Bệnh nhân tên là N. T. V, theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong lúc vệ sinh téc đựng nước trên cao, do trượt chân khiến người bệnh ngã vào trần thạch cao rồi rơi xuống chiếu nghỉ cầu thang và lăn tiếp hết cầu thang xuống sàn nhà tầng 1 rồi dừng lại, sau đó được người nhà đưa vào cấp cứu ngay.
Theo Bác sĩ Vi Trường Sơn - Khoa Ngoại thần kinh, BVĐK tỉnh Phú Thọ, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám, chụp cộng hưởng và được chấn đoán: Chấn thương cột sống lún vỡ L1,L3 mất vững có chèn ép tủy liệt 2 chân mức độ Frankel B theo phân loại của hiệp hội gây mê Hoa Kỳ ASA (American Society of Anesthesiologists).
Hình ảnh phim cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính trước mổ.
Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã hội chẩn để tiến hành phẫu thuật cố định cột sống và giải chèn ép tủy cho người bệnh.
Cuộc phẫu thuật kéo dài 3 giờ đồng hồ, đã được kíp phẫu thuật sử dụng các trang thiết bị hiện đại như dụng cụ cố định cột sống. Theo Bác sĩ Sơn , người bệnh đã được nhập viện, tiến hành phẫu thuật kịp thời nên có cơ hội phục hồi tổn thương thần kinh sớm.
Ảnh chụp từ Phim Xquang cột sống thắt lưng sau phẫu thuật
Hiện người bệnh đã hồi phục rất tốt, 2 chân đã cử động được. Tổn thương tủy đã hồi phục, không có rối loạn cơ tròn, dự kiến xuất viện vào 5 ngày tới.
Chia sẻ về tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân V. cho biết: Niềm vui đã đến với tôi và gia đình, lúc ban đầu gia đình tôi chưa thật sự tin tưởng vào tay nghề các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh nên đã tính phương án đưa tôi về bệnh viện lớn ở Hà Nội. Nhưng khi được các bác sĩ tận tình giải thích cũng như tham khảo ý kiến của các bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công đang nằm điều trị cùng phòng, gia đình tôi hoàn toàn tin tưởng để các bác sĩ phẫu thuật cho tôi. Sau phẫu thuật 7 ngày phẫu thuật, hôm nay tôi thấy rất vui vì đã được cứu sống ngay tại bệnh viện tỉnh nhà.
BS. Vi Trường Sơn kiểm tra cử động chân tay cho người bệnh sau 5 ngày phẫu thuật .
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn thận trong khi làm việc ở độ cao, bởi khi ngã cao có thể dẫn đến chấn thương nặng như chấn thương sọ não và chấn thương cột sống có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề.
Các chuyên gia khuyến cáo: Khi có người ngã từ trên cao xuống thì những người xung quanh không nên bế vác dậy ngay mà cần nhanh chóng gọi xe cứu thương. Trong khi chờ nhân viên y tế tới thì cần kiểm tra xem nạn nhân có những chấn thương gì hay không. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, chỉ bị chảy máu thì băng bó vết thương, còn nếu bị gãy tay, chân thì cần cố định vùng gãy đúng cách.
Trong trường hợp nạn nhân có các tổn thương ở vùng cổ thì nên đặt đầu bệnh nhân nằm thẳng trục ở tư thế trung gian. Nghĩa là không cúi gập, ngửa hay xoay cổ, nên để đầu bệnh nhân trên nền cứng như miếng ván gỗ. Đồng thời chèn quần áo hay bao cát ở hai bên cổ để cố định, tránh trường hợp bệnh nhân xoay cổ.
Với những bệnh nhân bị chấn thương ở vùng cột sống lưng và xương ngực thì nên đặt bệnh nhân nằm sấp hoặc nằm ngửa trên cáng cứng. Sau đó cố định bệnh nhân ở 3 điểm là đầu, vai và ngang khung chậu. Tuyệt đối không lôi, kéo hay lật trở bệnh nhân. Khi vận chuyển bệnh nhân, nếu không có cáng cứng thì cần có người luôn đi sát để đỡ bệnh nhân, phòng trường hợp cột sống bị dịch chuyển.