Hà Nội

Bí mật về sợi tóc

21-01-2019 08:01 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Bình thường, trên da đầu của mỗi người có khoảng hơn 100.000 - 150.000 sợi tóc, mỗi ngày có 70 - 100 sợi tóc rụng và cũng có từng ấy sợi tóc mới mọc. Sự thay đổi của mái tóc là dấu hiệu thể hiện tình trạng sức khỏe của bạn.

bi-mat-ve-soi-toc-1

Đoán bệnh qua mái tóc

Tóc thưa, khô dần hay da đầu có vảy là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe bạn có vấn đề. Sự thay đổi cấu trúc tóc khiến tóc mảnh hơn có thể là dấu hiệu của việc tuyến giáp không hoạt động hiệu quả - hay còn gọi là bệnh thiểu năng tuyến giáp. Bên cạnh đó, những dấu hiệu khác của bệnh thiểu năng tuyến giáp gồm có mệt mỏi, tăng cân, nhịp tim chậm và hay bị lạnh.

Da đầu có vảy hoặc những mảng cứng, thường bắt đầu ở đường chân tóc

bi-mat-ve-soi-toc-3

Da đầu đóng một lớp vảy cứng dày có thể là dấu hiệu của bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến là bệnh thông thường nhất trong số tất cả các bệnh tự miễn, xảy ra khi các tế bào da phát triển quá nhanh chóng. Nếu bị các bệnh tự miễn, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh vảy nến. Ngược lại, nếu phát hiện ra mình bị vảy nến, bạn nên đề phòng việc mình mắc những bệnh khác. Có tới 30% những người bị vảy nến mắc bệnh viêm khớp vảy nến - một căn bệnh làm các khớp bị sưng tấy, gây đau đớn.

Đó cũng có thể là những dấu hiệu của bệnh viêm da tiết bã nhờn. Đây là một bệnh viêm da đầu mạn tính, khiến da đầu có những vảy ngứa, thường xảy ra ở vùng da dầu. Căn bệnh này thường xảy ra cùng lúc với nhiễm nấm - bệnh phát tác do sự tăng trưởng quá nhanh của nấm men (thường xuất hiện trên da và da đầu). Lợi dụng lúc da bị kích thích, loại nấm men pityrosporum ovale tác động và làm cho da bị sưng tấy nhiều hơn nữa.

Tóc thưa dần

Bình thường bạn rụng khoảng 70 - 100 sợi tóc mỗi ngày. Tuy nhiên, sau khi gội đầu mà nhận thấy nhiều tóc rụng bám vào lược, khăn lau hay tóc rụng thành từng đám thì đó là dấu hiệu đáng lo ngại. Một nguyên nhân thông thường của hiện tượng này là do căng thẳng tâm lý, thường xảy ra sau bị stress, thất nghiệp…, lên cơn sốt do cúm hay bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, bệnh đái tháo đường cũng khiến tóc mỏng hoặc rụng đột ngột. Các chuyên gia cho rằng tóc rụng nhiều là dấu hiệu cảnh báo ban đầu của việc bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến lượng hormone trong cơ thể.

Tóc khô, giòn và dễ gãy

Nếu sáng dậy, nhìn thấy các sợi tóc bám trên gối thì đó thường là do tóc bạn bị gãy chứ không phải bị rụng khỏi nang tóc. Hiện tượng tóc gãy thường xảy ra do tóc trở nên giòn dưới tác động của hóa chất (ép, nhuộm, uốn…)

Tuy nhiên, cũng có một số bệnh khiến tóc giòn và dễ gãy như hội chứng cushing - một chứng rối loạn tuyến thượng thận làm hormone cortisol bị sản xuất quá nhiều. Bệnh giảm năng tuyến cận giáp - căn bệnh xảy ra do di truyền hoặc do tuyến cận giáp bị tổn thương khi phẫu thuật đầu và cổ cũng có thể khiến tóc khô và dễ gãy.

Tóc rụng thành từng cụm nhỏ

Phản ứng miễn nhiễm của cơ thể làm ảnh hưởng tới các nang tóc, khiến nó teo lại và tóc rụng thành từng cụm nhỏ. Các chuyên gia gọi kiểu rụng tóc này là rụng tóc mảng. Bệnh rụng tóc mảng có thể gây rụng lông mày hoặc lông mi - một triệu chứng phân biệt bệnh này với các kiểu rụng tóc khác.

