1. Mối nguy từ đảo lộn thói quen sinh hoạt hàng ngày
Dịp Tết, thói quen sinh hoạt đảo lộn, ăn uống thả ga dễ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính như bệnh tăng huyết áp.
Thời tiết lạnh, độ ẩm cao và mức dao động nhiệt độ lớn có mối liên hệ mật thiết với các cơn đột quỵ. Trời lạnh, độ ẩm cao cùng những căng thẳng, áp lực, ăn uống thả ga nhưng lại quên tập luyện… khiến nguy cơ đột quỵ não có xu hướng gia tăng, đe dọa sức khỏe người bệnh trong dịp Tết. Cứ tăng thêm 5 độ trong biểu đồ dao động nhiệt độ trong ngày (lấy nhiệt độ cao nhất trừ đi nhiệt độ thấp nhất), tỷ lệ đột quỵ tăng 6%.
Ngoài ra, uống nhiều rượu bia trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ đưa tới đột quỵ não. Theo khảo sát được công bố trên Tạp chí Stroke, chỉ cần 2 ly rượu mỗi ngày cũng đủ khiến tỷ lệ đột quỵ lên đến 34%.
Ngoài yếu tố thời tiết, việc ăn uống, vận động và sinh hoạt thiếu điều độ cũng khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao. Dịp tết, thói quen sinh hoạt đảo lộn, ăn uống thả ga không chỉ khiến cơ thể phát tướng mà các "vị khách không mời" như đường, cholesterol… cũng thi nhau hỏi thăm dòng máu. Chỉ số đường huyết, mỡ máu tăng cao gây "quá tải" ở động mạch, khiến máu lên não ứ đọng, tắc nghẽn gây ra đột quỵ…
Ngoài ra, những ngày Tết là những ngày mà đồng hồ sinh học bị đảo lộn, giấc ngủ bị thay đổi… mất ngủ, thiếu ngủ dẫn tới đau đầu, mất ngủ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
2. Khuyến cáo cho người bị tăng huyết áp
2.1 Hạn chế tăng cân trong những ngày Tết
Khuyến cáo chung cho bệnh nhân tăng huyết áp chính là ăn giảm muối, ăn giảm béo, bớt rượu, tăng cường vận động thân thể,...
Những món ăn ngày Tết rất giàu chất béo "xấu" gây xơ vữa động mạch, gây tăng huyết áp. Đó là thức ăn từ động vật như: thịt đông, giò thủ, các món xào...; thức ăn chứa nhiều acid béo bão hòa như: mỡ bò, mỡ cừu, dầu dừa và dầu cọ, sữa nguyên kem, bơ, lòng trắng trứng. Tuy nhiên, người bị tăng huyết áp cũng nên hạn chế ăn các loại trái cây quá ngọt như na, mít, vải.
Nên ăn những thức ăn chứa ít acid bão hòa như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô, dầu ô liu, lòng đỏ trứng, sữa gầy, sữa chua, thịt gà, cá, ...
2.2 Hạn chế món ăn chế biến sẵn
Đây là những thực phẩm có nhiều muối như giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi…
2.3 Hạn chế chất kích thích và đồ uống có cồn
Người bị tăng huyết áp không nên dùng những chất kích thích như bia, rượu, khói thuốc lá, cà phê. Trong khói thuốc có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch và gây tăng huyết áp. Còn bia, rượu có thể làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc hạ huyết áp và kéo theo nguy cơ khác như xơ gan, tổn thương hệ thần kinh nếu sử dụng nhiều.
2.4 Người tăng huyết áp cần đảm bảo bữa ăn luôn có rau và trái cây tươi
Nên ăn nhiều rau và quả tươi vì đây là những thức ăn rất cần thiết cho người bị tăng huyết áp cũng như bị các bệnh tim mạch khác, chúng chứa nhiều kali và hầu như không có natri, rất có lợi cho người tăng huyết áp.
Rau quả tươi chứa nhiều vitamin thiên nhiên, nhiều chất xơ, cần thiết cho hoạt động tiêu hóa, và còn góp phần tống cholesterol ra ngoài cơ thể.
Có thể mua các loại súp lơ, bắp cải, su hào, cà chua, rau cần, khổ qua… vì đây là những loại rau củ dễ bảo quản hơn các loại rau lá trong những ngày Tết.
2.5 Uống sữa
Một số nghiên cứu đã chứng minh người tăng huyết áp nên uống sữa, ăn sữa chua và pho mát bởi những thực phẩm này mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe. Có thể uống thêm 1-2 ly sữa tươi, sữa đậu nành hoặc sữa chua mỗi ngày.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?