Từ xa xưa đến nay, ước mơ của bao người là được sống thọ, sống nhiều tuổi xuân cùng với ý nghĩa: sống vui, sống khỏe, sống có ích (chứ không phải sống thọ trong bệnh tật, đau yếu). Làm sao để sống thọ, để tuổi xuân ngày càng nhiều? Đây là vấn đề luôn được đặt ra trong việc chăm lo sức khỏe của mỗi cá nhân.
Tuổi xuân
Cứ mỗi mùa xuân trôi qua là chúng ta thêm một tuổi. Có bao nhiêu mùa xuân trôi qua trong cuộc đời là chúng ta có bao nhiêu tuổi. Vì vậy, tuổi đời của chúng ta còn gọi là tuổi xuân.
Trong y học có hai khái niệm về tuổi: tuổi thời gian (Chronological age) và tuổi sinh học (Biological age).
Tuổi thời gian là số tuổi được tính theo số năm sống của mỗi người. Vì vậy, tuổi thời gian cũng chính là tuổi xuân.
Tuổi sinh học là số tuổi được tính theo chức năng sinh học: căn cứ theo mức độ hoạt động về thể chất và tinh thần của mỗi người cùng với chức năng sinh lý của các cơ quan trong cơ thể.
Tuổi sinh học thường được so sánh với những người có cùng độ tuổi thời gian: nếu một người có tuổi sinh học nhỏ hơn tuổi thời gian (tuổi xuân)chứng tỏ cơ thể người đó chậm lão hóa và được xem là trẻ so với tuổi. Và ngược lại, khi tuổi sinh học lớn hơn tuổi thời gian (tuổi xuân) thì được xem là già so với tuổi!
Bình thường, tuổi xuân con người chịu tác động bời ba yếu tố: di truyền, lối sống và môi trường. Trong ba yếu tố này, chỉ có yếu tố lối sống là hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ động thực hiện của chính mỗi cá nhân!
Các phương pháp giúp kéo dài tuổi xuân
Phải thực hiện một lối sống như thế nào để sống thọ, kéo dài tuổi xuân? Theo các nhà khoa học, để có một cuộc sống với tuổi xuân kéo dài cần thực hiện các phương pháp sau:
Chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học:
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học phải đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng carbohydrate, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất với một tỉ lệ cân bằng như sau:
Có ít nhất 40% carbohydrate.
Khoảng 30% chất đạm.
Không quá 30% chất béo.
Và nên lấy thực vật làm căn bản, ăn nhiều rau quả, tránh sử dụng các thức ăn có chứa nhiều cholesterol, chứa chất béo bão hòa, hạn chế ăn mặn để tránh nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch.
Không hút thuốc và hạn chế bia rượu:
Trong khói thuốc lá có chứa nicotin và vô số các chất độc hại, khi vào cơ thể các chất này sẽ gia tăng các bệnh lý nguy hiểm như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư… Hút thuốc chiếm đến 80% nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư phổi!
Việc sử dụng bia rượu với mức độ vừa phải sẽ giúp kích thích ngon miệng và có tác dụng thư giãn. Nhưng nếu lạm dụng bia rượu trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng nghiện và gây ra những tác hại cho cơ thể như:
Tổn thương gan.
Tổn thương não.
Gia tăng các bệnh lý tim mạch và các bệnh ung thư họng, thực quản, dạ dày…
Suy giảm khả năng sinh sản, liệt dương.
Ngoài ra, việc lạm dụng rượu sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về mặt tâm lý xã hội như: mất hạnh phúc gia đình, sa sút nhân cách, thậm chí mất việc, bạn bè xa lánh.
Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao:
Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe từng người như: đi bộ, bơi lội, cử tạ… sẽ giúp cho cơ thể tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng cường tuần hoàn máu, tăng cường hệ miễn dịch… mang lại lợi ích cho tim mạch, giúp huyết áp ổn định, ngăn ngừa ung thư, ngăn chặn sự lão hóa.
Ngoài ra, việc tham gia tập luyện thể dục, thể thao tại các câu lạc bộ sẽ tạo ra một hiệu quả tích cực về mặt tâm lý xã hội, mang lại cho các thanh viên niềm vui sống và sự sảng khoái tinh thần, tính cộng đồng, biết quan tâm chia sẻ lẫn nhau.
Kiểm soát trọng lượng cơ thể:
Hiện nay ở nước ta số lượng người béo phì đang ngày càng tăng cao. Nguyên nhân chính dẫn đến béo phì là thói quen xấu trong ăn uống và ít vận động. Béo phì sẽ gây ra các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thấp khớp… Vì vậy, việc kiểm soát trọng lượng cơ thể tránh béo phì là hết sức quan trọng, giúp giảm đi những nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe!
Để đánh giá trọng lượng cơ thể thường dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index):
BMI = trọng lượng cơ thể (kg)/ bình phương chiều cao (m).
(BMI từ 18,5 - 25 bình thường, BMI từ 25 - 30 thừa cân, BMI 30 béo phì).
Chăm sóc tốt răng miệng:
Việc vệ sinh thân thể, chăm sóc tốt răng miệng như đánh răng sau khi ăn, sử dụng chỉ nha khoa, khám răng định kỳ… góp phần bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Chăm sóc tốt răng miệng sẽ giúp ngăn chận sự xâm nhập của mầm bệnh vào cơ thể qua đường này và giúp cho quá trình tiêu hóa, hấp thu thức ăn được dễ dàng.
Tích cực hoạt động và luôn lạc quan, yêu đời:
Một cuộc sống tích cực, tăng cường các hoạt động về thể chất và tinh thần như chăm sóc cây cảnh, làm vườn, đọc sách, nghe nhạc, học ngoại ngữ… sẽ giúp ngăn chặn quá trình lão hóa, kéo dài tuổi xuân. Và ngược lại, một cuộc sống thụ động, nhàn rỗi dễ gây ra bệnh tật. Bên cạnh đó sự lạc quan, yêu đời sẽ giúp cơ thể chống lại stress, tăng cường hệ miễn dịch.
Hôn nhân hạnh phúc:
Với những người có một đời sống hôn nhân hạnh phúc, các thành viên trong gia đình yêu thương, quan tâm lẫn nhau sẽ giúp kéo dài tuổi xuân.
Nhiều nghiên cứu gần đây nhận thấy: một đời sống tình dục hài hòa sẽ mang lại những lợi ích về mặt sức khỏe, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, chống stress...
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ:
Việc thường xuyên khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm những bệnh lý bất thường trong cơ thể (cao huyết áp, mỡ trong máu, ung thư) để có thể điều trị kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, giúp kéo dài tuổi xuân.
Nhân dịp xuân về, xin kính chúc quý vị độc giả luôn thực hiện đầy đủ các phương pháp trên để có được một cuộc sống hạnh phúc “thân tâm an lạc” và tuổi xuân kéo dài như mơ ước!
DS. MAI XUÂN DŨNG