Trung tâm Y tế TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết vừa có báo cáo về trường hợp tử vong do bệnh dại, nghi bị mèo cào. Nạn nhân là bà V.T.T.D, 53 tuổi, trú phường Long Tâm, TP Bà Rịa.
Khai thác bệnh sử, người nhà bà D cho biết: vào ngày 25/5, bà bị mèo nuôi tại nhà cào vào cẳng chân gây xước da, chảy máu nhẹ. Do nghĩ rằng mèo nuôi không có vấn đề gì nên bà D không đi điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Bà D cũng chưa tiêm phòng trước phơi nhiễm. Ngày 20/11, bà D có biểu hiện sốt, đau họng, mệt mỏi nhưng vẫn đi làm bình thường. Ba ngày sau, thấy bà D mệt mỏi, khó thở nên người nhà đưa đi khám và nhập viện.
Đến sáng 24/11, bệnh nhân khó thở tăng, bứt rứt, ho khạc nhiều nên được người nhà xin tự chuyển tuyến và nhập viện tại Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, với chẩn đoán bệnh dại không đặc hiệu.
Một ngày sau, bệnh nhân được người nhà xin về Bệnh viện Bà Rịa tiếp tục điều trị, sau đó xin xuất viện và tử vong sau đó. Theo kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân D. dương tính với virus dại.
Theo người nhà bệnh nhân D, con mèo cào vào cẳng chân bà D. là loại mèo cỏ, chưa tiêm phòng vaccine.
Sau khi ghi nhận trường hợp tử vong này, Trung tâm Y tế TP Bà Rịa phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và phường Long Tâm hướng dẫn các trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh theo dõi sức khỏe, tuân thủ lịch tiêm vắc xin. Các đơn vị chức năng cũng tổ chức phun khử khuẩn khu vực nhà ca bệnh.
Khi bị mèo cào, cắn, liếm vào vết xước ngay lập tức sử dụng xà phòng rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 15 phút
Những việc cần làm ngay lập tức khi bị mèo cào, cắn, liếm vào vết xước
Vết mèo cào có thể mang theo vi khuẩn trong miệng và trên móng vuốt, nếu chúng được truyền vào cơ thể của con người thông qua vết cắn hoặc vết cào, có thể sẽ gây nhiễm trùng và gây ra các triệu chứng như đau, sưng, viêm, sốt hoặc lây truyền bệnh dại. Bệnh dại do virus nếu không được tiêm phòng gần như sẽ gây tử vong 100% trên người.
Thời gian ủ bệnh của virus dại trong cơ thể người kể từ thời điểm bị bệnh này tấn công có thể trong khoảng từ 5 ngày cho tới hơn 1 năm, mặc dù thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2 - 3 tháng.
Theo BS Đinh Thị Vân Anh – Phó Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bị mèo cào hay bị chó, động vật cắn, cào, liếm vào vết xước, bạn ngay lập tức làm những việc sau:
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy, càng sớm càng tốt trong 15 phút.
- Rửa vết thương bằng xà phòng và nước hoặc bằng các chất có tác dụng diệt khuẩn như cồn iode; cồn 70 độ hoặc rượu mạnh; xà phòng, dầu gội, dầu tắm…
- Khẩn trương đến các cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh theo từng trường hợp cụ thể căn cứ theo tình trạng động vật cắn, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh; tình trạng và số lượng vết cắn, vị trí bị cắn; tình hình bệnh dại trong vùng.
Tóm lại: Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine, vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Mọi người đừng lo ngại, hay do dự tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.