Hà Nội

Bí quyết của thủ khoa Đại học Y

08-03-2014 06:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Nguyễn Hữu Tiến học sinh trường THPT Ứng Hòa A, con gia đình nông dân nghèo ở Động Phí, Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội thi Đại học Y, Đại học Dược đều đỗ, riêng Đại học Y em đỗ thủ khoa với 29,5 điểm (toán 10, hóa 9,75, sinh 9,75).

Nguyễn Hữu Tiến học sinh trường THPT Ứng Hòa A, con gia đình nông dân nghèo ở Động Phí, Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội thi Đại học Y, Đại học Dược đều đỗ, riêng Đại học Y em đỗ thủ khoa với 29,5 điểm (toán 10, hóa 9,75, sinh 9,75). Em sinh đôi với Tiến là Nguyễn Hữu Tiền, đỗ Đại học Bách khoa với 26 điểm. Hai anh em đều là học sinh giỏi toàn diện và đều đạt giải nhì học sinh giỏi toán lớp 12 toàn Hà Nội. Vì sao 2 học sinh con nhà nghèo, không có điều kiện học tập lại học giỏi như vậy. Tôi, một nhà văn lại là một nhà giáo, tự đặt cho mình nhiệm vụ phải trả lời được câu hỏi trên...

 

Nguyễn Hữu Tiến, cậu học trò nghèo thi đỗ ĐH Y Hà Nội là niềm tự hào của ngôi trường làng huyện Ứng Hoà.

Nguyễn Hữu Tiến, cậu học trò nghèo thi đỗ ĐH Y Hà Nội là niềm tự hào của ngôi trường làng huyện Ứng Hoà.

Đầu tiên, tôi tìm đến ngôi nhà các em ở tại Hà Nội, ngõ 81, phố Pháo Đài Láng. Gần đến ngõ, hỏi hai anh em sinh đôi vừa đỗ đại học điểm cao, người ta đã chỉ ngay. Một ngôi nhà chừng 12m2 ở cuối ngõ. Hai anh em trạc 18 tuổi giống nhau như đúc, một đang ngồi học ở dưới sàn, một đang ngồi học trên gác xép. Người ngồi dưới sàn là anh. Tôi tự giới thiệu là giáo viên cũ của Trường cấp 3 Ứng Hòa những năm 1960 - 1963. Qua trò chuyện biết rằng những điều nói trên mạng về thành tích của hai em là hoàn toàn chính xác. Tôi hỏi Tiến:

- Vì sao em thi vào Đại học Y?

- Vì em muốn chữa bệnh cứu người.

- Sau này em định học chuyên khoa gì?

- Em định học chuyên khoa tim ạ.

- Vì sao em lại chọn khoa tim?

- Vì em nghĩ với con người trái tim là quan trọng nhất và mỗi người chỉ có một trái tim thôi ạ.

Lần thứ hai tôi đến vào lúc chiều tà, rất may gặp cả nhà Tiến. Bà Thanh mẹ Tiến, Tiền nhanh nhảu kể: “Hai cháu ở nhà vẫn phải chăn bò, nhổ mạ, cấy lúa. Con trai mà cấy lúa nhanh lắm. Còn chăn bò thì hai anh em cứ phân công nhau lần lượt, người này chăn bò thì người kia ở nhà học. Người đi chăn bò cũng mang theo sách để tranh thủ học lúc bò ăn”.

Bây giờ mới hỏi chuyện ông bố, lúc này chỉ ngồi cười cười.

- Hỏi thực, ông bà ngày xưa học có giỏi không?

- Tôi chỉ kha khá.

Bà Thanh nhanh nhảu:

- Em học giỏi, cũng có lần thi học sinh giỏi đấy.

Tôi nhìn gương mặt sáng sủa của bà, tin là bà nói đúng và thầm nghĩ mấy đứa con bà cũng thừa hưởng được gen thông minh của mẹ và tính cần cù chịu khó của bố.

Tôi quyết sẽ gặp bằng được thầy Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa A, ngôi trường năm nào cũng ở trong danh sách những trường THPT ở Thủ đô có nhiều học sinh đỗ vào đại học và đỗ cao. Năm ngoái, có một cháu đỗ thủ khoa Học viện Hậu cần, 26 điểm, năm nay lại có thủ khoa Đại học Y 29,5 điểm, còn 26, 27 điểm cũng nhiều, em Tiền 26 điểm, em Tán, con cô giáo Hường, giáo viên THPT Động Phí 26 điểm rưỡi cùng đỗ Bách khoa với Tiền...

