1. Vai trò của vận động đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm độc thai nghén
Tùy vào từng giai đoạn, nhiễm độc thai nghén có thể gây ra các triệu chứng khác nhau. Đối với tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu của thai kỳ), bà bầu bị nhiễm độc thai nghén có các biểu hiện như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, thậm chí là cứ ăn vào lại nôn. Đến tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối của thai kỳ), nhiễm độc thai nghén dẫn đến các triệu chứng điển hình như phù, tăng huyết áp, protein niệu cao.
Việc tập luyện không thể giúp chấm dứt hoàn toàn các triệu chứng của nhiễm độc thai nghén. Thế nhưng, vận động phù hợp có thể mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai như:
- Giảm thiểu mệt mỏi, khó chịu, đặc biệt có thể giúp giảm phù chân;
- Giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm như sản giật;
- Thư giãn tinh thần, giảm lo lắng, giữ cho cơ thể linh hoạt hơn…
2. Một số bài tập phù hợp với phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai bị nhiễm độc thai nghén nên tham khảo ý kiến và lời khuyên của bác sĩ về các bài tập vận động. Nhìn chung, phụ nữ mang thai nên lựa chọn những hình thức tập luyện nhẹ nhàng, chẳng hạn như bơi lội, đi bộ, tập yoga, pilates… Không tập khi cảm thấy mệt mỏi, khó chịu trong người.
Tránh tham gia những môn thể thao đòi hỏi việc nhảy, chuyển hướng đột ngột. Điều này có thể khiến bạn mất thăng bằng và bị ngã hay có va chạm trực tiếp như bóng rổ, các môn võ, lặn…
3. Những lưu ý khi tập luyện
Để đảm bảo an toàn trong khi tập luyện, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Khởi động trước khi tập bằng các bài tập kéo giãn, xoay khớp cổ, khớp vai, khớp khuỷu, khớp hông, xoay gối, xoay khớp cổ tay, cổ chân.
- Lắng nghe cơ thể để tránh luyện tập quá sức. Nếu không phải là người chăm tập thể dục thể thao trước khi mang thai, bạn nên bắt đầu tập luyện từ từ rồi tăng dần lên khi cơ thể đã quen.
- Hãy giảm cường độ tập khi thấy không thoải mái, thở dốc hoặc mệt. Phụ nữ mang thai chỉ nên tập ở cường độ vừa phải, nghĩa là các bài tập khiến bạn tăng nhịp tim, bắt đầu đổ mồ hôi, nhưng vẫn có thể nói chuyện được bình thường. Tránh thực hiện các hoạt động cường độ mạnh khiến bạn khó có thể nói chuyện mà không dừng lại để thở.
- Uống đủ nước và nên ăn nhẹ trước khi tập, không nên tập ngay sau khi ăn no.
- Mặc quần áo thoải mái, phù hợp với vận động, nhất là những loại áo ngực dành cho bà bầu.
- Nên tập với huấn luyện viên để đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật.
- Lựa chọn không gian và thời gian tập phù hợp. Không nên tập luyện ở nhiệt độ cao như tập ngoài trời nắng nóng, trong phòng xông hơi như “Hot yoga”, “Hot pilates”...
Ngoài ra, khi có một trong những dấu hiệu sau đây, phụ nữ mang thai không nên vận động:
- Chảy máu âm đạo;
- Đau vùng bụng;
- Cơn co thắt xuất hiện thường xuyên;
- Rỉ ối;
- Đau đầu, đau ngực, mệt mỏi;
- Cổ tử cung yếu, có dấu hiệu mở sớm;
- Mang đa thai có nguy cơ sinh non;
- Bong nhau thai.