Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng vì quá trình phát triển bệnh phụ thuộc không những vào mầm bệnh mà còn phụ thuộc vào đáp ứng của từng cơ thể người bệnh. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết thường do các vi khuẩn Gram ( ) như tụ cầu, phế cầu, liên cầu; các vi khuẩn Gram ( - ): não mô cầu, trực khuẩn Gram ( - ) đường ruột (E.coli, Klesbsiella pneumoniae, Proteus, Enterobacter...), trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa; các vi khuẩn kỵ khí (Bacteroid fragilis, Clostridium perfringens...) thường hay đi cùng vi khuẩn Gram ( - ).
BSCKII. Vũ Thị Lừu - Chuyên khoa Nội - Tiêu hóa - Bệnh viện E, cho biết:
Nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm vì gây nên tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc (độc tố của vi khuẩn tiết ra) toàn thân nặng với các biểu hiện như sốt, da xanh tái, nổi ban, rối loạn tâm thần kinh (mệt mỏi, li bì, lơ mơ hoặc vật vã kích thích, nặng nhất là hôn mê), rối loạn ý thức, kèm theo rất nhiều biểu hiện của hệ tim mạch, hô hấp, tiết niệu... có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.
Nguyên tắc điều trị nhiễm khuẩn huyết bao gồm: diệt mầm bệnh, điều chỉnh các rối loạn do nhiễm khuẩn huyết gây ra và nâng cao sức đề kháng. Để điều trị nguyên nhân gây nhiễm khuẩn huyết, bắt buộc phải dùng kháng sinh theo vi khuẩn gây bệnh hoặc theo kháng sinh đồ, dùng liều cao, có thể phải phối hợp kháng sinh. Thời gian dùng kháng sinh không dưới 2 tuần, tùy trường hợp cụ thể có thể phải dùng hàng tháng. Nhiễm trùng huyết trước đây là bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Nhưng với sự xuất hiện của các loại kháng sinh mới, có tác dụng rộng và phương tiện hồi sức tốt, chẩn đoán kịp thời, hiện nay bệnh nhiễm trùng huyết đã giảm được tỷ lệ tử vong đáng kể. Tuy nhiên, việc điều trị nhiễm khuẩn huyết rất phức tạp và tốn kém.
Về mối liên quan với ung thư, trên thực tế có một số loại nhiễm trùng có thể dẫn tới ung thư nhưng đến nay chưa có nghiên cứu nào về mối liên quan giữa nhiễm trùng huyết và ung thư.