Bệnh đái tháo đường cũng có thể gây ra kiểu rụng tóc này ở một số người. Trong những ca bệnh nặng, bệnh nhân có thể rụng hết tóc trên đầu hoặc thậm chí là rụng hết lông trên người.

Tóc bạc sớm

Tóc chuyển hoa râm hay bạc chủ yếu là do di truyền, tuy nhiên căng thẳng cũng gây ra hiện tượng tóc hoa râm. Căng thẳng có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền làm xáo trộn việc chuyển tải sắc tố melanin - sắc tố quyết định màu tự nhiên của tóc.

bi-mat-ve-soi-toc-4

Cấu tạo thân tóc

Dinh dưỡng cho tóc khỏe

Để giữ mái tóc luôn khoẻ đẹp, chúng ta cần chú ý bảo đảm nguồn dinh dưỡng hàng ngày cho tóc.

Protein là thành phần chính cấu tạo nên tóc. Để cơ thể tổng hợp được chất này một cách dễ dàng, bạn nên ăn các thức ăn giàu chất đạm. Các protein thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, cá, sữa, thịt nạc, gan… tốt cho tóc hơn là các đạm thực vật. Tuy nhiên, nên dùng đậu nành vì ngoài cung cấp protein, nó còn ít chứa các chất béo gây hại cho tóc.

Sắt là thành phần chủ yếu giúp tóc mọc nhanh. Các thực phẩm giàu chất sắt như thịt gia cầm, đậu nành, lúa mì, thịt bê, lươn, tim bò, thịt bò, lạc, lòng đỏ trứng. Các loại quả khô như chà là, nho khô, rau đậm màu như rau cải và các loại hạt ngũ cốc đều chứa nhiều sắt.

Ngoài việc chọn thức ăn giàu loại sắt dễ hấp thu, bạn còn nên bổ sung vitamin C từ hoa quả như cam, dâu và chanh để kích thích cơ thể tiếp nhận sắt; hạn chế dùng trà, cà phê vì chúng có tác dụng ngược lại.

Kẽm, thành phần vi lượng quan trọng ngăn rụng tóc: Kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp protein và phân chia tế bào. Kẽm có vai trò quan trọng trong việc gắn kết các nang tóc. Khi cơ thể của bạn có hàm lượng kẽm thấp, các nang tóc sẽ yếu đi và đó là nguyên nhân khiến các sợi tóc không đủ khả năng bám lại da đầu và rụng xuống.

Những nguồn thực phẩm cung cấp nhiều kẽm nhất là sò huyết, hải sản, các loại thịt đỏ, lúa mì non, pho-mát, hạt dẻ.

bi-mat-ve-soi-toc-5

Vitamin làm tóc mọc nhanh và mềm mại hơn

Các vitamin nhóm B có vai trò quan trọng trong việc giữ cho tóc, da đầu và da luôn được khỏe. Các vitamin B có trong các loại thực phẩm, nhất là ở hạt ngũ cốc, bánh mì, rau lá xanh, các loại đậu, đậu nành, men, mộng lúa mì, thịt bò (nhất là ở gan). Thiếu vitamin nhóm B có thể dẫn đến thiếu máu, gây ra các vấn đề về thần kinh, viêm da đầu và da; Làm tóc bạc sớm, rụng tóc.

Hạn chế chất béo có hại cho tóc: Một chế độ ăn giàu chất béo làm tăng hàm lượng testosterone - nguyên nhân gây rụng tóc. Những đồ ăn này còn ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển bình thường của tóc, dễ gây khô và bạc tóc. Để có mái tóc đẹp, bạn nên hạn chế đồ ăn có chứa nhiều đường, dầu mỡ, các loại đồ ăn chứa nhiều axit chua như các loại bánh ngọt, kem, các loại đồ ăn nhanh, các món chiên xào nhiều dầu mỡ, các loại rau củ quả chế biến theo hình thức lên men…


Bác sĩ Hồng Hạnh
Ý kiến của bạn