Hà Nội

Bị nhiễm độc thạch tín do “thích” đốt thuốc xông nhà lấy may

15-08-2019 06:30 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Theo thông tin Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (BV ĐHYD TP HCM), bệnh viện vừa phối hợp điều trị thành công cho một người bệnh bị nhiễm độc thạch tín do thói quen đốt thuốc xông nhà gần 10 năm.

Bệnh nhân là anh N.V.T (39 tuổi) làm nghề xây dựng và kinh doanh nhà xây sẵn đã gần 10 năm nay. Anh có thói quen xông nhà mới xây với mong muốn mang lại may mắn cũng như vượng khí cho ngôi nhà. Anh T thường xuyên đã ra tiệm thuốc bắc tại địa phương để mua gói thuốc xông nhà để đốt xông bên trong và bên căn nhà.

Suốt 1 năm, dù đã điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau, thậm chí qua nước ngoài nhưng anh T vẫn thường xuyên bị sốt, ăn uống khó khăn, nôn ói, chân tay ngày càng yếu. Ngày 14-5-2019, anh T đến BV ĐHYD TPHCM trong tình trạng nguy cấp với các biểu hiện của bệnh cảnh tự miễn như sốt, đau bụng, nôn ói liên tục, yếu liệt tứ chi, suy kiệt, bụng báng nhiều.

Gói dược liệu để xông nhà được anh T. mua ở một tiệm thuốc bắc gần nhà anh.

Tại Khoa Nội cơ xương khớp, các bác sĩ đánh giá tình trạng người bệnh nặng, nguy cơ tử vong vì có dấu hiệu của nhiễm trùng, xơ gan, nguy cơ xuất huyết do giảm tiểu cầu, suy dinh dưỡng nặng nên các bác sĩ đã tích cực xử trí ngay từ đầu với kháng sinh mạnh - phổ rộng, truyền máu, truyền tiểu cầu, chọc tháo dịch báng, bổ sung dinh dưỡng, nâng đỡ tổng trạng, đồng thời tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa: Tiêu hóa, Thần kinh, Huyết Học, Da Liễu để xác định chẩn đoán.

Sau khi nghi ngờ người bệnh bị ngộ độc thạch tín (Asen), các bác sĩ đã tiến hành thu thập mẫu máu, nước tiểu, tóc, móng của người bệnh để xét nghiệm độc chất. Đúng như dự đoán, người bệnh bị ngộ độc thạch tín, nồng độ Asen trong tóc, móng của người bệnh cao hơn từ 300 - 500 lần so với giá trị thông thường.

Theo TS. BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, ngay khi chẩn đoán người bệnh bị ngộ độc thạch tín, các bác sĩ đã liên lạc với các trung tâm điều trị lớn trong nước và quốc tế để hội chẩn về việc điều trị đặc hiệu cho người bệnh. Theo y văn thì để điều trị, cần loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng phương pháp chelation (là dùng các loại thuốc có thể kết nối với kim loại nặng để nó có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể bằng đường tiểu).

BS Cao Thanh Ngọc cho hay, ở Việt Nam nguồn thuốc rất khan hiếm nên bệnh viện đã liên lạc với Bệnh viện ở Đài Loan. Nhờ sự hợp tác trước đó giữa 2 bệnh viện cũng như sự giới thiệu của một số bác sĩ đã và đang học tại Đài Loan, Khoa Nội cơ xương khớp đã liên lạc với các chuyên gia tại Khoa Chống độc Bệnh viện ở Đài Loan và được các chuyên gia tại đây nhanh chóng hỗ trợ thủ tục để đưa người bệnh qua Đài Loan chữa bệnh.

Hiện tình trạng sức khỏe của anh T đã được cải thiện nhiều.

Thạch tín (hay còn gọi là asen) là một kim loại nặng, có 2 dạng: thứ nhất là thạch tín hữu cơ (nằm trong thực vật và mô thịt động vật), loại thạch tín này thường vô hại đối với con người; thứ 2 là thạch tín vô cơ tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thuỷ ngân, được công nhận là các chất gây ung thư nhóm một. Thạch tín và các hợp chất của thạch tín được sử dụng làm thuốc trừ dịch sâu, thuốc diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim.

Nếu bị nhiễm độc thạch tín dần dần, mỗi ngày tích tụ một ít, tuỳ theo mức độ bị nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, làm rối loạn sắc tố da; sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân; gây hoại tử các vết loét ở tay, chân; ung thư; thậm chí tử vong.

Thạch tín không chỉ tồn tại trong nước mà còn có mặt trong không khí, trong đất, thực phẩm và rất dễ xâm nhập vào cơ thể con người. Thạch tín đi vào vào cơ thể con người qua 3 đường chính: hô hấp, tiêu hóa và qua da. Khi vượt quá ngưỡng an toàn thì thạch tín trong thực phẩm, nước uống hoặc không khí sẽ trở thành chất độc gây nguy hiểm.

TS BS. Cao Thanh Ngọc khuyến cáo, người dân không nên sử dụng những chế phẩm hay thuốc men không rõ nguồn gốc, không nên lạm dụng bất cứ đồ vật hay món ăn gì, như dùng thường xuyên 1 món ăn, nước uống lâu dài, một loại thực phẩm chức năng khi chưa biết rõ chính xác thành phần bên trong. Tốt nhất, nên ăn uống đa dạng, luân phiên thay đổi. Nếu có các triệu chứng của bệnh thì nên đến bệnh viện để khám và điều trị bằng những thuốc đã được nghiên cứu, kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả, độ an toàn cũng như liều lượng chuẩn xác. Đôi khi, một chất với liều nhỏ có thể là thuốc chữa bệnh nhưng với liều cao lại là thuốc độc gây chết người.

 


Nga Sơn
Ý kiến của bạn