuốc canxi để ngăn ngừa và điều trị chứng co giật tetani hoặc tê rần tay chân do thiếu canxi.

10. Tanganil 500mg: thuốc điều trị chóng mặt xoay vòng vòng kèm buồn nôn nôn ói do cơn chóng mặt kịch phát lành tính hay rối loạn tiền đình.

11. Coramine Glucose: Viên đường ngậm đề phòng và điều trị chứng mệt lả do hạ đường huyết, đặc biệt quan. trọng với người đang uống thuốc hạ đường huyết hay tiêm insuline để điều trị bệnh tiểu đường hàng ngày.

12. Các loại băng thun, băng quấn, băng keo cá nhân, cồn, Povidine, Oxy-già, bông gòn, que tăm bông, dầu nóng, dầu khuynh diệp, khăn lau mát,…

13. Đừng bao giờ quên mang vài đôi găng tay y tế các bạn nhé.

14. Tờ hướng dẫn kỹ thuật sơ cấp cứu (đính kèm).

15. Epi-Pen cũng rất hữu ích để cấp cứu các phản ứng phản vệ khi cần thiết, nhất là với những người đã có tiền sử bệnh lý phản ứng phản vệ với một số dị nguyên như: thức ăn, phấn hoa, thuốc men, ...

Chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ…

- Ăn chín, uống chín. Sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt.

- Chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; Không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết.

- Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi chưa được khử trùng.

- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: bàn chải, khăn ăn, khăn tay,...

- Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng khí. Ngủ màn, phòng chống muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Nhân dịp nghỉ lễ thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn.

- Đối với những người về quê hoặc đi du lịch,  cần chủ động tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh ở nơi đến để chủ động phòng chống dịch, bệnh.

Ảnh minh họa

Đảm bảo công tác y tế trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Theo đó, sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để dự phòng và điều trị cho người bệnh; tổ chức tốt công tác tiếp đón, khám chữa bệnh, tuân thủ quy chế chuyên môn; duy trì thường trực 24/24 giờ. Các đội cấp cứu cơ động thường trực tại đơn vị luôn sẵn sàng khi có lệnh.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp với cơ quan công an, các lực lượng có liên quan trên địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phòng chống cháy nổ tại đơn vị. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế chuyên môn tại đơn vị.

Sở Y tế cũng giao nhiệm vụ cho Chị cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố và các đơn vị tích cực kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau ngày nghỉ lễ tại các địa điểm vui chơi, lễ hội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, TTYT quận, huyện, thị xã thường trực chống dịch, chủ động sẵn sàng hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh.


Lê Hồng
Ý kiến của bạn