Bí mật về những đốm nâu của hươu cao cổ

07-07-2025 10:48 | Quốc tế
google news

SKĐS - Khi nhắc đến hươu cao cổ, ai cũng nhớ đến chiếc cổ dài nổi bật. Nhưng ít ai biết rằng bộ lông đốm đặc trưng của chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sinh tồn.

Những đốm lông ấy không chỉ là "trang sức" thiên nhiên ban tặng, mà còn là một phần thiết yếu giúp hươu cao cổ sống sót giữa môi trường khắc nghiệt.

Bí mật về những đốm nâu của hươu cao cổ- Ảnh 1.

Đốm của hươu cao cổ giúp các loài động vật ẩn náu, giữ mát và nhận ra nhau. (Nguồn: Getty Images)

Lý do đầu tiên khiến hươu cao cổ có đốm chính là để ngụy trang. Những mảng đốm không đều về hình dạng và màu sắc giúp phá vỡ đường nét tổng thể của cơ thể chúng, khiến kẻ săn mồi khó phát hiện, đặc biệt là khi ánh sáng mặt trời xuyên qua tán cây tạo nên những mảng sáng tối chồng lấp trong môi trường sống tự nhiên.

Mặc dù sở hữu thân hình cao lớn, hươu cao cổ có thể đứng cách vài mét mà vẫn khó bị phát hiện nếu đứng yên giữa rừng cây. Tùy theo môi trường sống, kiểu đốm cũng có sự khác biệt rõ rệt. Một số nhà khoa học cho rằng, đốm lông của một số loài hươu cao cổ thậm chí còn mô phỏng hình dáng cành cây keo, loài thực vật phổ biến trên các thảo nguyên châu Phi, như một cách để hòa nhập vào không gian xung quanh.

Việc ngụy trang này đặc biệt quan trọng với những con hươu cao cổ con. Chúng rất dễ trở thành mục tiêu của các loài săn mồi như sư tử hay linh cẩu, nên việc "ẩn mình" trong bóng râm là điều sống còn. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, những bê con sở hữu các đốm tròn và lớn hơn thường có tỷ lệ sống sót cao hơn, nhờ khả năng ngụy trang hiệu quả hơn. Điều thú vị là, các đốm lông này có thể mang tính di truyền, bê con thường có kiểu đốm gần giống với mẹ của chúng.

Tuy nhiên, vai trò của các đốm lông không dừng lại ở việc ngụy trang. Chúng giống như một hệ thống điều hòa nhiệt độ tinh vi mà thiên nhiên đã "thiết kế" sẵn. Hươu cao cổ sống ở những vùng rất nóng, nhưng chúng lại không thể đổ mồ hôi hay thở hổn hển để làm mát cơ thể như nhiều loài động vật khác. Bí quyết của chúng nằm ngay bên dưới những đốm lông: một mạng lưới dày đặc các mạch máu.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng cao, các mạch máu dưới những mảng đốm sẽ giãn nở, đưa máu gần hơn tới bề mặt da để tỏa nhiệt ra ngoài. Những bức ảnh nhiệt chụp trong điều kiện nắng nóng cho thấy, các đốm trên thân hươu cao cổ thường có nhiệt độ cao hơn so với vùng da xung quanh, bằng chứng cho thấy chúng thực sự đóng vai trò như những "cửa sổ tản nhiệt".

Một nghiên cứu trên loài hươu cao cổ Masai còn cho rằng kích thước đốm có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ: các đốm lớn giúp giữ nhiệt tốt hơn trong môi trường lạnh, trong khi đốm nhỏ lại hỗ trợ tỏa nhiệt hiệu quả hơn trong điều kiện nắng nóng.

Đặc biệt, kiểu đốm cũng ảnh hưởng khác nhau đến từng giới tính. Nghiên cứu cho thấy đốm lông có liên quan đến khả năng sống sót ở những con đực trưởng thành, những cá thể thường di chuyển xa và phải đối mặt với nhiều biến động nhiệt độ trong ngày. Trong khi đó, hươu cao cổ cái có xu hướng ở gần con non và ít di chuyển hơn, nên không chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố này.

Không chỉ hỗ trợ ngụy trang và điều hòa nhiệt độ, các đốm còn đóng vai trò trong giao tiếp và nhận diện họ hàng. Theo nghiên cứu năm 2022 tại Tanzania, những con hươu cao cổ Masai thường có xu hướng thân thiết và tạo liên kết xã hội chặt chẽ hơn với các cá thể có kiểu đốm tương tự mình. Vì kiểu đốm có thể được truyền từ mẹ sang con, điều này cho thấy chúng sử dụng các đốm lông như một tín hiệu để nhận biết người thân trong đàn.

Cuối cùng, một số nhà nghiên cứu còn cho rằng các đốm lông có thể là tín hiệu về sức khỏe và địa vị xã hội, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút bạn tình, giống như cách nhiều loài động vật khác sử dụng màu sắc hoặc dấu hiệu cơ thể để "gây ấn tượng" trong mùa sinh sản. Dù giả thuyết này chưa được kiểm chứng cụ thể ở hươu cao cổ, nhưng rõ ràng rằng các đốm lông không đơn thuần là lớp trang trí ngẫu nhiên.

Hươu cao cổ Nam Phi với chiếc cổ xoắn độc lạHươu cao cổ Nam Phi với chiếc cổ xoắn độc lạ

SKĐS - Ngày 23/7, theo Live Science, một con hươu cao cổ non với chiếc cổ bị vẹo nghiêm trọng đã được phát hiện ở khu bảo tồn tư nhân tại vườn quốc gia Kruger, Nam Phi, thu hút sự chú ý của du khách và các chuyên gia.


Xuân Minh
(theo Live Science)
Ý kiến của bạn