Và tôi đã gặp được thầy Hiệu trưởng Dương Minh Thông. Thầy nói: “Ứng Hòa là huyện có truyền thống hiếu học. Thầy đã dạy tại trường Ứng Hòa một số năm thầy biết, các thầy cô giáo Ứng Hòa cũng là những người có chuyên môn cứng, cả về kiến thức và phương pháp còn tinh thần tận tụy vì các em thì khỏi nói. Bộ không khuyến khích chia lớp chọn nhưng giáo viên trường tôi đã quán triệt quan điểm phân loại học sinh khi dạy vì thế có phương pháp phù hợp với đối tượng và làm cho các đối tượng đều tiến bộ. Việc dạy thêm, có tiến hành nhưng không tràn lan, nhồi nhét, ví dụ mỗi tuần khối A chỉ học 3 buổi, 1 toán, 1 lý, 1 hóa...

Tôi ngỏ ý muốn gặp thầy Bình, dạy toán và chủ nhiệm lớp Tiến, Tiền.

Thầy Hiệu trưởng lấy điện thoại mời thầy Bình lên văn phòng. Tôi ngạc nhiên nhìn một thầy giáo trẻ khoảng 35 tuổi mà đã có 2 học sinh giỏi toán nhì tỉnh và có thủ khoa Đại học Y.

Vì chỉ còn 10 phút là phải lên lớp nên thầy Bình chỉ nói tóm tắt như sau: Em Tiến, em Tiền, nhà nghèo, ở cách trường 4km. Các em không có điều kiện học trường điểm của huyện, chỉ học ở trường làng. Hàng ngày đi học về, các em phải tham gia làm lụng giúp gia đình. Vì thế một tuần em chỉ có thể tham gia học thêm đúng 3 buổi ở trường cụ thể là toán, lý, hóa. Em Tiến không học thêm sinh nhưng vì thích vào trường y em đã mượn vở học thêm sinh của bạn về tự nghiền ngẫm. Còn môn toán thì có thuận lợi là học kỳ I, em được tham gia đội tuyển toán và giành giải nhì toàn thành phố. Hai em Tiến, Tiền trong học tập có mấy ưu điểm sau:

- Rất tập trung tư tưởng khi học, chú ý nghe giảng, nghe đến đâu hiểu đến đấy, còn tích cực xung phong phát biểu xây dựng bài.

- Về nhà cũng vậy, tranh thủ từng phút để học bài, làm bài. Không chỉ môn chính, môn thi, mà tất cả các môn em đều coi trọng và đạt kết quả cao. Các em là học sinh giỏi toàn diện trong cả 3 năm.

- Khi làm bài các em suy nghĩ, rút ra cách làm và cẩn thận thực hiện đúng quy trình đến từng phép tính. Nên để bài dù phức tạp và dài đến đâu, các em vẫn hoàn thành tốt.

Chia tay với thầy Bình, tôi nghĩ: Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Thầy Bình là một thầy giáo như vậy.

Câu trả lời vì sao Tiến có thể học giỏi, như vậy vẫn còn một chỗ khuyết: truyền thống quê hương?

Như đã nói, tôi đã công tác ở Ứng Hòa 3 năm nhưng chưa một lần đến Động Phí. Tôi biết anh Hoàng, nhà văn quê Phương Tú, Ứng Hòa nhưng lại chưa biết rằng chính anh là người con của Động Phí cùng làng với Tiền, Tiến và có họ gần với mẹ của Tiền, Tiến là bà Hoàng Thị Thanh.

Sau khi đưa tôi vào nhà, thăm sức khỏe thân mẫu anh năm nay đã 98 tuổi, Hoàng đưa tôi sang nhà Tiền, Tiến.

Nhà bà nội Tiền, Tiến là một căn nhà ngói 3 gian, 1 trái khá rộng, nơi bà cụ ở với con trai thứ, chú của Tiền, Tiến, còn nhà Tiền, Tiến, ở kề bên là một căn nhà nhỏ 2 gian và 1 bếp. Cả hai nhà đều đóng cửa. Chú Tiến chưa có gia đình, mới mất, còn bà nội Tiến lúc này không ở nhà nên không gặp được. Tiền, Tiến cũng ít sang học ở nhà bà nội mà thường học ở nhà mình và nhà bà ngoại. Từ khi Tiền, Tiến đi học đại học, mẹ đi làm bảo vệ thì căn nhà nhỏ bỏ không, chắc đến Tết, cả nhà mới về. Ông Thanh, Bí thư Đảng ủy đi cùng với chúng tôi, nói: “Mấy tháng trước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về đây thăm nhà Tiến, Tiền, một bác sĩ quân y cũng cho Tiến một chiếc xe đạp mới giá 4 triệu để đi học hàng ngày ở Hà Nội.

Sang nhà ông bà ngoại của Tiến, Tiền, hai cụ đã ngoài 80 nhưng còn khỏe. Cụ bà đang ngồi vót nan nhưng vẫn góp chuyện. Cụ ông nói: “Chúng tôi ít học, chả bảo ban được các cháu, chỉ thấy hai cháu chăm học, chăm làm. Hai anh em chia nhau chăn bò. Anh đi thì em ở nhà học bài, em đi, thì anh ở nhà. Gần chiều, đứa ở nhà dọn chuồng để khi bò về thì có chỗ sạch nằm, rơm cỏ sạch ăn. Thỉnh thoảng các cháu cũng học ở nhà tôi. Ông cụ chỉ căn gác có chiếc thang gỗ dài kê ở cửa lên”.

