1. Đi ra ngoài và chơi cùng nhau
Một trong những cách tốt nhất để duy trì vóc dáng ở bất cứ độ tuổi nào là vận động. Vận động đối với trẻ em là những hoạt động thể chất hàng ngày, đối với người lớn là tập luyện tối thiểu 4 ngày/tuần. Tập luyện đơn giản có thể chỉ là 30 phút đi bộ quanh nơi sinh sống. Trẻ em ngày nay đang bị hấp dẫn với các thiết bị kỹ thuật số nhiều tính năng nhưng có hại cho sức khỏe như máy tính bảng, điện thoại. Phụ huynh cần khuyến khích trẻ tránh xa các thiết bị này và cùng với trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Một chuyến đi biển hay đi bộ, đạp xe cùng nhau không chỉ là sự tập luyện thể chất mà cũng gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau hơn.
2. Thiết lập khu vực không thiết bị số
Những gia đình khỏe mạnh có những khoảng thời gian trong ngày bên nhau và không có sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ, không iPad, không iPod, không điện thoại, nhắn tin, chat… Họ lập một kế hoạch ghi rõ những thời gian và khu vực hạn chế các thiết bị màn hình như tại bàn ăn, trong phòng ngủ và thời gian làm bài tập. Ngoài ra, họ quy định tất cả thiết bị của các thành viên được để ở một nơi trong suốt đêm, vì khi để chúng ở đầu giường, họ sẽ không tránh khỏi cám dỗ sử dụng.
3. Cùng nhau chuẩn bị bữa ăn
Trẻ được tham gia chuẩn bị bữa tối. Chúng sẽ cần bạn hướng dẫn nhưng đây sẽ là cách tuyệt vời để thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh. Hãy đưa trẻ đi siêu thị và giúp chúng học cách đọc nhãn mác. Việc để trẻ tham gia lựa chọn thực phẩm, chuẩn bị và nấu nướng sẽ có thể giúp chúng hứng thú hơn trong việc học cách lựa chọn thực phẩm thông minh và lành mạnh và trẻ cũng hào hứng hơn khi ăn những thực phẩm do chính mình lựa chọn và góp phần chế biến.
4. Lên kế hoạch để có sức khỏe tốt
Để gia đình bạn hướng tới cuộc sống lành mạnh, hãy thử thiết lập một kế hoạch, đặt ở nơi tất cả mọi thành viên đều có thể nhìn thấy. Đó có thể bao gồm thời gian các bé phụ trách chuẩn bị bữa tối, kế hoạch 1 lần/tháng cả gia đình đạp xe tới công viên hoặc tham gia chơi môn thể thao nào đó hàng tuần.
Lưu ý là không để những việc làm này chỉ là ngẫu hứng mà hãy phát triển chúng thành một thói quen, thành một phần của cuộc sống hàng ngày.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người khỏe mạnh nhất ít nhiều đều có lịch trình tương tự hàng ngày. Thói quen của một gia đình khỏe mạnh bao gồm duy trì đủ nước, tập luyện, ăn uống lành mạnh mỗi ngày.
5. Món ăn nhẹ lành mạnh
Hãy chuẩn bị những món ăn lành mạnh và để ở nơi trẻ và những thành viên khác trong gia đình dễ dàng nhận thấy và sử dụng sau ngày dài học tập hay làm việc. Những món ăn này có thể là hạnh nhân, hoa quả, cà rốt cắt nhỏ…
6. Giao tiếp
Hầu hết các chuyên gia khuyên rằng các thành viên trong gia đình nên dùng bữa cùng nhau. Vì đây không chỉ là thời gian ăn uống chất lượng mà còn là lúc họ trò chuyện, thảo luận và chia sẻ về những chuyện đang diễn ra với mỗi người: Sức khỏe tâm thần, giấc ngủ, chuyện ở trường, cơ quan và các mối quan hệ với người khác… Tất cả những điều này khiến các thành viên trong gia đình gắn kết hơn.
Ngoài ra, hàng tuần nên có những cuộc trò chuyện, hoặc là cả gia đình hoặc 1-1 giữa phụ huynh và trẻ. Có thể là 2 tối mỗi tuần, phụ huynh và con cái cùng ngồi xuống và trò chuyện: “Mọi việc diễn ra thế nào?”, “Con có cần bố mẹ giúp điều gì không?” hoặc đơn giản chỉ cần nói: “Bố/mẹ ủng hộ con và bố/mẹ luôn bên con”.
7. Nghỉ ngơi cùng nhau vào cuối ngày
Cả gia đình nên nghỉ ngơi cùng nhau trong khoảng 1 giờ trước khi đi ngủ. Họ sẽ đọc sách cùng nhau hoặc chơi một trò chơi (sau khi hoàn thành việc nhà, bài tập). Đây là lúc nên tránh xa tivi, các thiết bị điện tử để dành thời gian thư giãn, tương tác. Nhờ vậy, các thành viên sẽ có giấc ngủ ngon và sẽ có cảm giác khỏe mạnh, sảng khoái trong buổi sáng hôm sau.
8. Biết cách duy trì tập luyện
Bên cạnh việc ra ngoài trời cùng nhau, chơi cùng nhau, những gia đình khỏe mạnh còn biết duy trì tập luyện như một thói quen lâu dài. Các thành viên có thể tập yoga, chạy hay tập luyện cường độ cao… Hãy làm điều bạn yêu thích và điều này sẽ tạo hứng thú cho bạn để duy trì lâu dài.