Hà Nội

Bí mật chưa từng tiết lộ về xuất thân của Hoài Lâm

25-09-2014 19:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong giới showbiz, ngoài danh xưng con nuôi Hoài Linh thì đời tư của Hoài Lâm vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Sau chương trình Gương mặt thân quen, Hoài Lâm bắt đầu nổi lên như một hiện tượng trong làng giải trí bởi tài ca hát, cũng như khả năng hóa thân thành nhiều nhân vật quen thuộc. Nhưng chuyện về đời tư của Hoài Lâm vẫn còn là một dấu hỏi lớn, chứa đựng nhiều bí ẩn, bất ngờ…

Gia đình Hoài Lâm

Bất ngờ đầu tiên: Hoài Lâm thuộc dòng họ cải lương tài tử (Bài 1)

Hoài Lâm sinh năm 1995, tên thật là Nguyễn Tuấn Lộc (Hoài Lâm là nghệ danh do bố nuôi - Hoài Linh đặt). Quê nội của Hoài Lâm ở ấp Bình Thủy, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; là một cù lao nhỏ, khó khăn, hẻo lánh.

Ông nội của Hoài Lâm là Nguyễn Văn Tần (thường gọi là ông Tư Tần), là một người máu mê cải lương. Tiếp xúc nhà ông, chúng tôi mới biết được ông là một người đam mê tài tử. Trong nhà ông vẫn còn lại những dấu tích của nghề đờn ca hát xướng, đó là một cây đờn treo trên vách, một chiếc song lan nhỏ để ở trên bàn, nhưng tất cả đều rất cũ kĩ, không biết có sử dụng được hay không.

Ông Tư giờ đã trên 80 tuổi, nên không còn minh mẫn để trả lời cho chúng tôi nghe những chuyện về mình, nhưng nhìn trên đôi mắt ông chúng tôi biết được, ông đã rất mãn nguyện vì có đứa cháu nội Hoài Lâm – đang nổi tiếng với nghề hát xướng gia truyền.

Rất tiếc, ông Tư đã yếu (hình như bị “lẫn”) nên không còn truyền lại cho con cháu mình kĩ năng hát cải lương, nhưng những gì ông để lại là cả một di sản về nghề nghiệp truyền thống gia đình.

Tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Tỏ (cách nhà ông Tư vài căn) là bạn thân của ông Tư lúc sinh thời. Ông Tỏ cho rằng, ngày xưa gia đình ông Tư là gia đình tài tử, do khi đó nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân hạn chế, chính vì vậy nên ông Tư chưa có điều kiện để phát huy truyền thống của gia đình mình.

Hiện tại, ông Tư còn có một người em ruột tên là Nguyễn Văn Kính đang làm nghề. “Thằng Kính hát không hay nhưng đờn hay lắm, mỗi khi nó ngân lên một điệu là nghe muốn rụng rốn, có lẽ những âm điệu của nó là do anh Tư (ông Tư Tần) chỉ giáo” - ông Tỏ hào hứng kể.

Nhưng những ngón nghề của ông Kính sẽ không bao giờ được giới thiệu rộng khắp ra công chúng, bởi vì ông cũng đã già rồi.

Theo lời ông Tỏ: “Cách đây vài năm tôi có nghe thằng Kính đàn ở đám cưới nhưng không phải là cải lương mà là nhạc bây giờ, nghe muốn lùng bùng lỗ tai, như trò hề, trò xẩm”.

Nghe những lời chua xót của ông Tỏ, chúng tôi cảm thấy bùi ngùi, có lẽ cải lương nơi chốn quê nghèo đang dần mai một để nhường chỗ cho các thể loại mới phù hợp hơn trong thời đại “kim tiền”.

Gia đình ông Tư là gia đình duy nhất ở xứ cù lao này theo nghiệp “tài tử”, chính ông là người lập ra đoàn hát nhỏ để mưu sinh và nhất là theo đuổi niềm đam mê bất diệt trong tâm hồn.

Và có lẽ, chính vì mang dòng họ “nhà nòi” nên Hoài Lâm có thể hát dân ca rất “bẩm sinh” - theo như Hoài Linh (bố nuôi Hoài Lâm) chia sẻ.

Cha ruột Hoài Lâm là anh Nguyễn Văn Mỡ (nghệ danh Tuấn Vũ) là nam chính trong đoàn. Nhìn gương mặt rất giống Hoài Lâm, nhưng có lẽ điểm giống nhất của hai cha con chính là niềm đam mê nghệ thuật.