Cụ bà vừa vót nan vừa nói thêm: “Anh em nó chăm học lắm, sang đây lúc nào cũng thấy cầm sách, đi chăn bò cũng mang sách theo”.

Anh Hoàng bảo tôi: “Cụ bà đây họ Đặng, dòng dõi Đặng Dụng Chu, tiến sĩ đời Lê Hiển Tông, đỗ năm 1766, làm quan đến Hàn Lâm Viện Đãi chế. Tên tuổi có ở bia Văn Miếu Quốc Tử Giám đấy. Nay từ đường họ Đặng vẫn còn ở đây.

Tôi hỏi vui: “Thế họ Hoàng của anh có ai khoa bảng không”. Anh nói “Không, chỉ có mấy người có học chữ Nho nhưng không đỗ đạt”.

Tôi lại nói vui: “Nhưng họ Hoàng của anh bây giờ đã có danh nhân là nhà văn”. Anh Tường cười: “Đành rằng gen họ Hoàng cũng khá nhưng gen của Tiền, Tiến có lẽ là gen họ Đặng vì bà ngoại của Tiền, Tiến là hậu duệ của Đặng Dụng Chu và Hoàng Thị Thanh, cũng có gen họ Đặng nên ngày nhỏ học giỏi và sinh ra 2 đứa con giỏi. Nhưng cái chính là quyết tâm của các cháu”.

Tôi nói thêm: “Và một phần là truyền thống quê hương”

- Vâng.

Anh Hoàng đưa chúng tôi ra đình làng. Ngôi đình ngày xưa lớn thế nhưng bị tàn phá trong chiến tranh, chỉ còn một phần và di tích là hai cái cột đá chạm trổ rồng phượng.

Duy nhất là ở vườn đình có hai cây nến bằng gốm màu gan gà rất rắn chắc dựng trang trọng trên cột xi măng. Cây nến hình ngôi chùa có 3 lớp mái hình đầu đao trong có tượng nhà sư đứng niệm. Trên cây nến có ghi niên hiệu nhà Mạc. Trong sân đình, có khu tưởng lệ và tưởng niệm các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ.

Trong số các liệt sĩ chống Mỹ có bác sĩ quân y Hoàng Lâm, anh Hoàng Tam Hợp, anh Nguyễn Thụ, các anh đều là những sinh viên học sinh giỏi. Riêng anh Hợp còn là nhà thơ.

Ra khỏi đình, anh Hoàng còn chỉ cho tôi nơi ngày xưa là tượng bút bằng đất trước hồ và một mảnh đất đối diện hình chiếc nghiên mực tượng trưng cho truyền thống hiếu học của làng. Tiếc rằng tượng bút và hình nghiên đều đã không còn qua việc cải tạo đất đai, mặt bằng.

Tôi nói: “Nhưng truyền thống hiếu học, truyền thống văn chương của Động Phí đã được phát huy qua các lớp học trò”. Mà đúng thế, lớp học sinh cấp 3 Ứng Hòa từ Chính, qua Hợp, Thụ đến Hoàng, Duyên và Thanh (Bí thư Đảng ủy) đang đi bên chúng tôi, nguyên là cựu chiến binh cơ yếu và ngày nay Tiến, Tiền, Tán... đã nói lên tất cả, trong đó phải kể đến trước tiên là Hoàng Lâm, Hoàng Tam Hợp, Nguyễn Thụ... những liệt sĩ đã hy sinh ở chiến trường miền Nam và đều là những học sinh giỏi, sinh viên giỏi, nếu còn cũng là những trí thức, những nhà văn xuất sắc của đất nước.

Anh Hoàng nói thêm: Về Động Phí, phải nói thêm truyền thống làm ăn giỏi, trước đây hợp tác xã đi đầu trong khoán quản, sau đổi mới thì như anh thấy đấy.

Làng có nghề thợ xẻ, nghề mộc, chưa kể dịch vụ vịt cỏ Vân Đình, mỗi ngày cung cấp cho Hà Nội 200 con vịt thịt.

Tôi nhìn lại ngôi làng: Không một nhà mái gianh, nhiều nhà bê tông, tất cả các con đường kể cả đường xóm, đường ngõ đều bê tông hóa và hai bên con đường chính của làng, toàn các cửa hiệu như phố.

Câu hỏi vì sao làng ấy có thủ khoa qua sự khảo sát của tôi đến đây đã được trả lời khá khoa học, khá đầy đủ phải không các bạn? 

Đặng Hiền

 

 

 


Ý kiến của bạn