Bị muỗi sốt rét đốt, bao nhiêu ngày thì phát bệnh?

03-03-2014 16:36 | Y học 360
google news

SKĐS - Người bình thường khỏe mạnh khi đi công tác, lao động vào trong vùng sốt rét lưu hành nếu không được phòng ngừa tốt sẽ rất dễ có nguy cơ bị muỗi Anopheles chích đốt máu để truyền bệnh sốt rét.

Người bình thường khỏe mạnh khi đi công tác, lao động vào trong vùng sốt rét lưu hành nếu không được phòng ngừa tốt sẽ rất dễ có nguy cơ bị muỗi Anopheles chích đốt máu để truyền bệnh sốt rét. Từ khi bị muỗi truyền bệnh chích đốt máu, khi nào thì mới bắt đầu có dấu hiệu khởi phát bệnh sốt rét trên lâm sàng?

Nếu muỗi Anopheles mang thể thoa trùng của ký sinh trùng sốt rét chích đốt máu người lành khỏe mạnh thì sẽ truyền thoa trùng ở tuyến nước bọt sang cho người. Khi đó thoa trùng của ký sinh trùng sốt rét thực hiện sự phát triển trong cơ thể người để bắt đầu một giai đoạn trong vòng đời mới và gây bệnh cho người.

Hỏi kỹ người bệnh khi khám để khảo sát thời gian ủ bệnh và yếu tố dịch tễ sốt rét.

Thời gian bắt đầu phát bệnh

Thời gian từ khi muỗi mang mầm bệnh là thể thoa trùng của ký sinh trùng sốt rét ở tuyến nước bọt truyền sang người lành khỏe mạnh qua vết chích đốt máu cho đến khi người bị phát bệnh với triệu chứng đầu tiên được gọi là thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ này tương ứng với giai đoạn ký sinh trùng sốt rét phát triển trong tế bào gan và chu kỳ phát triển trong hồng cầu. Về nguyên tắc sau một chu kỳ, những ký sinh trùng non được tạo thành sẽ phá vỡ hồng cầu để tung ký sinh trùng vào máu; khi đó bệnh nhân lên cơn sốt. Trên thực tế, những cơn sốt tiên phát xảy ra lần đầu tiên thường phải trải qua sau hai hoặc ba chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét trong hồng cầu thì bệnh nhân mới lên cơn sốt. Thời gian ủ bệnh của mỗi chủng loại ký sinh trùng sốt rét thường khác nhau.

Khi bị nhiễm chủng loại P.falciparum, thời gian ủ bệnh từ 8 - 16 ngày, trung bình là 12 ngày. Khi bị nhiễm chủng loại P.vivax, thời gian ủ bệnh từ 10 - 20 ngày, trung bình là 14 ngày. Khi bị nhiễm chủng loại P.ovale, thời gian ủ bệnh từ 12 - 20 ngày, trung bình là 14 ngày. Khi bị nhiễm chủng loại P.malariae, thời gian ủ bệnh từ 18 - 35 ngày, trung bình là 21 ngày.

Tuy vậy, trên thực tế thời gian ủ bệnh của chủng loại ký sinh trùng sốt rét P.vivax, P.ovale, P.malariae có thể kéo dài tới vài tháng, vài năm, thậm chí vài chục năm do chủng loại P.vivax, P.ovale có các chủng thoa trùng phát triển chậm trong tế bào gan thường gọi thể ngủ hay thể ẩn ký sinh trong gan sau khi ký sinh trùng xâm nhập; ngoài ra chủng loại P.malariae có khả năng phát triển chậm trong hồng cầu.

Chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét ở muỗi và người.

Trong thời gian ủ bệnh, bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, vẫn sinh hoạt, ăn uống, đi lại bình thường. Vài ngày trước khi xuất hiện cơn sốt đầu tiên, người bệnh có một số triệu chứng khởi đầu như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn... rồi sau đó chuyển sang thời kỳ phát bệnh. Chú ý cơn sốt tiên phát thường không điển hình, không có tính chất chu kỳ như những cơn sốt tiếp theo; con sốt thường kéo dài liên miên, dao động; giai đoạn sốt nóng kéo dài, bệnh nhân ở trong tình trạng li bì, mệt mỏi. Những cơn sốt tiếp theo thường có chu kỳ rõ rệt tương ứng với chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét trong hồng cầu theo từng chủng loại ký sinh trùng; có cơn sốt hàng ngày, có cơn sốt cách nhật và có cơn sốt cách ba ngày một cơn.

Như vậy, từ khi muỗi truyền bệnh chích đốt máu truyền ký sinh trùng sốt rét sang cơ thể người lành khỏe mạnh bình thường để gây bệnh bằng các triệu chứng khởi phát đầu tiên có thời gian khác nhau tùy theo chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm. Trung bình 12 ngày khi bị nhiễm P.falciparum; 14 ngày khi bị nhiễm P.vivax, P.ovale và 21 ngày khi nhị nhiễm P.malariae nhưng cũng có thể lâu hơn đối với chủng loại ký sinh trùng sốt rét có thể ngủ hay thể ẩn ký sinh ở gan. Thời gian ủ bệnh được tham khảo khi vấn chẩn khám bệnh kết hợp với việc khai thác yếu tố dịch tễ vào vùng sốt rét lưu hành cũng có thể có giá trị gợi ý giúp cho việc chẩn đoán bệnh trên lâm sàng trước khi thực hiện kỹ thuật xét nghiệm máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét gây bệnh.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh


Ý kiến của bạn