Tuấn Vũ có tham gia cộng tác với các đoàn hát và từng có thời gian đi hát ở các sân khấu lớn Sài Sòn, đi đến đâu anh cũng là kép chính trong những tuồng cải lương.

Anh từng hát chung với các nữ nghệ sĩ tên tuổi ở Sài Gòn thời ấy, trong đó có nữ nghệ sĩ khả ái Cẩm Tiên.

Hoài Lâm và bố mẹ ruột
Hoài Lâm và bố mẹ ruột

Theo lời chị Huỳnh Thị Thao (bạn của Tuấn Vũ thưở thiếu thời) nói: “Anh Mỡ nhỏ hơn tui vài tuổi, nếu nhớ không lầm giờ đây Mỡ 46 tuổi, là một tên tuổi cải lương ngày ấy. Vì khi đó không có tivi để xem Lệ Thủy hay Minh Vương hát nên nói về cải lương thì tụi tui chỉ biết có Tuấn Vũ mà thôi. Mỡ hát hay lắm, tụi tui không chỉ mê anh hát mà còn mê cả vẻ tài tử, phong nhã của anh.”

Cũng hát hay nhưng không bằng danh ca Tuấn Vũ, đó là anh Nguyễn Văn Men (thường gọi là Ba Men, bác ruột của Hoài Lâm).

Ba Men cũng thường làm kép chính trong đoàn cải lương của ông Tư Tần (khi Tuấn Vũ bận). Có lẽ vẻ ngoài không được lãng tử bằng người em Tuấn Vũ của mình nên Ba Men không nổi tiếng lắm.

Theo lời chị Thao nói, anh ba Men chủ yếu theo đoàn để lo chuyện ngoại giao, bến bãi; anh còn phụ trách lái chiếc ghe khoảng 10 tấn để chở rạp và chở đào kép trong gia đình đi hát khắp nơi.

Nguyễn Văn Mén (bác ruột của Hoài Lâm) là một “danh hài” trong đoàn hát của ông Tư (nghệ danh “Chí Mén”). Có lẽ là anh hát không hay, cũng có thể là trong đoàn thiếu “nghệ sĩ hài” nên anh không nổi tiếng bằng kép chínhTuấn Vũ.

Nhưng khi xem cải lương, ngoài giọng hát ngọt ngào của kép chính thì Chí Mén là một phần không thể thiếu để mang lại thành công cho các vở diễn. Theo lời anh Lê Văn Khải Em – một “thổ địa” của vùng này chia sẻ: "Đi xem gánh hát tui chỉ chờ xem Chí Mén, anh ấy hài hước lắm…”

Hoài Lâm còn có 2 cô ruột là Nguyễn Thị Món và Nguyễn Thị Mác cũng là những người phụ nữ mà dân quê gọi là “có thanh, có sắc”.

Nhưng vì ngày ấy người ta thường có những định kiến không tốt về những phụ nữ đi hát đi hò, có người còn cho rằng hát cải lương là “xướng ca vô loài”.

Một phần vì những định kiến khắc nghiệt ấy mà Món và Mác chỉ diễn những vai phụ hoặc đôi khi thay thế vai nữ chính (khi nữ chính đột ngột vắng mặt). Hiện tại, họ đã lập gia đình nhưng niềm say mê cải lương vẫn con đó, đặc biệt là khi Hoài Lâm xuất hiện trên khắp các sân khấu cả nước như một “hiện tượng dân ca”.

Ngoài ra, Hoài Lâm còn có người chú ruột là Nguyễn Thanh Tuấn (con út, đang sống chung với ông Tư); cũng là một người đam mê ca hát. Có lẽ máu tài tử đã thấm đẫm trong người nên anh Tuấn đàn rất giỏi và hát cũng rất “mùi”.

Trong các chương trình văn nghệ do xã nhà tổ chức anh đều tham gia; hội hè, đình đám đầu trên xóm dưới anh đều có mặt để phục vụ cho phần văn nghệ.

Anh Khải Em cho biết thêm, anh Tuấn chỉ tham gia hát xướng nhằm thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật mà thôi, vì bản thân anh còn phải gánh nặng chuyện gia đình và đặc biệt là khi ông Tư đã tuổi cao sức yếu.

 

 


Ý kiến của bạn