Bí quyết bảo vệ sức khỏe của trẻ trong mùa dịch

24-02-2020 11:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Dịch bệnh COVID-19 đang được Việt Nam kiểm soát tốt. Hiện nay, hàng triệu học sinh cả nước vẫn đang trong thời gian nghỉ học, nhiều bậc phụ huynh tìm cách tăng cường sức khỏe cho con em mình phòng ngừa bệnh tật. Làm gì để bảo vệ sức khỏe của trẻ ở thời điểm này là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm…

Tập trung đông người - gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm

Vào mùa  xuân khí hậu lạnh kèm theo mưa phùn, độ ẩm trong không khí tăng cao, các vi sinh vật, nấm mốc phát triển, nên con người dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp. Sức đề kháng của trẻ kém  cộng thêm việc giữ gìn vệ sinh thân thể không được đảm bảo nên trẻ nhỏ dễ mắc bệnh hơn người lớn. Các bệnh trẻ thường mắc phải trong mùa này gồm  viêm mũi họng, viêm amidan… Trước tình hình dịch bệnh hiện nay,  các bậc  phụ huynh còn mang thêm nỗi lo con em mình bị nhiễm bệnh COVID-19.

Ảnh minh hoạ

Các  triệu chứng cha mẹ,  thầy cô cần lưu ý đề phòng trẻ nhiễm COVID-19 và các bệnh hô hấp

Cũng như các bệnh hô hấp khác, bệnh COVID-19  gây ra các triệu chứng như  sốt, chảy nước mũi, ngạt mũi, ho, khó thở…. Bệnh có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, người bị suy giảm miễn dịch.

COVID-19 có thời gian ủ bệnh dài, các  triệu chứng có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi bệnh nhân tiếp xúc với  nguồn bệnh.

Học sinh có những dấu hiệu dưới đây cần được nghỉ ở nhà,  và thông báo cho nhà trường, cơ quan y tế địa phương được biết, các dấu hiệu bao gồm:

- Ốm,  sốt.

- Bị ho, có thể có khó thở.

- Đau họng.

- Chảy nước mũi.

- Mệt mỏi

- Bị  viêm phổi.

Khi trẻ bị sốt, cha mẹ học sinh cần cho trẻ nghỉ ngơi  và đi khám tại các  cơ sở y tế và thông báo kết quả cho giáo viên chủ nhiệm và  nhà trường biết.

Ảnh minh hoạ

Những biện pháp cần làm ngay để  phòng bệnh cho  trẻ

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ, tại các trường học,   cơ quan y tế tại địa phương đã tiến hành khử khuẩn khuôn viên trường học, lớp học, tổ chức vệ sinh, lau chùi bàn ghế, thiết bị dạy học, tẩy trùng đồ dùng cho học sinh trước  khi học sinh trở lại  lớp.

Nhà trường cần trang bị nước rửa tay và xà phòng sát khuẩn  tại các khu vệ sinh, thuận tiện cho học sinh và giáo viên sử dụng.  Dạy cho học sinh  có ý thức giữ gìn vệ sinh, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất tăng đề kháng cho cơ thể phòng tránh bệnh tật.

Trong các bữa ăn của trẻ, cha mẹ cần bổ sung thêm các thực phẩm tăng cường  miễn dịch cho trẻ như  rau xanh, hoa quả chín.  Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Duy trì thói quen vận động, tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng.

Giữ vệ sinh cá nhân- “chìa khóa” bảo vệ sức khỏe của mỗi học sinh

-Nhắc nhở học sinh rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, khi tay bẩn.

-Khuyến khích học sinh đeo khẩu trang từ nhà tới trường và khi tham gia các hoạt động học tập.

-Vệ sinh họng (Súc họng, xịt họng) bằng nước sát khuẩn miệng.

-Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, có thể dùng mặt trong khuỷu tay che miệng để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

-Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.

-Trang bị cho trẻ các kiến thức tự bảo vệ bản thân như mặc quần áo đủ ấm khi ra đường,  tăng cường sử dụng các thực phẩm tăng hệ miễn dịch, phòng bệnh tật.


Ý kiến của bạn