Bỉ mở phiên tòa xét xử tổ chức Hồi giáo cực đoan lớn nhất

30-09-2014 09:51 | Quốc tế
google news

Tổ chức này gồm 46 thành viên, đứng đầu là Fouad Belkacem bị kết tội tuyển mộ các thanh niên Bỉ để đưa sang Syria tham gia vào hàng ngũ thánh chiến, đồng thời chủ trương hủy bỏ dân chủ, thành lập một Nhà nước Hồi giáo ở Bỉ.

Bị can đồng thời là nhân chứng Jejoen Bontinck trên đuông đến tòa (Nguồn: AP)

Bị can đồng thời là nhân chứng Jejoen Bontinck trên đuông đến tòa (Nguồn: AP)

Xuất hiện từ năm 2010 và để đạt được mục tiêu của mình, Sharia4Belgium tập trung vào 5 hoạt động gồm truyền bá tư tưởng thông qua Internet và các mạng xã hội, tuyển dụng thanh niên Hồi giáo thông qua việc truyền đạo trên đường phố, tuyên truyền học thuyết tại các buổi đào tạo tư tưởng và thể chất, tổ chức bạo động tại Bỉ và tham chiến ở Syria.

Những hoạt động này đã được lên kế hoạch từ một căn hộ ở Antwerp, là đại bản doanh của Sharia4Belgium. Mỗi tuần, nhóm này tổ chức 5 buổi học về ý thức hoặc thể chất. Ngoài ra, các thành viên cũng bắt buộc phải tham dự huấn luyện chiến đấu nếu không sẽ bị trừng phạt.

Sau khi tuyển dụng các thanh niên, Sharia4Belgium sẽ “tẩy não” họ bằng học thuyết salafisme. Khi những người này đã thấm nhuần đầy đủ ý thức hệ, họ bắt đầu tham gia vào các hành động bạo lực.

Hoạt động đầu tiên của Sharia4Belgium được tiến hành vào tháng Ba năm 2010 bằng cách phá vỡ buổi tọa đàm tại Đại học Antwerp. Sau đó, nhóm tổ chức hàng loạt các vụ bạo động khác tại Antwerp.

Kể từ tháng 8/2012, phần lớn các lãnh đạo và thành viên của nhóm, trừ kẻ cầm đầu Fouad Belkacem, tham gia tham chiến tại Syria. Fouad Belkacem có vai trò như "chất xúc tác" trong việc mở rộng mạng lưới tuyển mộ các chiến binh thánh chiến. Tên này bị bắt giữ năm 2013 trong một chiến dịch quy mô của cảnh sát Bỉ tiến hành tại Antwerp và Brussels.

Hiện nay Bỉ có khoảng 300-400 công dân tham chiến trong hàng ngũ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong đó vài chục người do Sharia4Belgium tuyển mộ.

Trong phiên xét xử hôm 29/9, chỉ có 16 bị cáo có mặt. Theo các nhà chức trách Bỉ, số còn lại có thể vẫn tham chiến ở Syria hoặc đã chết. Những người này phải đối mặt với mức án 20 năm tù giam và có thể bị truy tố trước Tòa án quốc tế La Haye.

Phiên tòa này được nhìn nhận như là một phần chiến lược của giới chức nước Bỉ nhằm ngăn chặn dòng người rời bỏ quốc gia này để sang Iraq và Syria gia nhập vào IS.

 


Ý kiến của bạn