Gót chân khô nứt nẻ khi hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ. Nó có thể xảy ra do các bệnh vẩy nến, chàm da hoặc da quá khô… Các yếu tố khác làm khô da ở gót chân bao gồm tuổi tác (da trở nên mỏng, kém đàn hồi hơn khi càng lớn tuổi) và độ ẩm không khí thấp.
Để tránh hiện tượng này, hãy cùng tham khảo những lời khuyên chăm sóc da gót chân của bác sĩ da liễu Sheel Desai Solomon và BS Samer Jaber từ Hoa Kỳ.
1. Làm sạch và dưỡng ẩm gót chân
Giữ cho đôi chân luôn sạch sẽ và được dưỡng ẩm thường xuyên là bí quyết duy trì gót sen hồng hào, láng mịn.
Bác sĩ da liễu Solomon khuyến nghị sử dụng sữa rửa mặt dưỡng ẩm không tạo bọt (thường ở dạng kem hoặc sữa) để giữ cho đôi chân không bị khô, nứt nẻ.
Giữ cho đôi chân sạch sẽ và được dưỡng ẩm thường xuyên giúp duy trì gót sen hồng hào.
2. Ngâm và tẩy tế bào chết cho chân
Vùng da xung quanh gót chân thường dày và khô hơn những vùng da còn lại. Ngâm và giữ ẩm cho bàn chân có thể giúp giải quyết vấn đề này. Bạn nên lựa chọn các sản phẩm tẩy tế bào chết chứa thành phần như salicylic acid và sử dụng các bàn chải để chà gót chân, giúp loại bỏ da chết.
Bằng cách chà xát gót chân trước khi tắm vòi hoa sen hoặc bồn tắm có thể loại bỏ những vết chai dày. Tuy nhiên, nếu lông bàn chải quá cứng và sắc có thể làm trầy xước chính làn da đang cần bảo vệ. Vì vậy, điều quan trọng là cần tìm được một loại bàn chải phù hợp.
3. Xử lý ngay khi thấy các vết nứt xuất hiện ở gót chân
Những vết nứt gót chân không được xử lý kịp thời, chúng có thể gây chảy máu và đau đớn. Bên cạnh việc sử dụng các loại miếng dán cá nhân dạng miếng thông thường thì cả 2 chuyên gia da liễu đều gợi ý bạn nên thử băng dán cá nhân dạng lỏng.
Loại băng này ở dạng gel, có công dụng điều trị và chữa lành các vết cắt, vết thương nhỏ trên da với ưu điểm không thấm nước và cũng dễ dàng cử động hơn các miếng dán thông thường.
4. Sử dụng mật ong dưỡng ẩm cho gót chân khô nứt nẻ
Mật ong có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên cho gót chân khô nứt nẻ. Nhờ đặc tính kháng khuẩn, mật ong được nghiên cứu chứng minh giúp chữa lành và làm sạch vết thương, đồng thời dưỡng ẩm cho da. Bạn cũng có thể sử dụng mật ong để tẩy tế bào chết cho chân sau khi ngâm nước ấm.
Mật ong có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên cho gót chân khô nứt nẻ.
5. Dầu dừa
Dầu dừa thường được khuyên dùng cho da khô, bệnh chàm và vảy nến. Nó có thể giúp làn da của bạn được bổ sung độ ẩm cần thiết. Sử dụng dầu dừa dưỡng da ngay sau khi ngâm chân cũng là một trong những ý tưởng tuyệt vời. Đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của dầu dừa có thể giúp ích cho gót chân khô nứt nẻ, dễ bị chảy máu.
6. Mang tất phù hợp
Môi trường ẩm ướt là điều kiện lý tưởng gây nhiễm trùng nấm ở chân. Để tránh điều này xảy ra, bạn nên lựa chọn những đôi tất từ các chất liệu như bông hoặc len để giữ cho bàn chân của bạn không bị đổ mồ hôi và vi khuẩn.
Ngoài ra, đi tất chân cũng là một mẹo dưỡng ẩm gót chân hay ho. Những người gặp tình trạng nứt gót chân của mình hãy thoa vaseline hoặc các loại kem dưỡng ẩm lên gót chân ngay trước khi đi ngủ và mang tất cotton để khóa lớp dưỡng ẩm đó suốt cả đêm.
Đôi khi nứt gót chân là do tình trạng bệnh lý, chẳng hạn như bệnh tiểu đường. Nếu gót chân khô, nứt nẻ của bạn nghiêm trọng hoặc không cải thiện sau khi làm theo những lời khuyên này, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung mà bạn cần biết |SKĐS