Bệnh viện Việt Đức ngày 1/10 cho biết đã tiếp nhận trường hợp người bệnh V.V.T (65 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) vào viện do tai nạn lao động ngã cao khi đang đi trèo cây thuê. Người bệnh bị ngã ở độ cao 5m và đập ngực xuống nền cứng, được gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, tiến hành sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám cho ông T. cho thấy thấy ngực bầm tím, biến dạng. Qua khai thác người bệnh có tiền sử lao phổi 10 năm đã điều trị đủ theo phác đồ. Ông T. được đưa đi chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang, phát hiện thấy tổn thương vỡ mạch nuôi não và tay bên phải sát với động mạch chủ có nguy cơ vỡ (khối giả phình ở gốc của thân động mạch cánh tay đầu 2,2×1,7 cm); tổn thương đụng dập kèm theo tràn dịch – tràn khí qua màng phổi phải, đụng dập thùy trên phổi trái kèm tràn dịch màng phổi trái, gãy nhiều xương sườn từ III – XI bên phải, gãy di lệch nhiều 1/3 trên xương ức, tràn khí dưới da thành bụng nhiều; gãy gai ngang đốt sống L1, L2 bên trái.
Theo chuyên gia về phẫu thuật tim mạch – lồng ngực: Trước cuộc mổ sau khi đã hội chẩn cho thấy bệnh nhân với nhiều chấn thương phức tạp nên cân nhắc chỉ định kỹ thuật Hybrid (hội chẩn với ekip can thiệp về khả năng đặt stent và mổ bắc cầu các mạch nuôi não và chi trên do: bệnh nhân cao tuổi, thương tổn nặng…).
Tuy nhiên, do tình trạng tối cấp cứu (nguy cơ doạ vỡ), bệnh nhân không có điều kiện kinh tế để đặt stent (400-500 triệu) cùng với thương tổn phức tạp nên đã thống nhất đưa đến quyết định phẫu thuật dùng máy tim phổi nhân tạo (để kiểm soát tưới máu của não cũng như hệ thống tuần hoàn của động mạch chủ nuôi các cơ quan khác) để xử lý tổn thương.
Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh khi gặp các chấn thương nặng (vùng ngực, bụng, sọ não…) cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám, thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng (chụp phim cắt lớp, siêu âm…) để phát hiện sớm thương tổn và xử trí kịp thời tránh nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng.