Bệnh nhân là anh Nguyễn Văn L. (22 tuổi, ở Lào Cai) bị tai nạn giao thông, ô tô chèn qua đùi, được sơ cứu tại Bệnh viện Lào Cai sau đó chuyển về một bệnh viện tuyến Trung ương rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Lúc này, tình trạng của bệnh nhân rất nặng, bị lóc da, hoại tử toàn bộ vùng mặt trước, mặt trong đùi và bẹn phải, các khối cơ vùng đùi trước và trong dập nát, nhiễm trùng nặng.
Trước tình trạng đó, ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được xử trí ban đầu để chuẩn bị phẫu thuật tạo hình dự kiến sau 4 ngày, tuy nhiên bất ngờ bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt từ vùng đùi phải do hoại tử động mạch đùi, buộc phải tiến hành cầm máu khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân.
Điều khó khăn khi tiến hành mổ là các phẫu thuật viên xác định được một đoạn động mạch đùi của bệnh nhân dài khoảng 15cm bị hoại tử, thành mạch máu mủn nát, máu chảy và phun ra thành tia dẫn đến mất máu cấp. Tình huống cấp bách đòi hỏi các thầy thuốc phải quyết định phương án chỉ trong giây lát bởi với lượng máu trào ra như vậy thì chỉ khoảng 5 phút bệnh nhân sẽ tử vong.
Ekip chuẩn bị phẫu thuật cho bệnh nhân.
TS.BS Nguyễn Roãn Tuất, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người trực tiếp tham gia kíp mổ nhận định: với trường hợp này theo y văn thì phương án tháo khớp háng, cắt bỏ chân bị hoại tử để cứu sống bệnh nhân là lựa chọn dễ dàng và an toàn nhất cho thầy thuốc. Tuy nhiên, nếu có cứu sống được thì bệnh nhân cũng sẽ trở thành người tàn phế suốt đời ở tuổi 22.
Do bệnh nhân còn quá trẻ, sau khi hội chẩn chớp nhoáng, các bác sĩ đã quyết định chọn phương án táo bạo là cắt bỏ đoạn động mạch đùi hoại tử và thay thế bằng kỹ thuật ghép đoạn tĩnh mạch của chính bệnh nhân.
Kíp mổ đã tiến hành loại bỏ đoạn động mạch đùi bị hoại tử và thay thế bằng một đoạn tĩnh mạch hiển trong. Sau 3 giờ, ca phẫu thuật thành công, chân phải được giữ lại, bệnh nhân an toàn.
Bệnh nhân được theo dõi sau mổ theo một quy trình đặc biệt. Thế nhưng 16 ngày sau, các bác sĩ phải đối mặt với "thử thách cân não" lần 2 khi bệnh nhân lại đột ngột bị chảy máu ồ ạt, có những thời điểm trụy mạch, tim ngừng đập ngay trên bàn mổ cấp cứu.
Lựa chọn phương án cắt chân để cứu sống bệnh nhân - an toàn và tỷ lệ thành công cao hơn? hay tiếp tục mạo hiểm tạo hình và tái tạo động mạch đùi để vừa cứu sống vừa bảo tồn được chân cho bệnh nhân?. Và một lần nữa, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội quyết định lựa chọn phương án mạo hiểm, tiến hành các kỹ thuật tạo hình và tái tạo với sự ủng hộ của gia đình người bệnh.
Rất may, cuộc mổ đã thành công, bệnh nhân được cứu sống, chân phải vẫn được bảo tồn.
Đến nay, sau hơn 2 tháng điều trị, trải qua 5 lần phẫu thuật, anh L. đã xuất viện với đôi chân được bảo tồn thành công trong niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình và những người thầy thuốc luôn đồng hành.
TS.BS. Nguyễn Roãn Tuất cho biết, hiện tại bệnh nhân đã có thể đi lại bằng nạng, sắp tới sẽ trải qua các đợt điều trị phục hồi chức năng để sớm có thể đi lại được, khi đó thực sự sẽ là một hạnh phúc cho các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.